Cận cảnh “Nghệ thuật và tài năng”

Sách - Ngày đăng : 06:47, 03/11/2014

(HNM) -


Khi Đào Mai Trang cho ra mắt cuốn sách đầu tiên "12 nghệ sĩ mỹ thuật đương đại Việt Nam" vào năm 2010, nhiều người e dè bởi "liệu có thị trường nào cho thể loại sách này?". Thế rồi chị lại bắt tay ngay vào thực hiện một cuốn sách khác, về những nghệ sĩ trẻ hơn 12 người kia, được gọi chung là nghệ sĩ 8X (sinh từ năm 1980 đến 1985), với cái cớ: "Nên có nhiều sách song hành với người nghệ sĩ trong đời sống mỹ thuật đương đại, nói với nhau những lời cả được và chưa được, để động viên nhau tiếp tục sáng tạo". Bản thảo cuốn sách thứ hai này, Đào Mai Trang phát triển từ tiểu luận nghiên cứu khoa học cấp cơ sở của mình tại Tạp chí Văn hóa nghệ thuật từ năm 2010 đến 2012.

Cuốn sách dày 248 trang, in màu, do NXB Phụ nữ xuất bản, gồm 2 chương và phần giới thiệu 9 nghệ sĩ cùng những tác phẩm của họ. Điều đáng lưu ý trong cuốn sách này là tác giả để ngỏ kết luận, để người đọc tự rút ra kết luận cho riêng mình, tự trả lời câu hỏi: Vì sao đời sống văn hóa nghệ thuật nói chung của Việt Nam, đời sống mỹ thuật và nghệ thuật đương đại nói riêng, có nguy cơ tụt hậu ngày càng xa so với khu vực và thế giới.

9 nghệ sĩ được lựa chọn, theo tác giả là vì tài năng nghệ thuật và cá tính của họ nổi bật và có nhiều khác biệt so với đồng nghiệp cùng thế hệ. Đó là Nguyễn Huy An (nghệ thuật trình diễn và hội họa), Bàng Nhất Linh (nghệ thuật sắp đặt), Nguyễn Phương Linh (nghệ thuật trình diễn), Thái Nhật Minh (điêu khắc), Lê Hoàng Bích Phượng (tranh lụa), Hà Mạnh Thắng (hội họa), Phạm Huy Thông (hội họa và nghệ thuật trình diễn), Vũ Đức Toàn (nghệ thuật trình diễn), Vũ Đức Trung (hội họa).

PGS.TS Đỗ Lai Thúy viết rằng: "Cuốn sách này cực kỳ cần thiết và đóng vai trò thúc đẩy nền mỹ thuật nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung đi tới những bến bờ chân, thiện, mỹ. Bởi lẽ thế hệ nghệ sĩ mà tác giả đề cập là những người sống trong thời kỳ chuyển đổi, nếu phát huy những sáng tạo tốt của thế hệ này sẽ định hình nền nghệ thuật trong tương lai". Nghệ sĩ Vũ Đức Toàn - một trong số nhân vật được giới thiệu thì nhận xét: Cuốn sách chê nhiều hơn khen và các nghệ sĩ trân quý điều này. Điều đó giúp họ tỉnh táo trên hành trình sáng tạo và nhận ra giá trị nghệ thuật cuối cùng muốn vươn tới. Còn với công chúng, nếu có ngần ngại đọc thì 150 hình ảnh tác phẩm của các nghệ sĩ 8X trong cuốn sách cũng đáng để thưởng thức, ngắm nhìn.

Trả lời câu hỏi liên quan đến việc "tìm thị trường" cho cuốn sách này, Đào Mai Trang nói rằng rất "đau đầu", nhưng điều thôi thúc chị làm sách (và đã thành công) là ý muốn công chúng yêu nghệ thuật có thêm kênh thông tin về mỹ thuật, cùng chia sẻ với nghệ sĩ và suy ngẫm về sự phát triển của nghệ thuật - mỹ thuật Việt Nam. Chị cũng không giấu tham vọng muốn cổ vũ cho những người viết phê bình về mỹ thuật bắt tay vào thực hiện những dự án sách, tạo lập thị trường chuyên nghiệp cho thể loại này.

Cả hai cuốn sách của Đào Mai Trang đều nhận được sự tài trợ của Quỹ Phát triển và giao lưu văn hóa Đan Mạch, riêng lần này có Viện Goethe hỗ trợ một phần để in bản tiếng Việt. Bản tiếng Anh có sự hiệu đính của ông John Keinen, Phó Giáo sư khoa Nhân học hình ảnh (ĐH Tổng hợp Amsterdam, Hà Lan) và nhà văn Mỹ Raquelle Azran - người có 20 năm gắn bó với đời sống mỹ thuật Việt Nam, được xuất bản dưới định dạng ebook. Tác giả đang mơ ước một ngày không xa được cầm trên tay bản in tiếng Anh của cuốn sách này, những mong được góp phần nhỏ bé đem đến cho thế giới cái nhìn sát thực về mỹ thuật Việt Nam hiện nay.

An Nhi