Nên sửa đổi luật cho phù hợp với thực tiễn
Chính trị - Ngày đăng : 06:38, 04/11/2014
Trước đó, Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh cũng đã có kiến nghị với Quốc hội về nội dung này. Liên quan đến vấn đề này, chiều 3-11, Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ĐB Nguyễn Thị Khá, Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội.
- Trước việc ĐBQH Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có kiến nghị về vấn đề đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc, quan điểm của bà như thế nào?
- Tôi ủng hộ kiến nghị đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nếu Quốc hội chấp thuận thì sau đó có thể nhân rộng cách làm này ra cả nước (nếu địa phương nào có nhu cầu). Vì trước hết, đó là cách giải quyết bức xúc của xã hội. Làm theo đề nghị này, không những bảo vệ sức khỏe của chính người nghiện mà còn bảo đảm sự an toàn cho chính gia đình họ và cho xã hội. Hơn nữa, việc đưa người nghiện đi cai nghiện cũng sẽ giúp họ học nghề, tạo công ăn việc làm, giúp họ có nơi ở ổn định, từ đó hạn chế tệ nạn xã hội.
- Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, làm như vậy là vi phạm quyền con người đối với người nghiện?
- Như tôi đã nói ở trên, đưa người nghiện đi cai là cũng đồng thời giúp họ vừa có công ăn việc làm vì được học nghề, gia đình họ cũng yên tâm hơn. Để họ ở ngoài, vì cần tiền để mua thuốc, rất có thể họ vi phạm pháp luật… Như vậy, cũng nói về quyền con người - cái nào quan trọng hơn?
- Như thế cũng có nghĩa luật (Luật Xử lý vi phạm hành chính, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2014) vừa ra đời đã buộc phải sửa?
- Khi thực tế cuộc sống có những thay đổi và lại là những vấn đề bức xúc của xã hội, liên quan đến con người, thì tôi cho rằng cơ quan soạn thảo có thể sửa đổi. Trong vấn đề đưa người nghiện đi cai, cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều là những trung tâm lớn của cả nước, có dân cư sinh sống đông đúc… cũng là nơi có tỷ lệ người nghiện cao thì tôi cho rằng QH nên có những sửa đổi để phù hợp. Nếu không có những chính sách phù hợp sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh sống của người dân và cao hơn là môi trường đầu tư của các địa bàn này.
- Cũng có ý kiến lo ngại số người nghiện nhiều như vậy liệu có đủ cơ sở chăm sóc?
- Tôi cho rằng phải có sự chuẩn bị và việc đưa người nghiện đi cai cũng phải có giai đoạn phù hợp với tình hình của từng địa phương. Ngoài các cơ sở của Nhà nước có thể kêu gọi xã hội hóa. Nhà nước chỉ hỗ trợ những trường hợp có hoàn cảnh gia đình nghèo, với những gia đình có điều kiện thì để Nhà nước và nhân dân cùng làm…
- Xin cảm ơn bà!
Đại biểu Nguyễn Đức Chung (Đoàn Hà Nội): Đưa người nghiện đi cai bắt buộc để bảo đảm an toàn cho người dân Từ khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành, 11 tháng qua, Hà Nội chưa đưa được người nghiện nào vào Trung tâm Giáo dục lao động xã hội để cai nghiện bắt buộc. Nguyên nhân là do vướng mắc và tính khả thi ở các quy định của pháp luật. Cụ thể, việc tổ chức giáo dục tại xã, phường, thị trấn là không phù hợp với người đã nghiện (người lệ thuộc vào ma túy); chưa kể việc để xác định người nghiện ma túy thì 3/6 tiêu chí phải diễn ra trong 24 giờ đến 72 giờ mới khẳng định được, trong khi hiện chưa có quy định nào lưu giữ người nghiện trong thời gian trên tại cơ quan nhà nước… Vì vậy, trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 3-11, tôi đề xuất hai phương án kiến nghị. Phương án 1, đề nghị Quốc hội ban hành một nghị quyết dừng việc thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 về việc đưa đối tượng đi cai nghiện bắt buộc và tiếp tục cho thực hiện các nội dung đưa đối tượng đi cai nghiện bắt buộc được quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002. Phương án 2: Đề nghị Quốc hội ban hành một nghị quyết tháo gỡ khó khăn vướng mắc bằng 4 cách. Trong đó đáng chú ý như: Ban hành cơ sở pháp lý để ngành y tế có cơ sở lưu giữ người nghiện từ 24 giờ đến 72 giờ để xác định người nghiện; cho phép áp dụng thực hiện hành vi sử dụng trái phép chất ma túy (đã xét nghiệm ma túy dương tính), đã có trong danh sách quản lý người nghiện của địa phương, đã từng cai nghiện về thì không cần theo dõi, xác định tình trạng nghiện ma túy… để tiến hành lập hồ sơ cai nghiện ma túy bắt buộc ngay. Hà Nội hiện có 6 trung tâm cai nghiện và những cơ sở này có điều kiện bảo đảm để đưa người nghiện đến cai nghiện. Thành phố có thể vừa tận dụng được cơ sở cũ (nơi có hàng trăm cán bộ, nhân viên) để thực hiện cai nghiện cho những người nghiện, vừa bảo đảm tính nhân văn, vừa hạn chế những nguy cơ mất an toàn cho xã hội. |