Tin không mới, nhưng mà đau!

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:05, 03/11/2014

(HNM) - Mới ít hôm trước là thông tin có tới ba bảo tàng của Việt Nam "lọt tốp" những bảo tàng hấp dẫn nhất Châu Á. Chúng ta đón tin này với thái độ thận trọng, coi đó như kênh thông tin tham khảo nhưng không vì thế mà phủ nhận cố gắng đổi mới hoạt động ở những bảo tàng này - gồm Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Bảo tàng Chứng tích chiến tranh Việt Nam.



Trước nữa, liên tiếp có thông tin từ một số trang web của thế giới, mà theo đó, một loạt danh lam thắng cảnh, khách sạn, thành phố, bãi biển của Việt Nam lọt vào danh sách "điểm đến hấp dẫn", "nơi không thể không đến". Với kinh tế du lịch, những thông tin kiểu này mang theo sự lạc quan, như người ta nói là có thể yên tâm về nguồn tài nguyên du lịch dồi dào.

Vậy mà, đi liền với tin vui nói trên là "tin dữ" về sự nhìn nhận của khách du lịch nước ngoài với điểm đến du lịch tại Việt Nam. Kết quả khảo sát đối với 3.000 du khách trong và ngoài nước thuộc khuôn khổ chương trình Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường xã hội (Dự án EU), tại 5 điểm đến thuộc hàng "hot" nhất Việt Nam hiện nay là Đà Nẵng, Hội An, Huế, Hạ Long và Sa Pa, cho thấy có hơn 90% khách quốc tế thuộc diện đến Việt Nam lần đầu; cứ 100 người được hỏi mới có 6 người từng đến Việt Nam, nay quay trở lại.

Có người nhận xét rằng kết quả từ những khảo sát nói trên không mang tính đại diện, nếu phỏng vấn được toàn bộ vài triệu khách quốc tế đến Việt Nam trong một năm thì số liệu có thể "sáng sủa" hơn. Đó là một cách đặt vấn đề, nhưng cần lưu ý rằng, với những cuộc khảo sát có quy mô tương tự, số liệu về số khách du lịch nước ngoài quay trở lại một số nước ở khu vực Châu Á "sáng" hơn rất nhiều.

Nhận định liên quan đến việc khách nước ngoài không mặn mà quay trở lại Việt Nam không phải là thông tin mới, mà được nói ra rả từ lâu. Chỉ có nỗi đau là mới - tăng lên, sau khi các cơ quan chức năng liên quan đã mở bao hội nghị, hội thảo bàn cách khắc phục hạn chế nhằm thu hút khách quay trở lại mà sự thể vẫn không khá lên được. Nỗi đau tăng lên còn là bởi kết quả khảo sát được thực hiện tại một số nước khác cho thấy tỷ lệ khách du lịch Việt Nam quay lại đó khá cao, có nơi lên tới hơn 50%.

Nỗi đau còn nằm ở chỗ, khi bàn về nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề nêu trên, các ý kiến "mới nhất" hóa ra không mấy khác so với những gì đã được đem ra bàn mãi rồi. Lữ hành vẫn phàn nàn không biết tổ chức cho khách đi chơi đêm ở đâu, xem gì, mua gì. Rằng cảnh quan ngày một xuống cấp, nạn "chặt chém" vào mùa cao điểm là không thể chấp nhận được… Giới nghiên cứu du lịch "tuyên bố lại" về sự cần thiết phải nâng cao chất lượng dịch vụ và làm phong phú thêm sản phẩm du lịch đặc trưng, cần tăng cường liên kết vùng, "khởi động lại con đường di sản miền Trung"…

Chính phủ đề ra chiến lược mang tính vĩ mô. Truyền thông phản ánh vấn đề, các doanh nghiệp đề xuất ý kiến liên quan, xuất phát từ kinh nghiệm hoạt động thực tế; giới nghiên cứu đưa ra kiến giải, tham mưu giải pháp… Những khâu ấy đều đã có "sản phẩm", không thể nói là không phù hợp, nhưng kết quả thực tế lại mang đến nỗi đau là sao? Có phải do còn khâu nào đó hoạt động ì ạch?

Dục Tú