Khát vọng bay xa
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:03, 04/11/2014
Đáng chú ý, Vietnam Airlines sẽ là hãng hàng không thứ hai trên thế giới được nhận chiếc Airbus vào loại hiện đại bậc nhất thế giới này, sau Qatar Airways. Và đây chỉ là chiếc máy bay đầu tiên trong đơn đặt hàng mới của Vietnam Airlines với Airbus.
Một lần "đột nhập" đại bản doanh Airbus
Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã đưa tôi đến nước Pháp, để được vào thăm nơi mà mỗi năm có tới 600 máy bay Airbus được xuất xưởng, trong đó có không ít máy bay mang hình hoa sen vàng - biểu tượng của Vietnam Airlines. Chuyến bay đêm mang số hiệu VN17 của Vietnam Airlines đưa chúng tôi khởi hành từ Sân bay quốc tế Nội Bài tới thẳng Sân bay quốc tế Charles de Gaulle (Paris) sau khoảng 12 giờ bay, sau đó lại thêm 1h40 bay từ Charles de Gaulle mới tới được Sân bay Blagnac ở Toulouse - nơi đặt đại bản doanh của hãng sản xuất máy bay Airbus. Nước Pháp đang mùa thu, se se lạnh như thu Hà Nội, thêm chút mưa lất phất.
Chiếc A350 đầu tiên sẽ được bàn giao cho Vietnam Airlines vào giữa năm 2015. |
Vietnam Airlines đã có kế hoạch cụ thể về chuyến thăm nhưng tôi vẫn có cảm giác mình sắp "đột nhập" vào nhà máy sản xuất máy bay Airbus. Dù đã có nhân viên Airbus bảo lãnh nhưng để vào được đại bản doanh của hãng cũng khá phức tạp. Việc đầu tiên là phải nộp hộ chiếu để kiểm tra, sau đó chúng tôi được nhân viên bộ phận văn phòng phát cho tấm thẻ nhỏ, trên đó ghi rõ các thông số như: Tên; cơ quan làm việc tại Việt Nam; ngày đến làm việc với Airbus; tên nhân viên của Airbus bảo lãnh; một mã số…
"OK, lên đường!" - Alizée Genilloud - nhân viên truyền thông của Airbus dẫn chúng tôi qua cửa vòng ngoài. Thêm vài phút di chuyển ô tô mới đến cửa vòng trong. Lại có nhân viên bảo vệ ra kiểm tra kỹ lưỡng tấm thẻ. Barie được mở, chúng tôi mới chính thức bước vào đại bản doanh của Airbus. Nơi này rất rộng. Chỉ riêng các bãi đỗ xe ô tô con cho nhân viên tại đây cũng đã thấy quá lớn. Có hàng chục bãi đỗ xe, mỗi bãi chứa cả nghìn xe. Nhân viên dẫn đoàn nói rằng vào giờ ăn trưa, không ít lần trong nhà máy đã xảy ra tắc nghẽn giao thông cục bộ. Dọc đường vào là các khu vực ngoài trời với hàng loạt máy bay đã được hoàn chỉnh với các màu sơn và lôgô của các hãng hàng không khác nhau trên thế giới đang chờ được bàn giao đưa vào khai thác, từ Cathay Pacific, Air France, Korean Air… cho đến những hãng lạ hoắc, có lẽ tận Châu Phi xa xôi.
Tại khu Mock-up (khu mô hình), nơi trưng bày các dòng A330, A350, A380 có đặc điểm thân rộng, có các máy bay mô hình to như máy bay thật nhưng chỉ có phần đầu, phần thân. Tuy nhiên, bên trong có đầy đủ khoang hành khách, hành lý, ghế ngồi các loại, phòng tiếp viên, vệ sinh... Tùy loại máy bay còn có cả quầy rượu, giường nằm… Dù là mô hình nhưng máy bay thực tế cũng sẽ như vậy. Khách hàng sẽ yêu cầu lắp đặt nội thất cao cấp cỡ nào, bao nhiêu hàng ghế, khoang hành lý to hay nhỏ… sẽ được Airbus đáp ứng.
Theo ông Fabrice Brégier - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Airbus, Airbus có nhà máy ở nhiều nơi trên thế giới nhưng ở Toulouse có dây chuyền lắp ráp cuối cùng cho các dòng máy bay A320, A321, A380 và A350. Khu vực lắp ráp cuối cùng nằm trong một tòa nhà rộng khoảng 5ha. Các bộ phận và thiết bị của máy bay được sản xuất ở nhiều cơ sở, vệ tinh ở nhiều quốc gia khác nhau. Ví dụ, cánh được sản xuất tại Anh, đầu sản xuất ở Đức, đuôi sản xuất ở Tây Ban Nha…, sau đó một loại máy bay chuyên dụng có tên Beluga sẽ vận chuyển về nhà máy ở Toulouse để hoàn thiện trở thành thành phẩm. Hiện hãng có 5 chiếc Beluga để vận chuyển các bộ phận từ các nơi trên thế giới về lắp ráp tại Toulouse. Từ các bộ phận được đưa tới đây, sẽ mất khoảng 11 tuần để hoàn thành chiếc máy bay. Sau đó, chiếc máy bay sẽ được thử nghiệm và giao cho khách hàng. Chỉ riêng trong năm 2013, hãng đã xuất xưởng được 600 chiếc máy bay các loại. Bao giờ Việt Nam sẽ có được những tập đoàn xuyên quốc gia như vậy? Chắc chắn còn rất lâu. Nhưng ngay cả mơ ước cũng không có thì làm sao có quyết tâm để làm những điều lớn lao.
Bước phát triển vượt bậc
Lịch sử của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam bắt đầu từ tháng 1-1956 với đội bay ban đầu chỉ vẻn vẹn 5 chiếc máy bay cánh quạt IL14, AN2, Aero45… Mãi đến tháng 9-1956, chuyến bay nội địa đầu tiên mới được khai trương. Đến giai đoạn 1976-1980, hàng không Việt Nam mới vươn đến các nước Châu Á như Lào, Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Malaysia và Singapore. Vượt qua các giai đoạn khó khăn, đặc biệt là giai đoạn khủng hoảng tài chính ở Châu Á năm 1997, Vietnam Airlines đã không ngừng lớn mạnh và vươn lên trở thành một hãng hàng không có uy tín trong khu vực Châu Á nhờ thế mạnh về đội bay hiện đại, mạng bay rộng khắp và lịch nối chuyến thuận lợi. Vào năm 2010, vượt qua các yêu cầu rất khắt khe, Vietnam Airlines đã chính thức được gia nhập vào Liên minh Hàng không toàn cầu SkyTeam. Sự kiện này đánh dấu một bước phát triển vượt bậc của hãng trong tiến trình khẳng định đẳng cấp quốc tế, đồng thời góp phần tích cực vào sự nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Các đường bay nội địa được khai thác với tần suất dày đặc. Mạng đường bay quốc tế cũng được mở rộng nhanh chóng nhằm đáp ứng tốt nhu cầu phát triển và giao lưu kinh tế - chính trị - xã hội giữa các quốc gia, nâng cao sức cạnh tranh trong khu vực và giữ vững vị thế là hãng hàng không quốc gia. Từ 36 đường bay quốc tế, 27 đường bay nội địa vào năm 2008, đến nay Vietnam Airlines đã có mạng đường bay nội địa gồm 39 đường bay đến 21 điểm; mạng đường bay quốc tế gồm 52 đường bay đến 29 điểm thuộc 17 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Nội thất trong một khoang của máy bay A350 |
Máy bay của Vietnam Airlines đã bay thẳng đến Paris (Pháp), London (Anh), Frankfurt (Đức), Mátxcơva (Nga)…, những vùng đất xa xôi bên kia bờ đại dương. Vietnam Airlines còn hợp tác với nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới nhằm mở rộng hơn nữa mạng bay tới các điểm ở Trung Đông, Châu Mỹ, Châu Âu và Châu Phi…
Ngoài những nỗ lực nhiều mặt để nâng tầm quốc tế, mở rộng tầm bay, Vietnam Airlines rất chú trọng tới việc mua máy bay hiện đại, nhất là của Hãng Airbus (Pháp), Boeing (Mỹ). Và đây, chiếc A350 thân rộng, có khả năng chuyên chở trên 300 hành khách với hành trình bay dài xuyên lục địa đang được khẩn trương hoàn thiện trong nhà máy Airbus tại Toulouse theo kế hoạch vào giữa năm 2015 sẽ được bàn giao cho Vietnam Airlines đưa vào khai thác. Đáng chú ý, Vietnam Airlines sẽ là hãng hàng không thứ hai trên thế giới được nhận chiếc Airbus vào loại hiện đại bậc nhất thế giới này, sau Qatar Airways. Đây chỉ là chiếc đầu tiên trong đơn đặt hàng mới của Vietnam Airlines với Airbus.
Theo ông Phạm Ngọc Minh - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, trong giai đoạn giữa năm 2015 đến đầu năm 2019, Vietnam Airlines sẽ tiếp nhận 33 máy bay thế hệ mới trong đó có 19 chiếc Boeing B787 và 14 chiếc Airbus A350. Riêng năm 2015, hãng sẽ tiếp nhận tổng cộng 4 máy bay A350 và 5 máy bay Boeing 787. Các dòng máy bay này sẽ được sử dụng trên các đường bay dài, xuyên lục địa và giúp Vietnam Airlines khai thác đến các điểm mới ở Châu Âu, Bắc Mỹ…
*
* *
Khát vọng bay xa, Vietnam Airlines với sứ mệnh của mình, đã, đang và sẽ góp phần đưa Việt Nam vươn ra thế giới. Khát vọng bay xa là có thật. Không những thế, khát vọng Việt Nam có những tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia như Airbus là có thật.