Chăn nuôi dịp cuối năm: Kẻ mừng, người lo
Xã hội - Ngày đăng : 06:40, 05/11/2014
Vào thời điểm này năm trước, giá các loại gia súc, gia cầm đều tăng khoảng 5%-10%. Tuy nhiên năm nay, do giá thực phẩm trong những tháng mùa hè tăng cao nên nông dân ồ ạt nuôi, dẫn tới giá một số loại thực phẩm ở thời điểm hiện tại giảm so với cùng kỳ năm trước khiến nhiều hộ chăn nuôi đứng ngồi không yên.
Chăm sóc đàn lợn thịt tại xã Cổ Đông (Sơn Tây, Hà Nội). Ảnh: Bá Hoạt |
Theo bà Nguyễn Thị Lan - hộ nuôi lợn ở huyện Ba Vì, hiện tại, trang trại đang nuôi 1.000 lợn thương phẩm để phục vụ thị trường Tết, nhưng với giá như hiện nay thì chỉ hòa vốn. Không những thế, bắt đầu từ tháng 10, giá một số loại thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, như khô dầu đậu tương tăng 1%; giá cám gạo tăng 4%; giá sắn lát tăng 8% so với tháng 9-2014. Vì vậy, nhiều hộ nuôi lợn không dám tăng đàn, chỉ duy trì số lượng đang nuôi vì năm nay rất khó xác định được nhu cầu sử dụng thực phẩm của người tiêu dùng, kể cả dịp các ngày nghỉ lễ và Tết Nguyên đán 2015.
Không giống như nhiều hộ chăn nuôi lợn, các hộ chăn nuôi gia cầm lại đang hào hứng với việc chuẩn bị cho đợt tái đàn sắp tới. Chị Nguyễn Thị Tình - ở huyện Chương Mỹ cho biết, sau một thời gian dài mấy tháng giảm mạnh, hiện tại với giá gà công nghiệp lông trắng và lông màu người chăn nuôi đang có lãi. Song do dự báo nhu cầu sử dụng thực phẩm của người tiêu dùng trong năm nay giảm khoảng 5-10% so với năm trước, nên dù đang vào giai đoạn cao điểm tái đàn để phục vụ thị trường cuối năm, nhưng các trang trại cũng chỉ nhập đàn với số lượng dè chừng. Tuy nhiên, do nhiều địa phương mở rộng quy mô chăn nuôi và công nhân làm việc ở các khu công nghiệp sau khi thất nghiệp trở về quê cũng quay sang nghề chăn nuôi, khiến cho số lượng người nuôi tăng hơn. Do đó, ước tính tổng đàn gia cầm cả nước tăng 2%, sản lượng thịt gia cầm tăng 2,8% và sản lượng trứng tăng 5,5% so cùng kỳ năm ngoái. Đây là những con số cần quan tâm bởi nếu không tính toán cẩn trọng, đến thời điểm cuối năm lại rơi vào tình trạng "được mùa rớt giá" và người nuôi không có lãi.
Để ổn định thị trường tiêu thụ thực phẩm trong các tháng cuối năm và không để xảy ra tình trạng sốt giá cục bộ ở một số nơi, Bộ NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị có liên quan tăng cường công tác kiểm tra tình hình chăn nuôi ở các địa phương để nắm bắt được số lượng đầu con. Các địa phương đẩy mạnh mở các lớp tập huấn nghiệp vụ về thị trường giúp chủ trang trại nắm bắt được nhu cầu tiêu thụ thực phẩm, qua đó có hướng chăn nuôi cho phù hợp, tránh tình trạng khi giá tăng lại đầu tư ồ ạt, chỉ một thời gian giá lại giảm. Đối với các hộ chăn nuôi lợn cần khuyến khích họ duy trì tổng đàn để bảo đảm thực phẩm cho dịp cuối năm. Mặc dù, đến thời điểm này cả nước không có dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm, nhưng do thời tiết chuyển sang mùa đông, cùng với số lượng vận chuyển gia súc, gia cầm từ các tỉnh, thành phố tăng mạnh nên cần khuyến cáo người dân áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Đối với người dân, cần bảo đảm chống rét, chống đói cho đàn vật nuôi khi thời tiết rét đậm, rét hại để không xảy ra tình trạng động vật chết như mọi năm, gây thiệt hại về kinh tế. Ngoài ra, các trang trại cũng cần tham gia xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nhằm ổn định giá bán, duy trì số lượng đầu con…
Theo Cục Chăn nuôi, hiện giá thịt lợn hơi giảm nhẹ, khoảng 49.000 - 50.000 đồng/kg; tại miền Nam, giá dao động từ 51.000 đến 53.000 đồng/kg; giá thịt lợn hơi ở miền Bắc thấp hơn từ 3.000 đến 4.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá gà công nghiệp lông trắng tiếp tục tăng mạnh so với tháng 9-2014, dao động từ 35.500 đến 36.500 đồng/kg, tăng khoảng 4.000 đồng/kg so với tháng 9. Giá thịt gà lông màu cũng tăng mạnh, từ 44.000 đến 46.000 đồng/kg; gà thả vườn có giá 110.000-120.000 đồng/kg, tăng khoảng 2.000-3.000 đồng/kg, nhưng giá trứng lại giảm chỉ còn từ 13.000 đến 14.500 đồng/chục, giảm khoảng 2.000 đồng/chục quả so với thời điểm tháng 9. |