Xử lý dạy thêm, học thêm ở tiểu học: Thiếu chế tài mạnh

Giáo dục - Ngày đăng : 06:14, 06/11/2014

(HNM) - Trước tình trạng các vi phạm về dạy thêm học thêm vẫn tồn tại, gây áp lực với HS và bức xúc trong xã hội, Bộ GD-ĐT đã ban hành chỉ thị về việc chấn chỉnh tình trạng DTHT đối với giáo dục tiểu học.


Người lớn xoay xở, loay hoay

Chỉ thị về chấn chỉnh tình trạng DTHT đối với giáo dục tiểu học do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận ký ngày 3-11 nêu rõ trách nhiệm của các phòng GD-ĐT và nhà trường với 5 nội dung, trong đó có việc cấm giao bài tập về nhà với HS học 2 buổi/ngày; không giao bài tập ngoài sách giáo khoa cho HS học 1 buổi/ ngày; không tổ chức khảo sát HS đầu năm học… Thực chất, đây là những quy định đã được nêu tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT, được cụ thể hóa tại hướng dẫn nhiệm vụ năm học và hoạt động chuyên môn của cấp tiểu học vài năm qua. Lý do khiến Bộ GD-ĐT phải ban hành chỉ thị là tại một số nơi còn tồn tại sai phạm về DTHT, khiến HS bị áp lực, phụ huynh bức xúc và làm giảm uy tín của ngành. 

Giờ học chính khóa tại Trường Tiểu học Tả Thanh Oai. Ảnh: Bảo Lâm


Có thể nhận thấy, tình trạng DTHT chủ yếu diễn ra ở các thành phố, thị xã, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi. Đây cũng là địa bàn mà các cấp quản lý ngành, địa phương luôn đứng trước mối lo làm sao vừa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chuyện học của HS, vừa giám sát việc thực thi để không "phạm luật". Nhằm cụ thể hóa Thông tư 17 /2012/TT-BGDĐT, tháng 6-2013, Hà Nội đã ban hành quy định 22/2013/QĐ-UBND về DTHT với mức trần thu phí cho một tiết học ở từng cấp học. Đầu kỳ nghỉ hè, Sở GD-ĐT cũng phát "lệnh" cấm DTHT trong hè, việc ôn tập văn hóa chỉ được triển khai từ sau ngày 15-7. Tổng hợp thông tin từ "đường dây nóng" của ngành và kết quả của 20 đoàn kiểm tra tại cơ sở trong tháng 9-2014 cho thấy, những phản ánh liên quan đến DTHT giảm.

Hà Nội có gần 90% các trường tiểu học học 2 buổi/ngày, việc không giao bài tập về nhà với HS là quy định thu hút sự quan tâm của nhiều phía. Hầu hết các trưởng phòng GD-ĐT khu vực nội thành như Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy đều khẳng định đã chỉ đạo cơ sở thực hiện nghiêm quy định này. Ông Nguyễn Duy Long, Trưởng phòng GD-ĐT quận Đống Đa cho biết: Với quy mô 19 trường tiểu học, hơn 28 nghìn HS, để việc DTHT đi vào nền nếp, đầu năm học, mỗi nhà trường phải thực hiện 3 cam kết, xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân: Cam kết giữa hiệu trưởng - trưởng phòng GD-ĐT; giữa hiệu trưởng - giáo viên (GV); giữa hiệu trưởng - phụ huynh.

Về phía phụ huynh, anh Nguyễn Văn Thọ, phụ huynh HS lớp 4E, Trường Tiểu học Sài Đồng, quận Long Biên bày tỏ sự đồng tình với những quy định của ngành và cho biết từ hai năm nay, con anh được nghỉ trọn vẹn 3 tháng hè, cũng chưa ngày nào phải làm bài tập ở nhà. Nhưng cũng có không ít phụ huynh khi thấy con về nhà không phải làm bài tập lại lo lắng, đề nghị GV giao bài hoặc cho con đi học thêm. Với kinh nghiệm quản lý, Trưởng phòng GD-ĐT quận Đống Đa Nguyễn Duy Long khẳng định: Thời lượng học 2 buổi/ngày ở trường đủ để HS phát triển toàn diện cả kiến thức, kỹ năng, bảo đảm hài hòa giữa hoạt động trí óc và vận động chân tay đối với lứa tuổi tiểu học. Việc giao bài về nhà dễ khiến các em bị quá tải, ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý.

Con trẻ có bớt áp lực?

Theo Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT, kể từ ngày 1-7-2012 không tồn tại DTHT ở cấp tiểu học, trừ trường hợp tổ chức bồi dưỡng về nghệ thuật, TDTT, rèn kỹ năng sống. Đây chính là "kẽ hở" nảy sinh sai phạm về DTHT. Chẳng phải ngẫu nhiên, trong đợt kiểm tra hoạt động chuyên môn đầu năm học vừa qua, các thành viên đoàn kiểm tra của Sở GD-ĐT Hà Nội phải lên tiếng chấn chỉnh việc tổ chức các câu lạc bộ (CLB), đồng thời khẳng định việc tham gia là tự nguyện, khuyến cáo mỗi HS không nên tham gia quá 2 CLB. Nguyên nhân là vì có tình trạng lợi dụng tổ chức CLB biến tướng thành các lớp DTHT, cách triển khai có thể không tự nguyện, gây bức xúc.

Một thực tế khác là, vài năm nay, cấp tiểu học không còn tổ chức thi HS giỏi, song thực tế, HS tiểu học hiện nay lại trải qua nhiều cuộc thi rải suốt từ đầu đến khi kết thúc năm học. Theo hiệu trưởng một trường tiểu học, ước tính HS phải tham gia khoảng gần chục cuộc thi lớn nhỏ "ở trên giao xuống" như: Thi toán, tiếng Anh, tìm hiểu giao thông trên internet, thi viết, vẽ, kể chuyện (theo chuyên đề, ngày kỷ niệm, các dịp lễ), hội thao, văn nghệ… Đây là cơ hội để các em phát triển toàn diện, song xét ở khía cạnh khác thì thực sự "có vấn đề". Một GV chủ nhiệm lớp 4 "bật mí": Để có HS đoạt giải trong các kỳ thi trên mạng, ngoài giờ dạy, cô thường đóng vai HS tham gia để thuộc các dạng đề và hướng dẫn HS cách giải. Trước khi vào vòng thi cấp quận, nhiều khi cô trò tập dượt với nhau cả tuần. Một phụ huynh HS lớp 5 tại Hà Nội cho biết: Năm học trước, nhà trường tổ chức giao lưu HS giỏi môn toán, tiếng Việt để chọn đội tuyển thi cấp quận. Theo quy định thì HS trong một phòng thi được trộn giữa các lớp, cô giáo nào cũng nhấp nhổm, lo HS của mình không làm được bài. Đã có chuyện học trò lớp này tố học trò lớp kia được cô giáo bảo bài, khiến HS, phụ huynh ấm ức…

Ý kiến của các chuyên gia cho rằng nhà trường, GV, HS và cả phụ huynh hiện nay đối mặt với nhiều áp lực dẫn đến những căng thẳng, bức xúc quanh chuyện dạy - học. Ngoài ý thức đạo đức, trách nhiệm của người thầy, quan niệm của phụ huynh, một trong những căn nguyên khiến cho những sai phạm về DTHT tái diễn là vì chưa có chế tài đủ mạnh. Theo Nghị định số 138/2013/NĐ-CP, mức xử phạt cho hành vi vi phạm DTHT là từ 1 đến 12 triệu đồng. Trên thực tế, việc xử lý sai phạm về DTHT mới chỉ dừng lại ở mức độ đình chỉ, yêu cầu đóng cửa.

Một trưởng phòng GD-ĐT (xin giấu tên) thẳng thắn đề xuất Bộ GD-ĐT nên cấm triệt để việc GV được dạy thêm ngoài nhà trường đối với HS mà GV đang dạy chính khóa, không nên làm nửa vời như hiện nay là vẫn được dạy nếu hiệu trưởng cho phép. Nếu kiên quyết được như vậy mới có thể giải quyết cơ bản tận gốc về DTHT.

Thống Nhất