Đâu là sự thật?

Xã hội - Ngày đăng : 06:58, 06/11/2014

(HNM) - Thời gian gần đây, một số thông tin cho rằng, người dân cụm 1, thôn Quỳnh Đô, xã Vĩnh Quỳnh (Thanh Trì) trồng rau muống trong nghĩa địa không cần chăm bón nhiều và chỉ 10-15 ngày đã thu hoạch một lứa khiến người tiêu dùng hoang mang.


Để làm rõ những thông tin trên, phóng viên Đường dây nóng Báo Hànộimới về tìm hiểu thực tế tại xã Vĩnh Quỳnh, ghi nhận ý kiến của người dân, lãnh đạo xã…

Nông dân xã Vĩnh Quỳnh trồng rau muống trong khu nghĩa địa.


Đến Vĩnh Quỳnh vào một buổi chiều cuối tháng 10, trên những cánh đồng rau muống của xã có rất đông người dân ra đồng chăm sóc, thu hoạch rau. Thế nhưng khi phóng viên hỏi về nghề trồng rau muống để viết bài thì người nào cũng ngại trả lời với lý do sau khi một số báo viết bài đăng sai sự thật về nghề trồng rau tại đây khiến người tiêu dùng hoang mang, người trồng rau ở Vĩnh Quỳnh thì điêu đứng vì ế hàng, rớt giá. Ông Trần Văn Hồng, cụm 1, thôn Quỳnh Đô cho biết: Gia đình ông hiện trồng hơn 5 sào rau muống gần khu nghĩa địa cụm 1, tuy nhiên ở nghĩa địa này chỉ có mộ đã cải táng được chôn từ lâu, không có mộ hung táng như một số báo đã nêu. Cũng theo ông Hồng, khoảng 7-8 năm trở lại đây, có tới 90% số người chết trong cụm 1 được đưa đi hỏa táng, chỉ một số ít được chôn tại khu nghĩa trang Chùa Thông (gần trụ sở UBND xã). Còn bà Nguyễn Thị Tâm, cụm 2, Quỳnh Đô bức xúc: Nhờ có nghề trồng rau muống, đời sống của người dân được cải thiện và nâng lên. Việc trồng, chăm sóc rau muống của người dân tại thôn rất vất vả. Người dân cũng chăm bón, phun thuốc bảo vệ thực vật nếu có sâu bệnh nhưng đủ thời gian mới thu hoạch bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Thời gian thu hoạch bình quân là 25 ngày/lứa (mùa hè) và 30 ngày trở lên/lứa vào các mùa khác. Thông tin cho rằng, trồng rau muống cạnh mộ không cần chăm sóc nhiều, chỉ 10-15 ngày là cho thu hoạch một lứa là sai sự thật, ảnh hưởng đến sản xuất và kinh doanh của người dân.

Thực tế tại xã Vĩnh Quỳnh, phóng viên nhận thấy bên cạnh những khu nghĩa địa quy mô thôn, ở hầu hết các cánh đồng đều có những ngôi mộ chôn rải rác. Tại nghĩa địa cụm 1, thôn Quỳnh Đô có hàng trăm ngôi mộ lớn nhỏ. Đúng như phản ánh của người dân, tất cả các ngôi mộ ở đây đều là mộ cải táng, chôn cất từ lâu, không có mộ hung táng mới. Từ nhiều năm nay, các thửa đất nằm xen kẹt trong nghĩa địa này đã được người dân tận dụng để trồng rau muống và một số loại rau màu khác, thậm chí trồng cả lên nóc mộ. Tuy nhiên, khảo sát tại khu đồng Khoai (gần nghĩa trang Chùa Thông), phóng viên nhận thấy có một vài ngôi mộ hung táng được chôn rải rác ở các thửa ruộng, xung quanh mộ người dân đang trồng rau muống, rau cần và cải xoong.

Trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Đình Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quỳnh cho biết, nghề trồng rau muống ở Vĩnh Quỳnh có từ lâu, nhưng chỉ phát triển mạnh gần chục năm trở lại đây. Xã có 13 cụm dân cư thì cả 13 cụm đều có nghề trồng rau muống, tuy nhiên cụm 1, thôn Quỳnh Đô trồng nhiều nhất. Do đặc thù vùng nông thôn, trước đây nghĩa trang nhân dân không được quy hoạch, người dân xây mộ ở rải rác khắp các cánh đồng nên việc trồng rau hay trồng lúa xen kẽ những ngôi mộ là không tránh khỏi. Tuy nhiên, ông Hiếu khẳng định không có chuyện người dân Vĩnh Quỳnh trồng rau muống 10-15 ngày là thu hoạch như một số báo điện tử đã nêu. Thông tin sai sự thật đó đã ảnh hưởng đến việc sản xuất và tiêu thụ rau của người dân. Ông Hiếu cho biết, hiện người dân Vĩnh Quỳnh vẫn sử dụng sau muống cho bữa ăn hằng ngày. Trên 70% số người chết ở xã được đi hỏa táng, do vậy số hung táng tại các nghĩa địa là rất ít. Ông Hiếu thừa nhận, vẫn còn một số thửa ruộng có mộ hung táng đang được người dân tận dụng để trồng rau muống và một số loại rau khác.

Để có thông tin chính xác về việc trồng rau muống cạnh mộ hung táng có bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, phóng viên Báo Hànộimới đã có buổi làm việc với đại diện lãnh đạo Chi cục BVTV Hà Nội và được biết: Nếu trồng rau gần khu vực có mộ hung táng thì rau có thể bị ảnh hưởng bởi hàm lượng vi sinh vật gây bệnh. Tuy nhiên, chỉ tiêu hàm lượng vi sinh vật gây bệnh lại không áp dụng đối với thực phẩm qua nấu nướng, mà chỉ áp dụng đối với các loại rau gia vị, rau ăn sống. Mặc dù chỉ tiêu này không áp dụng đối với thực phẩm qua nấu nướng nhưng từ nhiều năm nay, Chi cục BVTV Hà Nội đã phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân không trồng rau gần mộ hung táng, song, tình trạng người dân trồng rau gần mộ hung táng vẫn xảy ra ở một số địa phương, không riêng gì Thanh Trì.

Nếu nhìn bằng cảm quan thì việc trồng các loại rau gần mộ, nhất là mộ hung táng sẽ không bảo đảm vệ sinh. Do vậy, để vừa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa giúp người dân yên tâm sản xuất, chính quyền xã Vĩnh Quỳnh và các cơ quan chức năng huyện Thanh Trì cần tăng cường tuyên truyền để người dân không trồng rau ở các khu vực có mộ hung táng, đồng thời sớm quy hoạch lại nghĩa trang nhân dân trên địa bàn xã.

Đỗ Hà