Xóa mô hình đội tuyển học sinh giỏi ở tiểu học

Giáo dục - Ngày đăng : 16:33, 06/11/2014

Ngày 5/11, phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Đức Hữu đã có trao đổi với PV về quy định: Cấm các trường tổ chức tuyển sinh vào lớp 6 và làm rõ hơn về việc tổ chức các sân chơi trí tuệ cho học sinh tiểu học.

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Đức Hữu.



Không cấm sân chơi, nhưng xóa bỏ lập đội tuyển

- Thưa ông, hiện nay Bộ GD-ĐT đang triển khai hai cuộc thi giải toán và tiếng Anh trên internet phạm vi toàn quốc đối với học sinh tiểu học. Vậy triển khai chỉ thị mới của Bộ trưởng ban hành ngày 3/11 thì hai cuộc thi này có điều chỉnh thế nào?

Ông Nguyễn Đức Hữu: Tháng 10/2014 Bộ GD-ĐT ban hành 2 công văn hướng dẫn các địa phương tổ chức giao lưu Olympic tiếng Anh trên interrnet và giải toán interrnet dành cho HS lớp 5, lớp 9 và lớp 11.

Đối với học sinh tiểu học sau khi có Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thì chúng tôi sẽ có những điều chỉnh.

Tuy nhiên, với những học sinh có nhu cầu và các em tự nguyện tham gia các sân chơi thì Bộ GD-ĐT không cấm.

Nhưng theo Chỉ thị của bộ trưởng - đây cũng là bước tiếp nối các văn bản chỉ đạo trước đây về cấm dạy thêm học thêm ở tiểu học nhằm giảm áp lực cho học sinh để bớt đi bức xúc của xã hội.

Thông tư 17 năm 2012 có chỉ đạo hướng dẫn các địa phương về vấn đề dạy thêm học thêm. Nhưng lần này Chỉ thị của Bộ trưởng yêu cầu các địa phương tiếp tục làm nghiêm túc, triệt để, kiên quyết hơn để chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm ở cấp tiểu học và đặc biệt là đáp ứng yêu cầu đổi mới về đánh giá học sinh tiểu học, trong đó có việc đánh giá bằng nhận xét, không dùng điểm số trong đánh giá thường xuyên học sinh tiểu học

Với hai cuộc thi nói trên, chúng tôi sẽ có công văn hướng dẫn địa phương điều chỉnh thể lệ cuộc thi và tuyệt đối không tổ chức đội tuyển để tham gia các cuộc thi này. Vì khi tổ chức các đội tuyển thì sẽ dẫn đến việc phụ đạo, bồi dưỡng, tập huấn làm nặng nề và tạo áp lực cho học sinh.

Vì khi thành lập đội tuyển thì bao giờ cũng nghĩ đến phải có giải. Chính vì thế, Bộ GD-ĐT sẽ có những điều chỉnh hết sức cụ thể, hợp lý và học sinh được tự nguyện tham gia.

Đối với học sinh tham gia các cuộc giao lưu thì không đánh giá xếp loại thi đua cho các đơn vị, không lấy kết quả tham gia các cuộc giao lưu hay sân chơi trí tuệ của học sinh để làm căn cứ thi đua xếp loại các đơn vị.

Với quy định này có tính nhân văn để sân chơi hết sức thoải mái, bổ ích cho học sinh nhằm củng cố kiến thức để có thể vận dụng trong cuộc sống. Đặc biệt là nâng cao kỹ năng sống cho các em...

- Xin ông cho biết cụ thể về việc điều chỉnh thể lệ hai cuộc thi Olympic tiếng Anh trên interrnet và giải toán interrnet?

Trong hai công văn hướng dẫn có thành lập đội tuyển khi các học sinh tham gia cấp trường - đủ điều kiện sẽ được chọn tham gia cấp huyện. Sau khi kỳ thi cấp huyện sẽ chọn ra những em xuất sắc để thi cấp tỉnh. Và tỉnh chọn ra đội tuyển để tham gia cấp toàn quốc.

Đối với tiểu học thì chúng tôi điều chỉnh bằng cách không thành lập đội tuyển và cũng không tính bình quân mỗi quận/ huyện sẽ được bao nhiêu em, mỗi tỉnh sẽ được bao nhiêu em. Mà căn cứ vào tính tự nguyện và kết quả thực tế - em nào đạt yêu cầu thì sẽ được tham gia cuộc chơi ở cấp cao hơn. Nó mang đúng nghĩa là sân chơi, tạo tâm lý thoải mái, hấp dẫn đối với học sinh - chứ không phải chọn đội tuyển để tạo áp lực cho học sinh.

- Như vậy giáo viên cũng sẽ không bị áp lực chỉ tiêu phải có học sinh được giải?

Đúng vậy. Bởi vì giáo viên chúng tôi có đánh giá hàng năm theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học. Đánh giá nhà trường chúng tôi có kiểm định ngoài, kiểm định chất lượng. Còn không căn cứ vào kết quả học sinh - đặc biệt là kết quả các cuộc thi để xếp loại thi đua các đơn vị.

Cá nhân tôi nghĩ, quy định đó rất nhân văn và tạo cơ hội cho học sinh - nếu em nào có điều kiện và tự nguyện vẫn có những sân chơi phù hợp để phát triển trí tuệ....

Nhiều năm nay chúng tôi đã căn cứ vào chuẩn giáo viên tiểu học để xếp loại giáo viên chứ không căn cứ vào kết quả các cuộc giao lưu để xếp loại giáo viên dạy giỏi.

Chúng tôi nghĩ rằng, Chỉ thị của bộ trưởng sẽ được phụ huynh, học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý đón nhận để thay đổi tư duy. Lợi ích cuối cùng là học sinh được tạo cơ hội để các em bộc lộ những năng khiếu, năng lực của bản thân. Nhưng đồng thời cũng không yêu cầu các em phải tham gia đội tuyển và tham gia đội tuyển thì phải có giải - chuyện đó sẽ dẫn đến dạy thêm, học thêm gây nặng nề cho học sinh tiểu học.

Tuyển sinh lớp 6: Không có đặc cách trường được tổ chức

- Một nội dung nữa trong chỉ thị chưa được rõ về việc cấm các trường THCS tổ chức thi tuyển vào lớp 6. Ông có thể giải thích rõ hơn quy định này?

Nhiều năm nay thì Bộ GD-ĐT đã quy định điều này rồi. Thông tư 30 cũng là một bước tiến mới trong thay đổi quan điểm cách thức đánh giá học sinh tiểu học, trong đó quy định rõ: Hàng năm có sự bàn giao vào cuối năm giữa giáo viên đang dạy học sinh hiện tại với giáo viên dạy ở lớp trên. Trong quá trình bàn giao như vậy không chỉ là bàn giao sổ sách, mà bàn giao chất lượng ở đây là qua hồ sơ học sinh, qua trao đổi chia sẻ cho giáo viên tiếp quản biết được khả năng, năng lực của từng em để trên cơ sở đó tạo điều kiện giúp đỡ các em phát triển. Những em tốt, học giỏi có thể phát huy tiếp năng lực, những em mặt này mặt kia còn hạn chế giáo viên cũng biết để giúp các em để hoàn thành tốt năm học kế tiếp.

Vì có bàn giao chất lượng như vậy nên đối với học sinh lớp 5 lên lớp 6 thì có việc bàn giao giữa trường tiểu học với trường THCS trên cơ sở địa bàn, dưới sự chỉ đạo của Phòng GD-ĐT và trong kiểm tra đánh giá cuối năm học lớp 5 thì trong thông tư 30 quy định rõ là có mời giáo viên THCS sẽ dạy những năm học sau đến cùng ra đề, cùng kiểm tra, cùng chấm...

Chính vì vậy không được tổ chức thi tuyển sinh lớp 6 và khảo sát chất lượng đầu năm vì chúng ta đã có cuộc bàn giao chất lượng và cùng hợp tác, giám sát chất lượng học sinh lớp 5.

Còn nếu tổ chức tuyển sinh vào lớp 6 thì chắc chắn trong hè học sinh sẽ phải đi học thêm. Như vậy rõ ràng, bộ đang quán triệt không được tổ chức dạy thêm, học thêm - nếu tổ chức thi hoặc khảo sát đầu năm thì vô hình chung tạo cơ hội để cho phụ huynh học sinh bắt con em mình đi học thêm. Và các thầy cô cũng tổ chức dạy thêm, học thêm.

- Như vậy có thể hiểu việc của giáo viên tiểu học sẽ ngày càng nhẹ, nhưng áp lực sẽ dồn lên giáo viên ở các cấp THCS...không thưa ông?

Cũng không hẳn như vậy, vì trong thực hiện Nghị quyết 29 trong đó có khâu đột phá là đổi mới thi cử, đánh giá. Chúng ta bây giờ phải tiếp cận đánh giá hiện đại của các nước tiên tiến đã áp dụng nhiều năm nay - đó là chuyển đánh giá kết quả cuối cùng sang đánh giá cả quá trình.

Đánh giá quá trình chính là tạo điều kiện, tạo cơ hội giúp các em hoàn thiện mình, giúp các em hoàn thành mục tiêu bài học, môn học ở từng ngày, từng giờ. Và đây chính là cuộc cách mạng đổi mới về mặt tư duy đánh giá học sinh.

Từ cấp tiểu học, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu để có đổi mới ở các cấp học kế tiếp về kiểm tra đánh giá để tạo một sự liên thông, đồng thuận và đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện.

- Trở lại quy định không tuyển sinh vào lớp 6 - thực tế có nhiều trường lâu nay vẫn tổ chức tuyển tuyển rất gắt gao như Trường THCS Cầu Giấy, THCS Amsterdam...Liệu Bộ GD-ĐT có quy định đặc cách?

Thực hiện Chỉ thị của Bộ GD-ĐT thì tất cả các cơ sở giáo dục, tất cả các địa phương đều phải thực hiện bình đẳng như nhau. Và trong phân cấp quản lý nhà nước thì sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT và các nhà trường chịu trách nhiệm trước các đơn vị trực thuộc của mình.

Đối với Bộ GD-ĐT thì không có trường hợp ngoại lệ.

- Cảm ơn ông!

Theo Kiều Oanh