Tạo nên một cuộc đua công bằng
Chính trị - Ngày đăng : 06:26, 04/11/2014
Trước thực tế đó, Bộ Tư pháp đã khẩn trương rút kinh nghiệm, đồng thời đưa ra những kiến nghị để góp phần hoàn thiện hơn các tiêu chí của PAR INDEX.
Theo kết quả PAR INDEX 2013, Bộ Tư pháp đạt 79,53 điểm, trong đó điểm do Bộ Nội vụ thẩm định đạt 50,1/60 điểm; điểm đánh giá qua điều tra xã hội học của Bộ Tư pháp là 29,43/40 điểm. Bộ Tư pháp đã thực hiện tốt một số nội dung trong bộ chỉ số. Điển hình là tại chỉ số thành phần xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, Bộ Tư pháp là một trong số ít các bộ, cơ quan ngang bộ đạt ở mức độ tốt theo tỷ lệ điều tra xã hội học về năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của đội ngũ công chức. Tại chỉ số thành phần hiện đại hóa hành chính, Bộ Tư pháp cũng là đơn vị đạt điểm số cao về mức độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4…
Việc xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính đã tạo chuyển biến tích cực trong ý thức trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương. Ảnh: Bá Hoạt |
Tuy vậy, đánh giá về kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC), lãnh đạo bộ cho rằng cần tiếp tục khắc phục những hạn chế, vướng mắc để cải thiện vị trí xếp hạng. Theo đó, thời gian tới, bộ sẽ quán triệt và làm tốt công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), chỉ ban hành và duy trì những TTHC thực sự hợp lý. Đặc biệt, với số điểm bị trừ nhiều nhất là việc chậm ban hành và thực hiện Đề án vị trí việc làm, Bộ Tư pháp đang lo ngại chưa thể cải thiện trong năm 2014 nếu không có quyết tâm cao. Dự tính, Bộ Tư pháp sẽ mất 3/3 điểm đối với việc dưới 20% số cơ quan, đơn vị xác định cơ cấu công chức, viên chức theo vị trí việc làm, dưới 50% số cơ quan, đơn vị thực hiện đúng cơ cấu công chức, viên chức được phê duyệt và 2/2 điểm đối với việc dưới 50% số cơ quan, đơn vị thuộc bộ và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ thực hiện bố trí công chức theo đúng quy định của vị trí việc làm, ngạch công chức, bố trí viên chức theo đúng quy định của vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp.
Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tư pháp) Lê Tiến Châu cho biết: "Hiện có mỗi Bộ Nội vụ đã thông qua Đề án vị trí việc làm, chứ chưa bộ, ngành nào làm được. Tại Bộ Tư pháp, nhiệm vụ xây dựng đề án này do Vụ Tổ chức cán bộ làm đầu mối chung, song việc thực hiện lại liên quan đến tất cả các đơn vị thuộc bộ nên nếu không có sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt hơn cũng như sự phối hợp chặt chẽ của thủ trưởng các đơn vị thì rất khó thực hiện". Trước thực tế này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng yêu cầu các đơn vị thuộc bộ quan tâm khắc phục một số chỉ số thành phần để giữ vững và cải thiện thứ hạng, trong đó cần khẩn trương hoàn thiện Đề án vị trí việc làm, ban hành đúng thời hạn các kế hoạch công tác, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2000 (hiện mới có 1 đơn vị áp dụng); công bố kịp thời các thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ…
Đáng chú ý, bên cạnh việc chủ động khắc phục hạn chế nhằm nâng thứ hạng, Bộ Tư pháp cũng đã đưa ra nhiều góp ý để PAR INDEX ngày càng hoàn thiện. Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Nguyễn Thị Thu Hòe cho rằng, cần nghiên cứu, xem xét lại tiêu chí "ban hành kế hoạch rà soát văn bản quy phạm pháp luật", bởi pháp luật hiện hành không quy định các bộ, ngành phải ban hành kế hoạch rà soát hằng năm nên không thể là tiêu chí chấm điểm và không có cơ sở đối chiếu ban hành kế hoạch sớm hay muộn.
Trong việc ban hành kế hoạch CCHC, nhiều đơn vị thuộc Bộ Tư pháp cũng cho rằng cách tính điểm của PAR INDEX hiện chưa phù hợp (ban hành trong quý IV của năm trước liền kề năm kế hoạch là kịp thời, được 0,5 điểm; ban hành chậm nhất vào ngày 31-3 năm kế hoạch là không kịp thời, được 0,25 điểm; ban hành sau ngày 31-3 năm kế hoạch là không ban hành kế hoạch: 0 điểm). Do vậy, nhiều ý kiến đề xuất lấy thời điểm chuẩn để ban hành kế hoạch là trước ngày 31-1 của năm kế hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế và gắn liền với sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ khi mà tháng 1 hằng năm Chính phủ mới ra Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước. Ngay trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, nhiều ý kiến cũng cho rằng nên xác định số điểm theo tỷ lệ dịch vụ công được cung cấp trên tổng số dịch vụ công, thay vì xác định theo số lượng cụ thể như hiện nay. Nguyên nhân là mỗi bộ, ngành có đặc thù riêng về việc cung cấp dịch vụ công, số lượng ít nhiều khác nhau nên việc tính theo tỷ lệ sẽ bảo đảm sự công bằng giữa các bộ, ngành.
Việc xếp hạng PAR INDEX đã tạo chuyển biến tích cực trong ý thức trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, cùng với sự nỗ lực của chính các đơn vị trong việc thực hiện các quy định về CCHC thì Bộ Nội vụ cũng nên nghiên cứu, xem xét các ý kiến góp ý nhằm hoàn thiện PAR INDEX tạo nên một cuộc đua công bằng.