Sáo và nhạc cổ điển là cuộc sống

Văn hóa - Ngày đăng : 06:21, 06/11/2014

(HNM) - Được mệnh danh là



"Cô gái chiến thắng" mới 24 tuổi và có 13 năm học sáo cổ điển. Có lẽ chẳng ai nghĩ rằng cô bé mới 10 tuổi, một mình từ Quảng Ninh lên Hà Nội học sáo tại Học viện Âm nhạc quốc gia khi chưa từng cầm cây sáo lại trở thành nghệ sĩ trẻ hàng đầu của ngành sáo Việt Nam hiện nay. Thế mà Ly Hương làm được, bằng những ngày miệt mài tập luyện với cây sáo, bằng những đêm không ngủ luyện hơi, bằng sự tỉ mỉ nghiên cứu về âm nhạc dành cho sáo ở các trường phái, thời kỳ khác nhau và cùng sự dìu dắt tận tình của các thầy cô.

Nguyễn Ly Hương được biết đến từ khá lâu khi tham gia nhiều hoạt động âm nhạc giao hưởng thính phòng. Từ năm 2006 đến nay, với tư cách là nhạc công, Ly Hương đã đứng trong Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, Dàn nhạc giao hưởng Hà Nội, Dàn nhạc giao hưởng Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Dàn nhạc giao hưởng Học viện Huế, các nhóm hòa tấu thính phòng, hòa tấu kèn… để biểu diễn hàng trăm buổi trong và ngoài nước. Năm 2006 và 2007, Ly Hương được Dàn nhạc giao hưởng trẻ Đông Nam Á (SAYOWE) tuyển chọn và biểu diễn. Trước khi đạt thành tích đáng nể ở cuộc thi quốc tế dành cho nghệ sĩ sáo lần thứ nhất, năm 2007, cô gái trẻ này còn đoạt giải Nhất trong cuộc thi âm nhạc thính phòng toàn quốc mang tên "Mùa thu" do Bộ VH-TT&DL tổ chức. Tất cả những thành tích trên đều gắn liền với nhạc cổ điển mà Ly Hương được đào tạo từ nhiều năm nay. Với cô, âm nhạc cổ điển và sáo như là hơi thở. Còn trẻ, nhưng Ly Hương đã có cách xử lý rất tinh tế và tạo dấu ấn riêng trong mỗi tác phẩm âm nhạc cổ điển. Cô cho rằng, ngoài năng khiếu và sự khổ luyện, người nghệ sĩ còn phải đào sâu suy nghĩ và nghiên cứu rất nhiều mới thể hiện được tác phẩm âm nhạc cổ điển trước hết là chuẩn mực sau đó là hấp dẫn. Với mỗi tác phẩm, Ly Hương dành nhiều thời gian tìm hiểu về tác giả, nghiên cứu tác phẩm được sáng tác thời kỳ nào, hoàn cảnh nào để xác định cách chạy nốt, nhịp, hơi thở, rung nhấn… mới "bắt" được đúng mạch cảm xúc trong tác phẩm.

Ly Hương còn nổi bật với những tìm tòi để "khoác tấm áo mới" cho cây sáo trẻ trung, sôi động hơn. Cô từng là thành viên chủ chốt của nhóm nhạc TSD ấn tượng trong chương trình "Tuổi đời mênh mông" hay nhóm nhạc Gen9 với việc kết hợp sáo trên nền nhạc điện tử. Ly Hương bày tỏ: "Tôi muốn thử nghiệm cách chơi những bản nhạc cổ điển theo phong cách mới để dễ tiếp cận với các bạn trẻ hơn và chứng minh cho họ thấy cây sáo flute không già tí nào". Với "cô gái chiến thắng", làm nghệ thuật muốn đạt hiệu quả không chỉ cần phần nghe mà còn phải chú trọng cả phần nhìn. Bởi vậy, trên sân khấu, người xem thấy Ly Hương cuốn hút trong lối diễn bằng hơi thở, ánh mắt hay những bước di chuyển, những động tác cầm sáo, hất sáo...

Tuy nhiên trong đêm nhạc tới đây, Nguyễn Ly Hương chọn cách cống hiến trọn vẹn cho khán giả bằng những tác phẩm cổ điển dành cho sáo của các nhà soạn nhạc danh tiếng như Chaminade, Tchaikovsky, Bizet, Saint-Saens, Chopin, Hindemith và hai tác phẩm của nhạc sĩ Việt Nam "Sáo đêm" của Lữ Quân Huy, "Rừng gọi" của Vũ Thiết. Ly Hương cho rằng, âm nhạc cổ điển nếu biết sáng tạo và biến hóa cách chơi sẽ không bao giờ thôi cuốn hút. Đồng hành với cô trong chương trình là hai người bạn: Phạm Quỳnh Trang (piano) và Trần Khánh Quang (clarinet).

Thụy Du