Minh bạch sẽ tăng hiệu quả ngân sách nhà nước
Kinh tế - Ngày đăng : 20:48, 02/11/2014
Ảnh minh họa. Nguồn: vneconomy.vn |
Ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước trong dự toán đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định và được thực hiện trong một năm để đảm bảo thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của mình. Suy cho cùng thì mọi nhiệm vụ, chức năng do các cơ quan nhà nước thực hiện đều tác động đến các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước phục vụ cuộc sống người dân. Vì vậy, nói đến NSNN là nói đến những chuyện đang đang hiển hiện trong đời sống thường ngày gắn với quyền lợi, trách nhiệm của người dân - những người tạo nên NSNN.
Mặc dù Luật NSNN, sau 10 năm thực hiện đã có những mặt tích cực nhưng cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế làm cho việc chi tiêu ngân sách kém hiệu quả, thậm chí còn gây lãng phí thất thoát, làm mất lòng tin của người dân đối với chính sách nhà nước. Vì thế, sửa đổi toàn diện Luật NSNN lần này là một việc cần thiết để tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Dự thảo Luật NSNN đã bổ sung mới hàng loạt chế định, quy định quan trọng liên quan đến hoạt động ngân sách nhằm khắc phục những hạn chế đã được phát hiện trong thời gian qua. Luật cũng đã đề cập đến tính công khai, minh bạch trong các hoạt động NSNN nhưng làm thế nào để người dân tham gia vào các hoạt động ngân sách nhà nước lại chưa thật sự đầy đủ.
Góp ý về vấn đề này, tổ chức Oxfam Việt Nam với sự hỗ trợ của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đã thực hiện tham vấn ý kiến tại các tỉnh Hòa Bình, Nam Định, Quảng Trị, Bà Rịa-Vũng Tàu. Nội dung tham vấn là các thông tin liên quan đến dự toán, quyết toán ngân sách địa phương; vai trò của người dân và các cơ quan trong quản lý ngân sách như đóng góp ý kiến, thực hiện và giám sát, phê duyệt; vai trò đại diện cho người dân trong các cơ quan HĐND, MTTQ… Qua kết quả tham vấn cho thấy việc thực hiện công khai, minh bạch NSNN và các nguồn lực tài chính công theo quy chế hiện hành chưa tạo điều kiện cho người dân thật sự giám sát hoạt động quản lý NSNN.
Thực tế việc công khai dự toán và quyết toán NSNN chỉ được thực hiện sau khi cấp có thẩm quyền quyết định, phê chuẩn, nghĩa là công khai việc đã rồi. Trong các lần tham vấn cộng đồng đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật NSNN do tổ chức phát triển thực hiện đều có chung nhận xét, thông tin đến với dân chúng từ các công trình 100% vốn ngân sách là rất hạn chế và chỉ có những thông tin đơn thuần như tên công trình, thời gian dự kiến thực hiện, tên cơ quan chủ đầu tư.
Cũng có một số địa phương tuy đã thực hiện cung cấp thông tin về các dự án đầu tư bằng NSNN tới cộng đồng nhưng cách đưa thông tin chưa thật sự đầy đủ về chủ trương đầu tư cũng như từng công đoạn cụ thể. Ví dụ, chủ đầu tư chỉ có pano thông báo về công trình ở nơi thực hiện công trình chứ không thể có thông tin về thiết kế công trình. Với quy định hiện hành, người dân hầu như vẫn chưa thể tham gia đóng góp ý kiến cũng như giám sát quá trình phân bổ ngân sách, quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước theo luật định. Qua khảo sát tham vấn của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam công bố hồi tháng 3/2013, cho thấy có tới 65% số người dân chưa từng đọc bản thu-chi ngân sách cấp xã, phường; 44% số người được hỏi không biết xã, phường có công khai thu-chi ngân sách hay không…
Kết quả tham vấn cộng đồng còn cho thấy, các công trình, chương trình sử dụng ngân sách nhà nước không có sự tham gia của người dân thường không hiệu quả, lãng phí, thậm chí gây thiệt hại cho người dân. Còn các công trình có sự tham gia quản lý (trong dự toán, thiết kế, giám sát thực hiện) của người dân đều đáp ứng được nhu cầu của người dân và chi phí hiệu quả. Khi người dân tham gia vào lập kế hoạch, quản lý ngân sách địa phương thì không những tăng hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý ngân sách mà còn tăng cường sự đồng thuận giữa người dân với chính quyền địa phương.
Vì thế, Luật ngân sách sửa đổi lần này cần tạo ra cơ chế cho người dân thực sự tham gia hiệu quả vào các hoạt động thu-chi ngân sách nhà nước. Đó là quy định quyền tham gia trực tiếp và gián tiếp của người dân trong phân bổ ngân sách. Quy định trực tiếp lấy ý kiến của người dân ở cấp xã, phường, thị trấn thông qua các cuộc họp dân theo địa bàn điểm dân cư vào quá trình ngân sách xã; quy định cụ thể về thẩm quyền, phương thức giám sát trực tiếp và gián tiếp; tham gia gián tiếp thông qua lấy ý kiến của các tổ chức chính trị - xã hội…; tổ chức và hướng dẫn cho người dân, các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội khác tham gia vào quá trình giám sát việc chấp hành, quyết toán NSNN ở địa phương… Tất nhiên, về nội dung công khai làm sao đưa đến cho người dân một cách đơn giản, dễ hiểu nên chú trọng giải trình theo kết quả đầu ra chứ không rối theo từng hạng mục chi…