Làm gì để không thua trên “sân nhà”?
Kinh tế - Ngày đăng : 06:43, 04/11/2014
Việc cắt giảm thuế suất sẽ mang lại nhiều lợi ích cho DN khi hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa thuận lợi hơn do hàng rào thuế quan, phi thuế quan được bãi bỏ. Song hội nhập cũng đi kèm với sự cạnh tranh khốc liệt, hàng hóa nước ngoài sẽ NK vào với mức thuế đã giảm tối đa theo cam kết. Nhiều DN Việt đã cảm nhận rõ sức nóng của áp lực cạnh tranh bởi trên thực tế, với năng lực tài chính, quản trị và khoa học công nghệ khiêm tốn, DN nội đang lép vế trên chính sân nhà.
Ngành công nghiệp ô tô được dự báo sẽ gặp khó khăn khi áp dụng cắt giảm thuế theo các hiệp định thương mại quốc tế. Ảnh: Mạnh Hà |
Giảm thuế và "bài toán" cạnh tranh
Đến năm 2014, nhiều hiệp định thương mại quốc tế của Việt Nam đã bước sang giai đoạn cắt giảm và xóa bỏ thuế quan sâu. Năm 2015, khoảng 93% số dòng thuế có mức thuế suất 0% và 7%. Thêm vào đó, Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến được ký kết vào cuối năm 2014 với mục tiêu loại bỏ từ 90% trở lên các rào cản về thuế quan cho hàng hóa, dịch vụ dự kiến sẽ mở ra nhiều cơ hội cho DN Việt Nam. Bởi các FTA được ký kết sẽ giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường và không phụ thuộc quá mức vào một khu vực nhất định. Trên thực tế, khu vực Đông Á, bao gồm ASEAN, Trung Quốc (gồm cả Đài Loan, Hồng Kông), Nhật Bản và Hàn Quốc luôn chiếm tỷ trọng rất lớn trong kim ngạch XNK của Việt Nam. Tỷ trọng này thường xuyên ở mức trên 60%, nếu tính riêng nhập khẩu thì lên tới trên 75%. Việc đàm phán và ký kết FTA thế hệ mới với một số thị trường trọng điểm như Mỹ, EU sẽ giúp khắc phục sự mất cân đối này.
Quan hệ thương mại tự do với các thị trường lớn sẽ là "cú hích" thực sự cho XK. Những cam kết về cải thiện môi trường đầu tư và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với các quốc gia này sẽ góp phần thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nhất là của các tập đoàn lớn đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Nếu biết tận dụng thời cơ này, Việt Nam sẽ hưởng lợi lớn từ làn sóng đầu tư mới, tạo ra nhiều công ăn việc làm, hình thành năng lực sản xuất mới để tận dụng các cơ hội XK.
|
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, năm 2018 là thời điểm đầy thách thức với DN trong nước khi thuế nhập khẩu trong FTA ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc đã cắt giảm phần lớn xuống 0%. Sau khi TPP, các FTA cũ và mới được ký kết và thực hiện, các ngành sản xuất và hàng hóa sẽ phải cạnh tranh bình đẳng với hàng ngoại nhập khi thuế NK đã giảm về 0%. Lúc này, nhiều ngành dự kiến sẽ gặp khó khăn, nhất là công nghiệp ô tô, xe máy. Các mặt hàng nông sản như thịt lợn, bò, đường… cũng sẽ phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập. Khi mở cửa thị trường dịch vụ và đầu tư, sức ép cạnh tranh sẽ rất lớn với các ngành ngân hàng, thương mại bán lẻ.
Đặc biệt, những quy định chặt chẽ về sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu trí tuệ trong TPP từ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, quyền tác giả, bằng sáng chế, bí mật kinh doanh đến việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ… sẽ là thách thức lớn. Bởi năm 2003, Việt Nam đứng thứ nhất trên thế giới về vi phạm bản quyền với tỷ lệ vi phạm là 93%. Năm 2011 tỷ lệ này tuy đã giảm xuống nhưng vẫn ở mức cao với 81%, xếp thứ 22 trên thế giới.
Phải vượt qua chính mình
Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), hội nhập có rủi ro lẫn thách thức, nhưng nếu không chấp nhận rủi ro và thách thức sẽ không có phát triển. Đã đến lúc DN cần chuyển dần từ cách thức cạnh tranh bằng giá sang chú trọng cạnh tranh phi giá. Sản phẩm cần gắn liền với tiêu chuẩn, chất lượng, mẫu mã, giao dịch… Nhận xét về khả năng thích nghi của DN khi các FTA được ký kết, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Ủy ban Tư vấn chính sách thương mại quốc tế (VCCI) cho rằng, các FTA thế hệ cũ mang lại nhiều cơ hội nhưng DN chưa tận dụng được đầy đủ lợi ích thuế quan từ các FTA nên xuất khẩu dù tăng, nhưng giá trị gia tăng không cao. Trong khi đó, DN trong nước đã bị cạnh tranh khốc liệt với hàng ngoại tại nội địa. Bởi vậy, khi các FTA thế hệ mới tiếp tục được ký kết sẽ xuất hiện những nhóm bị "tổn thương".
Nhận xét về khả năng thích nghi của DN trước sức ép hội nhập, ông Mai Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho biết, hiện nay DN nội, đặc biệt là DN nhỏ đang thiệt thòi về khả năng tiếp cận vốn ngân hàng, đất đai, cơ hội tiếp xúc với các dự án lớn của Chính phủ so với các DN lớn cũng như các DN FDI. Thêm vào đó, những chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với DN nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài đã khiến sự thiệt thòi luôn nghiêng về các DN nhỏ.
Để hỗ trợ cộng đồng DN nâng cao năng lực cạnh tranh, các chuyên gia kinh tế cho biết, tại nhiều quốc gia, cơ hội mua sắm chính phủ, dự án đầu tư công luôn cho phép DN nhỏ và vừa được tham gia 30%. Cùng với đó, Nhà nước đã phân bổ nguồn lực hợp lý, hạn chế bớt những tác động không có hiệu quả đối với DN nhà nước và cố gắng thu hẹp sự khác biệt giữa DN FDI với DN trong nước để có một sự cạnh tranh bình đẳng. Hiện nay, các quốc gia đều có xu hướng đàm phán, ký kết các FTA có phạm vi rộng, bao gồm cả các lĩnh vực phi truyền thống như: Môi trường, lao động, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ... đồng thời cam kết xóa bỏ gần 100% thuế NK. Nếu được đàm phán phù hợp, trên tinh thần lắng nghe và thấu hiểu DN, các FTA thế hệ mới sẽ góp phần tích cực cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo đúng mục tiêu của Chính phủ.