Hướng tới lợi ích cộng đồng
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:08, 05/11/2014
Lý do là sau khi luật có hiệu lực, hiệu quả chưa thấy mà tỷ lệ người nghiện ma túy còn tăng vọt, không thể kiểm soát hết được. Thậm chí tại TP Hồ Chí Minh, người nghiện còn tràn cả ra đường phố, không chỉ công khai tiêm chích giữa nơi công cộng mà còn ngang nhiên đe dọa, xin tiền người lành, trộm cắp, cướp giật, gây hoang mang trong cộng đồng…
Đáng chú ý là trong khi nhiều địa phương còn đang "rối như canh hẹ", lúng túng tìm cách xử lý thì TP Đà Nẵng, nơi cũng có hoàn cảnh tương tự, lại không khoanh tay ngồi nhìn. Từ cấp ủy tới chính quyền thành phố đã thống nhất chủ trương cho các cấp, ngành chức năng phối hợp lập hồ sơ người nghiện, đánh giá tình trạng nghiện hút, tổ chức cai nghiện kể cả cai nghiện bắt buộc…, để rút ngắn thời gian, khắc phục những khó khăn chưa giải quyết được. Đã có nhiều ý kiến trái chiều về cách làm này, thậm chí cho rằng phải chăng Đà Nẵng đã "xé rào"? Tuy nhiên, theo lãnh đạo thành phố này, đây không phải là làm trái luật, phá luật mà là thực hiện luật một cách sáng tạo, làm cho luật đi vào đời sống, làm cho xã hội tốt hơn…
Quả thực là thoạt nghe thì có vẻ như vô lý, song nếu suy xét thật thấu đáo thì sẽ thấy giải pháp "vượt rào" của Đà Nẵng cũng là vì mục tiêu chung, làm lợi cho dân, lợi cho nước. Vẫn biết những quy định chặt chẽ của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 221/2013/NĐ-CP là nhắm tới mục đích bảo vệ nhân quyền cho công dân Việt Nam. Và vẫn biết giải pháp của Đà Nẵng chỉ là tạm thời, chữa cháy, nhưng trong khi chưa tìm ra giải pháp khác thì việc "vượt rào" cũng là vì sự an toàn của cộng đồng. Bởi ai cũng biết ma túy, mại dâm liên quan chặt chẽ đến HIV/AIDS và vô số những tệ nạn, tội phạm khác (đã có thống kê cho thấy 80% những vụ án hình sự có liên quan đến ma túy). Và ai cũng biết là nếu không bị kiềm chế bởi các quy định của pháp luật thì tình trạng nghiện ngập ma túy tất sẽ tăng nhanh… Không chỉ những người có trách nhiệm mà ngay cả một người dân bình thường cũng khó mà yên tâm trước tình trạng "bỏ ngỏ" cho những người nghiện lang thang, muốn làm gì thì làm trong cộng đồng xã hội.
Không khó để nhận thấy không ít quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, tương tự là Nghị định 221/2013/NĐ-CP ngày 30-12-2013 về "Quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc" (Nghị định) có phần rườm rà, không phù hợp với thực tế Việt Nam. Đơn cử như việc có một tổ chức xã hội bảo đảm các điều kiện về nhân sự, cơ sở vật chất, thiết bị… (theo Điều 14 của Nghị định) quy định, trong bối cảnh hiện nay có thể nói là khó khả thi. Những quy định bất khả thi đó chính là những vướng mắc khiến các cơ quan chức năng bị "trói tay" ngay từ khi luật được ban hành, còn công tác quản lý người nghiện bị "bỏ ngỏ".
Để có thể giải quyết tận gốc vấn đề rõ ràng cần phải hoàn thiện chính sách pháp luật. Luật do con người làm ra nhằm phục vụ cuộc sống, đồng nghĩa với phục vụ lợi ích của con người, lợi ích cộng đồng. Và khi luật chưa phù hợp với thực tế cuộc sống thì việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện luật cũng là lẽ thường tình.