Đòi hỏi quyết tâm của cấp ủy Đảng

Chính trị - Ngày đăng : 06:09, 06/11/2014

(HNM) - Sau cuộc làm việc của Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị tại Huyện ủy Ba Vì ngày 17-10, Thường trực Thành ủy đã chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU và Kế hoạch số 166/KH-UBND về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) miền núi của Thủ đô Hà Nội, giai đoạn 2011-2015. Những chỉ đạo mới đòi hỏi các cấp ủy Đảng cơ sở phải gắn bó mật thiết với bà con hơn nữa, vào cuộc thật sự với tinh thần trách nhiệm cao hơn.

Trung tuần tháng 10 vừa qua, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị dẫn đầu Đoàn công tác thành phố đi kiểm tra tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại huyện Ba Vì, trọng tâm là phát triển kinh tế từ chăn nuôi bò sữa và giải quyết khó khăn cho xã nghèo nhất là xã Ba Vì. Huyện Ba Vì có lợi thế rất lớn để phát triển chăn nuôi bò sữa. Nhưng, việc phát triển chăn nuôi bò sữa còn nhỏ lẻ, nhiều hạn chế, chưa hình thành được vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn. Trong khi đó, xã Ba Vì có đến 98% dân số là đồng bào dân tộc Dao và là xã nghèo nhất trong 7 xã dân tộc miền núi của huyện. Cuộc làm việc của Bí thư Thành ủy đã làm sáng tỏ những vướng mắc, khó khăn trong phát triển chăn nuôi bò sữa của huyện Ba Vì; làm rõ những vấn đề cản trở phát triển kinh tế - xã hội của xã nghèo Ba Vì như việc giao đất cho dân trong Vườn quốc gia Ba Vì, việc phát triển nghề thuốc Nam... Kết quả thảo luận, phân tích từ cuộc làm việc đã chỉ ra nguyên nhân khó thoát nghèo của xã Ba Vì nói riêng và huyện Ba Vì nói chung có một phần quan trọng là do cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quyết liệt chỉ đạo, trong khi người dân còn có phần rụt rè, chưa chủ động vươn lên, chưa dám nghĩ, dám làm...

Những vấn đề mà đồng bào DTTS xã Ba Vì, huyện Ba Vì đang gặp phải cũng chính là những bài toán chung cần lời giải của các vùng có đồng bào DTTS miền núi đang sinh sống trên địa bàn Thủ đô. Nhằm hướng sự tập trung nguồn lực và sự ưu tiên dành cho các khu vực này, ngày 31-10-2011, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU, tiếp đó UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 166/KH-UBND, về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS miền núi của Thủ đô Hà Nội, giai đoạn 2011-2015. Gần ba năm qua, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Nghị quyết số 06 của Thành ủy cũng gặp nhiều khó khăn. Điều đó được phản ánh rõ qua buổi làm việc của Bí thư Thành ủy với xã Ba Vì và huyện Ba Vì.

Trước thực tế này, ngay sau cuộc làm việc của Bí thư Thành ủy, Thường trực Thành ủy đã họp và chỉ đạo các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết 06 và Kế hoạch 166. Đây cũng là lời giải cho các bài toán khó mà xã Ba Vì, huyện Ba Vì và các vùng có đồng bào DTTS miền núi đang sinh sống. Trong các giải pháp, Thường trực Thành ủy nhấn mạnh tinh thần cộng đồng trách nhiệm của các sở, ban, ngành và cấp ủy, chính quyền quận, huyện có điều kiện trong việc giúp đỡ, hỗ trợ các vùng đồng bào DTTS miền núi. Ban cán sự Đảng UBND thành phố có thể tính tới việc phân công cho các quận, huyện có điều kiện giúp đỡ mỗi vùng đồng bào DTTS miền núi, đồng thời tiến hành rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc, các chỉ tiêu, nhiệm vụ, chương trình, đề án nêu trong Nghị quyết 06, từ đó xây dựng lộ trình, phân công, tổ chức thực hiện cụ thể, bảo đảm sát thực, hiệu quả...

Tuy nhiên, điểm nổi bật trong chỉ đạo của Thường trực Thành ủy là phải làm rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và đảng viên các vùng đồng bào DTTS miền núi, đặc biệt là phải khơi dậy tinh thần tự chủ, ý thức tự vươn lên bằng nội lực của đồng bào và mỗi địa phương. Trong đó, đảng viên phải là những người gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, biết tuyên truyền, vận động để đồng bào DTTS nỗ lực tự vươn lên trong cuộc sống. Cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu phải đổi mới nhận thức và hành động để phát huy nội lực, tính tự chủ của đồng bào và từng địa phương, trên cơ sở hỗ trợ một phần của thành phố, từng bước vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Cùng với đó, các cấp ủy Đảng vùng đồng bào DTTS phải không ngừng xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh; có cơ chế đặc thù để tuyển dụng cán bộ người DTTS, thu hút cán bộ có trình độ về công tác.

Những chỉ đạo cụ thể nói trên đem lại niềm hy vọng đối với đồng bào DTTS Thủ đô, đặc biệt là những xã dân tộc miền núi nghèo. Vấn đề thực hiện phụ thuộc chủ yếu vào sự năng động và quyết tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt là tinh thần tự chủ, ý thức tự vươn lên của chính đồng bào.

Hà Nội có gần 68.000 người DTTS, thuộc 37 thành phần dân tộc, chiếm 0,9% dân số toàn thành phố. Trong đó, dân tộc Mường chiếm 78,5% (hơn 53.000 người); dân tộc Tày chiếm 8,8% (hơn 6.000 người); dân tộc Nùng chiếm 2,9% (khoảng 2.000 người); còn lại là các DTTS khác. Đồng bào DTTS Thủ đô cư trú tập trung theo cộng đồng tại 152 thôn, thuộc 14 xã của 5 huyện: Ba Vì (7 xã); Thạch Thất (3 xã); Quốc Oai (2 xã); Chương Mỹ (1 xã) và Mỹ Đức (1 xã).

Võ Lâm