Cảnh báo từ “cơn thịnh nộ đường phố”
Hồ sơ - Ngày đăng : 05:52, 03/11/2014
Người dân Hungary xuống đường phản đối dự luật đánh thuế internet. |
Ý tưởng về thuế dữ liệu internet có một không hai tại Châu Âu này lần đầu được đưa vào luật thuế 2015 và được trình lên Quốc hội hồi tuần trước. Theo đó, Chính phủ Hungary sẽ đánh thuế theo lượng dữ liệu internet được truyền dẫn, với mức 150 forint/GB (khoảng 0,6 USD/GB). Bộ Kinh tế Hungary cho rằng thuế internet là cần thiết để giúp "gánh vác" chính sách thắt lưng buộc bụng năm 2015 tại một trong số quốc gia hàng đầu về nợ công của Liên minh Châu Âu (EU).
Nhưng, những người phản đối cho rằng đánh thuế internet là chính sách "độc tài" gây tổn hại đến các doanh nghiệp nhỏ khiến truy cập internet trở nên khó khăn hơn cho người dân, đặc biệt là tại các khu vực nghèo trong việc tìm kiếm thông tin và các kiến thức giáo dục... EU đã ngay lập tức "chỉ trích" kế hoạch đánh thuế internet của Hungary; còn các nhà tài chính thì chỉ ra rằng, mức thuế dự kiến cao hơn cả doanh thu hằng năm của toàn ngành này. Và, người dân Hungary đã 2 lần xuống đường tại thủ đô Budapest cũng như ở nhiều thành phố lớn trong tuần qua để phản đối dự luật. Đây được xem là "màn dạo đầu" lớn nhất kể từ sau khi chính phủ theo đường lối trung hữu - từng hứa hẹn tái xác lập nhiều lĩnh vực trong đời sống người dân lên nắm quyền tại nước này năm 2010.
Sự kiện Thủ tướng V.Orban phải nhượng bộ trước sức ép của dư luận là chuyện hiếm hoi. Vì, từ khi lên nắm quyền, nhà lãnh đạo 51 tuổi này đã áp đặt nhiều sắc thuế đặc biệt trong các ngành ngân hàng, bán lẻ, năng lượng và viễn thông… nhằm kiềm chế thâm hụt ngân sách nhưng lại gây tổn hại cho một số bộ phận trong nền kinh tế khiến giới đầu tư quốc tế và EU e ngại; trong đó có dự luật đánh thuế internet gây tranh cãi nhiều nhất. Người dân Hungary nghi ngờ chính quyền của Thủ tướng V.Orban sẽ đưa ra những chính sách đi ngược với cam kết khi tranh cử và đây là ngọn nguồn gây bất bình trong xã hội Hungary. Trong đó, việc duy trì các chính sách cắt giảm giá năng lượng và bãi bỏ hình thức nợ thế chấp định giá bằng ngoại tệ đang trở thành "gánh nặng" với rất nhiều người dân Hungary.
Tái đắc cử áp đảo vào tháng 4 vừa qua, dù nhiều tai tiếng, song không thể phủ nhận là trong nhiệm kỳ thứ nhất, Thủ tướng V.Orban đã triển khai nhiều bước đi quyết liệt để vực dậy nền kinh tế Hungary. Từ chỗ suy thoái sâu, đồng nội tệ forint mất giá ở mức kỷ lục, nền kinh tế nước này đã dần có những bước phát triển ổn định với tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt 1,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay. Tuy vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình hồi phục, nhưng cùng với những tín hiệu khả quan của kinh tế thế giới và những thành công mới trong tiến trình cải cách, nhiều chuyên gia cho rằng, đã nhìn thấy những hy vọng trong bức tranh kinh tế của Hungary. Nhờ đó, kết quả bầu cử vừa qua được xem là phần thưởng xứng đáng dành cho Thủ tướng V.Orban vì những gì đã làm trong suốt nhiệm kỳ 4 năm qua, nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện nay, giống như ở nhiều quốc gia Châu Âu, phần lớn cử tri đều lấy kinh tế làm "thước đo" năng lực lãnh đạo.
Tuy nhiên, chính sách mà nhà lãnh đạo 51 tuổi này đã và đang thực hiện được cho là một "ứng xử" chính trị để từng bước thâu tóm quyền lực cùng với những đạo luật có thể đi ngược với các quyền tự do cơ bản là nguyên nhân ảnh hưởng tới uy tín của thủ tướng đương nhiệm trong mắt cử tri. Và, "cơn thịnh nộ đường phố" trong tuần qua là một cảnh báo không thể xem nhẹ với Thủ tướng V.Orban cùng bộ máy cầm quyền của ông.