Ứng xử thế nào cho phải?

Văn hóa - Ngày đăng : 06:16, 05/11/2014

(HNM) - Chủ trương dẹp bỏ văn hóa ngoại lai mà trước hết là hiện vật không phù hợp với truyền thống văn hóa của người Việt ra khỏi di tích, cơ quan, công sở của Bộ VH-TT&DL được các địa phương hưởng ứng nhiệt tình. Tại Hà Nội - nơi có nhiều di tích nhất cả nước, việc di dời hiện vật không phù hợp ra khỏi di tích


Quyết tâm lớn

Sau đợt ra quân kiểm tra lần thứ nhất của ngành VH-TT&DL vào cuối tháng 8 vừa qua, một số di tích (DT) có nhiều hiện vật lạ bị dư luận lên án như: Đình, chùa Mộ Lao (Hà Đông), chùa Gia Quất (Long Biên)… đã được Ban quản lý các DT này khẩn trương di dời. Tiếp đó, 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn đã khảo sát, thống kê số lượng hiện vật lạ tồn tại trong DT để có biện pháp khắc phục, xử lý.

Đôi sư tử đá trước cửa chùa Gia Quất đã được di dời. Ảnh: Trà Xanh



Mặc dù lượng hiện vật lạ trong DT đã giảm phần nào so với thời gian trước đây, song một số DT nổi tiếng như đình Ngọc Khánh (Ba Đình) vẫn còn 2 con sư tử bằng chất liệu đất nung phủ nhũ án ngữ trước cổng; cụm DT đình La Khê và chùa Diên Khánh thuộc phường La Khê (Hà Đông) vừa có sư tử đá, vừa có tượng Bạch Y; đền Hát Môn - DT quốc gia đặc biệt thờ Hai Bà Trưng còn tồn tại 54 đèn đá trong khuôn viên, 3 đôi lục bình ở nhà đại bái, thiêu hương; đền Và (Sơn Tây) còn 2 sư tử đá và 16 đèn đá…

Đối với hiện vật lạ trong các cơ quan, công sở, nhà dân, ngành văn hóa Hà Nội chưa có con số thống kê chính thức, nhưng bằng mắt thường cũng có thể nhận thấy, lượng sư tử đá đang tồn tại là không nhỏ. "Qua đó có thể thấy, việc di dời hiện vật lạ ra khỏi DT, cơ quan, công sở… cần có một quyết tâm rất lớn, cần sự vào cuộc đồng bộ của các ngành chức năng từ thành phố tới cơ sở cũng như ý thức tự giác của mỗi người dân. Văn bản số 3531 (ngày 24-10) của Sở VH-TT&DL Hà Nội đề nghị "30 quận, huyện, thị xã triển khai vận động di dời dứt điểm các hiện vật không đúng quy định ra khỏi DT và các cơ quan, công sở xong trước ngày 30-11-2014 là một trong những động thái bước đầu của Hà Nội nhằm thực hiện chủ trương "quét sạch" văn hóa ngoại lai của Bộ VH-TT&DL", Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Trương Minh Tiến khẳng định.

Kết quả bước đầu cho thấy, Hà Nội hiện còn 538 DT (chiếm gần 10% tổng số DT trên địa bàn) với 1.383 hiện vật lạ đang tồn tại, trong đó sư tử là 377 con, Bồ tát Bạch Y là 317 tượng, đèn đá có 464 chiếc. Địa phương còn nhiều DT có hiện vật lạ nhất là huyện Đông Anh với 68 DT; Hoài Đức với 55 DT; Chương Mỹ với 42 DT; Thường Tín với 35 DT; Phúc Thọ với 30 DT; Thanh Trì với 28 DT… Ở các quận nội thành, DT ít tồn tại hiện vật ngoại lai hơn khi quận Hoàn Kiếm khẳng định là không có, quận Hai Bà Trưng cho rằng đã chuyển hết, quận Ba Đình còn 3 DT, quận Đống Đa còn 5 DT…

Thiếu hướng dẫn cụ thể

Thực tế chứng minh, việc di dời hiện vật đã khó, việc ứng xử với hiện vật lạ như thế nào cho phải sau khi di dời còn khó hơn. Bởi đa phần hiện vật được cung tiến cho DT từ những người có tâm hoặc đặt trước trụ sở làm việc, kinh doanh do sự nhận thức chưa đầy đủ chứ không phải vì mục đích phá hoại hay xâm lăng văn hóa như một số ý kiến từng quy chụp.

Để giải quyết vấn đề này, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Sơn Tây Hứa Đức Thịnh hiến kế: "Ở một góc độ nào đó, sư tử hay đèn đá vừa là sản phẩm mang yếu tố tâm linh, vừa là của cải vật chất. Ứng xử không phù hợp sẽ gây ra sự lãng phí và ít nhiều ảnh hưởng tới tâm tư, tình cảm của người phát tâm công đức. Vì thế, ngành văn hóa nên có hướng dẫn cụ thể để biến những hiện vật lạ đang tồn tại từ chỗ bất hợp lý trở thành cái hợp lý. Ví dụ như những con sư tử đá qua bàn tay chế tác lại của nghệ nhân sẽ trở thành những linh vật phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam, hay những cây đèn đá sẽ trở thành những cây nến…". Cũng theo ông Hứa Đức Thịnh, chủ trương đưa hiện vật không phù hợp ra khỏi DT là hợp lý, nhưng việc thiếu hướng dẫn cụ thể có thể khiến chủ trương đúng đắn này bị… treo. "Khi chúng tôi yêu cầu các xã, phường di dời dứt điểm hiện vật lạ, nhiều ý kiến hỏi ngược lại, rằng thu hồi hiện vật xong thì đưa nó về đâu, xử lý thế nào? Thực sự chúng tôi đang loay hoay với những câu hỏi này. Nếu có hướng dẫn của cấp trên, chúng tôi sẽ không lúng túng như thế", ông Hứa Đức Thịnh phản ánh.

Đồng quan điểm trên, song Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mê Linh Phan Văn Luật cho rằng, thắt chặt quản lý DT ngay từ cơ sở sẽ hạn chế được rất nhiều sai phạm, trong đó có việc đưa hiện vật lạ vào DT. "Như nhiều địa phương khác, nhiều tổ chức, cá nhân có nguyện vọng được cung tiến hiện vật cho DT ở Mê Linh. Nhưng, bất kỳ một động thái nào tác động tới DT, Mê Linh cũng yêu cầu các địa phương làm báo cáo xin phép các ngành chức năng của huyện, chỉ khi được đồng ý, hiện vật đó mới được tiếp nhận. Bằng cách này, huyện Mê Linh hạn chế được rất nhiều tác động tiêu cực tới DT", ông Phan Văn Luật nói.

Như vậy, ứng xử thế nào cho phải với hiện vật không phù hợp sau khi di dời vẫn là câu chuyện dài, rất cần sự phối hợp linh hoạt từ trung ương tới các địa phương và ngược lại.

Phó Giám đốc Sở VH-TT& DL Hà Nội Trương Minh Tiến: "Chủ trương của ngành là loại bỏ những yếu tố văn hóa không phù hợp với truyền thống của người Việt ra khỏi DT, cơ quan, công sở, chứ không bắt buộc phải hủy bỏ hiện vật không phù hợp đó. Bởi thế, nếu các địa phương cải tạo được những hiện vật không phù hợp thành hiện vật phù hợp thì rất tốt, chúng tôi khuyến khích".

Minh Ngọc