“3-1=mấy?” hay câu chuyện về “đứa trẻ không bao giờ lớn”

Sách - Ngày đăng : 15:10, 06/11/2014

(HNMO)- “3-1=mấy?” không phải là một câu chuyện ma hay chuyện kinh dị, nó thể hiện một góc nhìn khác về những “đứa trẻ không bao giờ lớn”.


Câu hỏi “3-1=mấy?” xét trên lô gic toán học, đáp án chắc chắn bằng 2. Nhưng bên trong nó vẫn còn một ẩn ý sâu xa. Tác giả không đưa ra câu trả lời chính xác, mà thông qua các tình tiết của câu chuyện để gợi mở cho độc giả. Còn đáp án thực sự là thế nào? Đó tùy vào suy ngẫm và sự lý giải của từng người.

Chuyện Chu Đức Đông kể không phải là chuyện ma, mà là câu chuyện về một con người đặc biệt, là một “đứa trẻ không bao giờ lớn”, hoặc bao gồm cả những con người mang vóc dáng của một người trưởng thành, nhưng nhận thức, suy nghĩ lại phát triển méo mó, không lành mạnh.

Trong tác phẩm có một tình tiết, người mẹ mang tam thai, nhưng có một đứa trẻ bị chết yểu ngay khi còn nằm trong bụng mẹ. Sau này, một trong hai đứa trẻ ra đời khỏe mạnh còn lại đã giết hại chính anh em ruột của mình rồi rạch bụng mẹ tự vẫn trong đó. Như vậy, câu hỏi lẽ ra phải là 3-3, sao lại là 3-1?

Vì sao lại nói “đứa trẻ không bao giờ lớn” là kẻ có trí tuệ và tâm hồn không trưởng thành? Là vì ở loại người đó, ngoài tính dục ra thì không hề có đạo đức, tư duy của một người trưởng thành, hay tựu chung là nhân cách của loại người này phát triển không lành mạnh. Nếu coi nhân cách lành mạnh, hoàn thiện là một có giá trị bằng 3, thì khi trừ đi 1, liệu nó sẽ còn lại một kết quả như thế nào? Có thể là một phần “con người” nào đó, hoặc có thể chẳng còn gì.

Trong hành trình đi tìm ẩn số của chuỗi sự kiện kì quái, Trương Cổ đã nói đến một khái niệm, đó là “virus cơ thể mẹ”. Với một đứa trẻ bị bỏ rơi ngay từ khi mới sinh ra thì thứ virus tiêm nhiễm vào cơ thể nó chính là sự tổn thương trước những bất hạnh, nghiệt ngã của số phận, khiến nó bất mãn, đó cũng chính là nguồn cơn của những suy nghĩ lệch lạc và tội ác.

Khi người mẹ bỏ rơi đứa trẻ đó, cũng chính là bà ta đã trừ đi một phần máu mủ của mình, trừ đi một phần trong nhân cách của mình, trừ đi một hạnh phúc của con mình.

Cổ nhân thường nói “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, nhưng cũng có người nói ngược lại rằng trẻ con chính là ác quỷ, bởi trẻ con vốn dĩ là những người ích kỷ, ác độc, nếu không nhận được sự dạy dỗ đúng đắn từ cha mẹ, chúng sẽ không phân biệt đâu là đúng đâu là sai. Từ đây cho thấy trách nhiệm dưỡng dục của các bậc phụ huynh thật quan trọng với con trẻ biết nhường nào.

Tác phẩm là vở bi kịch cuộc đời của “đứa trẻ không bao giờ lớn”. Nó khiến con người ý thức rằng cần cẩn trọng với mỗi hành vi của mình, tránh gây tổn thương cho người khác, vì nếu một con người thường xuyên bị tổn thương hoặc bị tổn thương trong một thời gian dài thì thì tâm lý sẽ bị ảnh hưởng xấu, một ngày nào đó những suy nghĩ oán hận, kích động, tiêu cực... sẽ biến họ trở thành ác quỷ!

T.M