Quản lý, sử dụng vốn ODA: Ban hành luật để tránh “bẫy”

Kinh tế - Ngày đăng : 06:25, 06/11/2014

(HNM) - Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga khẳng định, ODA không phải là



Khi Việt Nam thoát khỏi nhóm nước có thu nhập thấp thì ưu đãi giảm nhưng điều kiện vay, trả nợ khắc nghiệt hơn. Vì vậy, cần ban hành luật quản lý sử dụng ODA để chống thất thoát, lãng phí.

- Thưa bà, không ít tổ chức, cá nhân cho rằng ODA là "chùm khế ngọt", vay được càng nhiều càng tốt. Bà đánh giá thế nào về quan điểm này?

- ODA là nguồn hỗ trợ phát triển chính thức. Ngoại trừ một tỷ lệ nhỏ là viện trợ không hoàn lại, phần nhiều là cho vay ưu đãi có điều kiện. Song, qua thực tế kiểm tra tại nhiều địa phương, chính Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh - người giúp Chính phủ làm đầu mối về ODA cũng rất bức xúc khi một tỷ lệ không nhỏ cán bộ, người dân, kể cả lãnh đạo địa phương còn hiểu: ODA là cho không, vay được càng nhiều càng tốt, bất chấp khả năng trả nợ.

Cảng Cái Mép - Thị Vải, một công trình được đầu tư xây dựng bằng vốn ODA.


Tôi cho rằng, xu hướng thích dùng ODA, gắn liền với lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ, bệnh thành tích ở một số nơi đã và đang khiến công trình ODA xuất hiện rất nhiều nhưng chất lượng, hiệu quả thấp, suất đầu tư bị đội lên quá cao. Thực tế cũng chứng minh, do năng lực quản trị khu vực công của ta hạn chế, chưa kiểm soát được thất thoát, lãng phí, tham nhũng nên đã góp phần làm cho một số dự án mặc dù vay giá rẻ, nhưng đã trở nên vô cùng đắt đỏ.

- Bà có thể nêu ví dụ cụ thể về việc đầu tư chưa hiệu quả?

- Cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải được khánh thành cuối tháng 1-2013, bằng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Việt Nam, với tổng vốn đầu tư gần 13.000 tỷ đồng đang được dư luận phản ánh là đầu tư chưa hiệu quả bởi số tàu vào rất ít.

- Có ý kiến cho rằng, sở dĩ có hiện tượng trên vì các văn bản hướng dẫn quản lý ODA phức tạp?

- Không những phức tạp mà còn phân tán, hiệu lực pháp lý thấp. Có nhiều quy định khác nhau giữa pháp luật Việt Nam và quy định của nhà tài trợ. Nhưng tôi nghĩ, việc chưa hiểu về ODA là do nghiên cứu hời hợt. Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là việc "bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình" trong Nghị định 38 CP/2013 của Chính phủ mới chỉ mang tính nguyên tắc mà chưa được cụ thể hóa vào quy trình ODA, dẫn đến chưa ngăn chặn được tình trạng xin - cho, "cò dự án", tiêu cực, tham nhũng. Tiếp nữa, hành lang pháp lý về ODA đã bộc lộ hai điểm yếu rất cơ bản là: Quốc hội - cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất về nợ công, và người dân - chủ thể phải đóng thuế và là người trả nợ cuối cùng gần như đứng ngoài quy trình ODA. Các lĩnh vực ưu tiên sử dụng ODA quá rộng, gồm hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội và còn có quy định "quét" rất tùy nghi "Một số lĩnh vực khác" (khoản 9, Nghị định 38) càng dẫn đến thực tế phân bổ ODA dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm, không tập trung cao cho đầu tư vào lĩnh vực mang tính đầu tàu, đồng thời không kích thích được nội lực, tạo tâm lý ỷ lại, không nỗ lực tìm kiếm các nguồn vốn khác.

- Đã bao giờ Quốc hội giám sát tối cao về vấn đề này chưa, thưa bà?

- Quốc hội chưa một lần giám sát tối cao về ODA. Chỉ có Ủy ban Đối ngoại thực hiện hai lần giám sát. Năm 2006, khi xảy ra vụ PMU 18, Ủy ban Đối ngoại đã một lần nữa báo cáo lại các kiến nghị của lần giám sát trước. Đáng tiếc, việc tiếp thu không đầy đủ. Trong khi đó, các vụ thất thoát, lãng phí, tham nhũng liên quan đến lĩnh vực này gây chấn động dư luận. Điển hình là tiêu cực tại Ban quản lý dự án Đại lộ Đông - Tây và Môi trường nước TP Hồ Chí Minh (PCI); vụ nghi vấn tiêu cực tại dự án Danida (Đan Mạch) năm 2012; vụ nghi vấn Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản hối lộ quan chức đường sắt Việt Nam để được nhận thầu dự án sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật (JTC) gần đây.

- Khi các vụ việc bị phát hiện, cơ quan chức năng vào cuộc thế nào, thưa bà?

- Có điều đáng lưu ý là tuy có nhiều cơ chế kiểm tra, giám sát, nhưng những vụ vi phạm lớn lại chỉ được phát hiện do phía nước ngoài. Khi nắm được, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Công an, Viện KSND tối cao vào cuộc rất khẩn trương, điển hình là vụ JTC vừa qua. Tiến độ xử lý vụ này khác hẳn vụ PCI. Trong vụ PCI, phải mất gần một năm mới dịch xong các nội dung liên quan đến vụ án từ tiếng Nhật sang tiếng Việt để phục vụ công tác điều tra.

- Để tránh tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng", theo bà có cần ban hành luật quản lý, sử dụng ODA?

- Rất cần. Trong luật này cần quy định chặt chẽ tiêu chí chấp nhận vốn ODA; công khai, minh bạch toàn bộ số vốn, công khai các dự án và quy trình phân bổ; bắt buộc phải phản biện độc lập trước khi quyết định; quy định về trách nhiệm của Quốc hội, về quyền của người dân, Mặt trận, báo chí, hiệp hội chuyên ngành trong quá trình quyết định và thực thi ODA. Không chỉ ban hành luật, Quốc hội cần tiến hành giám sát ODA, chỉ ra những khiếm khuyết trong chính sách, những nhóm lợi ích liên quan ở cả trong nước và nước tài trợ; phân tích những mặt lợi và bất lợi của ODA, từ đó đề xuất chiến lược sử dụng có chọn lọc theo lộ trình giảm dần, tiến đến chấm dứt ODA. Bởi sau khi chúng ta thoát khỏi nhóm nước có thu nhập thấp thì ưu đãi giảm đi, nhưng điều kiện vay và trả nợ khắc nghiệt hơn.

Nhiều nghiên cứu quốc tế về ODA đã chỉ ra các điểm cơ bản khiến nước tiếp nhận có khả năng chịu bất lợi là: Nước tài trợ tạo ra và duy trì một nhu cầu viện trợ giả tạo (ráo riết vận động, hoặc tư vấn cho nước nhận về những dự án chưa cần thiết, không phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước nhận); đòi hỏi những điều kiện bảo đảm lợi nhuận của các công ty của nước tài trợ tham gia ODA như điều kiện về tư vấn, thiết kế, nhân công, về công nghệ, về thiết bị, vật tư... của nước tài trợ mặc dù nước nhận có thể tự cung cấp, hoặc mua với giá thấp hơn. Có những dự án nếu có đấu thầu thì cũng chỉ là đấu thầu giữa những doanh nghiệp của nước tài trợ; xuất khẩu công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường sang nước tiếp nhận... Vì thế, có nhà kinh tế coi ODA như một cái bẫy, ví ODA như là "sát thủ kinh tế".

- Xin cảm ơn bà!

Hà Phong