Quyết liệt xóa “điểm nghẽn”

Kinh tế - Ngày đăng : 04:43, 02/11/2014

(HNM) - Nhiều ĐB Quốc hội vẫn băn khoăn lo ngại về việc tái cơ cấu tại các tập đoàn, DNNN còn chậm trễ; xử lý nợ xấu chưa hiệu quả…



Đa số ĐBQH tán thành với báo cáo đánh giá của Ủy ban Thường vụ QH, đồng thời ghi nhận những kết quả đã đạt được trong thời gian qua. Tuy nhiên, nhiều ĐB vẫn băn khoăn lo ngại về việc TCC tại các tập đoàn, DNNN còn chậm trễ; xử lý nợ xấu chưa hiệu quả…

Theo các ĐBQH Nguyễn Thị Khá (Đoàn Trà Vinh), Thân Đức Nam (Đoàn Đà Nẵng), Nguyễn Thái Học (Đoàn Phú Yên), Thân Văn Khoa (Đoàn Bắc Giang), Phùng Văn Hùng (Đoàn Cao Bằng) thì việc TCC tại các tập đoàn, tổng công ty còn chậm so với yêu cầu và chưa có chuyển biến mang tính đột phá. ĐB Nguyễn Thị Khá cho rằng, một số khoản đầu tư ngoài ngành của nhiều DN hiệu quả thấp, không bảo toàn được giá trị đầu tư ban đầu, kết quả thoái vốn chưa đạt yêu cầu. Trong khi đó, cơ cấu kinh tế còn lạc hậu; ví dụ ngành công nghiệp chủ yếu là gia công lắp ráp, giá trị gia tăng thấp; nông nghiệp vẫn là nền sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, manh mún…

Vấn đề tái cơ cấu ngành ngân hàng được nhiều đại biểu Quốc hội và dư luận quan tâm. Ảnh: Xuân Hải


Nhiều ĐB cho rằng một nguyên nhân khiến việc cổ phần hóa (CPH) ở khối DNNN chậm là do cơ quan chủ quản chưa thật sự quan tâm, chú trọng đến quá trình TCC; đồng thời cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân khác như việc ban hành bổ sung chính sách, văn bản chỉ đạo hướng dẫn chậm, dẫn đến lúng túng khi giải quyết các vấn đề phát sinh về đất đai, tài chính, đấu giá tài sản, định giá liên quan đến DN (hiện vẫn còn 20/108 tập đoàn, tổng công ty chưa được phê duyệt đề án TCC). Cũng chính từ sự chậm trễ này, trong các năm 2011-2013 chỉ CPH được 99 DN dẫn đến giai đoạn 2014-2015 phải CPH tới 432 DN.

ĐB Nguyễn Văn Hiến (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu):
Cần thực hiện tái cơ cấu cả bộ máy

Cử tri đặt vấn đề, tại sao mới chỉ thực hiện TCC trong nền kinh tế mà không triển khai TCC trong tổ chức, bộ máy. Vì có một thực tế là có những lĩnh vực các cơ quan nhà nước làm vẫn chưa tốt, ví dụ DN vẫn phải mất tới 872 giờ để nộp thuế. "Đó là một sự hành hạ" - ĐB Nguyễn Văn Hiến nhấn mạnh. Nhà nước phải có cơ chế tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ minh bạch, công khai để những người tài có cơ hội đem tài năng, tâm huyết của mình ra giúp nước. Nếu không, họ sẽ mãi đứng ở vị trí sau hậu duệ, quan hệ và tiền tệ...

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh:
Phải đổi mới mô hình để tăng trưởng

Luật Đầu tư công cùng một số luật khác ra đời là một trong những văn bản pháp lý quan trọng phục vụ cho tiến trình TCC nền kinh tế đất nước. Đây có thể coi là một thành công trong giai đoạn đầu của quá trình TCC. Tuy nhiên, những kết quả của quá trình TCC thời gian qua chưa đủ khiến QH, Chính phủ và nhân dân bằng lòng. Những chỉ tiêu liên quan đến năng suất lao động, chi tiêu cho yếu tố trung gian… báo hiệu rằng chúng ta cần phải đổi mới mô hình, nếu không đổi mới sẽ không thể tăng trưởng cao. Để nền kinh tế có sức cạnh tranh cao hơn, phát triển bền vững hơn thì mỗi ngành, mỗi cấp, các lĩnh vực đều phải nghiên cứu, lập ra đề án tái cấu trúc của riêng mình, đề nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ngành, các cấp quyết liệt thực hiện việc này.

Các ĐBQH cũng đề xuất Chính phủ cần chỉ đạo mạnh mẽ quyết liệt hơn nữa để các bộ, ngành và địa phương tiếp tục phê duyệt các đề án TCC chuyển đổi mô hình hoạt động của DNNN. Bản thân các DNNN phải quyết tâm đẩy nhanh tiến độ CPH. Bên cạnh đó phải có các cơ chế gắn kết giữa trách nhiệm và quyền hạn, tăng tính chủ động tự quyết, tự chịu trách nhiệm cho người đứng đầu DN để "người đại diện vốn nhà nước" phải là ông chủ thực sự. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý vẫn không được buông lỏng chức năng kiểm tra, giám sát với các DN này. Nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh, để đẩy mạnh tiến trình TCC, những người đứng đầu cần phải quyết tâm vượt qua những trở ngại lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, bảo đảm sự minh bạch, phát triển cho DN.

Vấn đề TCC hệ thống ngân hàng đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các ĐBQH khi hầu hết ý kiến phát biểu đều đưa ra kiến nghị về nội dung này. Các ĐB đánh giá Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều nỗ lực vừa giải quyết nguy cơ đổ vỡ một bộ phận ngân hàng thương mại (NHTM) yếu kém, vừa thực hiện chính sách tiền tệ phục vụ cho mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Song các ý kiến cũng chỉ ra việc thực hiện TCC vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn.

Theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn Ninh Thuận), quá trình TCC NHTM chưa đạt yêu cầu. Việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại các tổ chức tín dụng còn chậm trễ, không đạt mục tiêu đề ra. Các ngân hàng sau khi hợp nhất, sáp nhập đã có sự tăng lên về quy mô vốn và tài sản, nhưng trong thời gian qua mới chỉ là sự sáp nhập, hợp nhất về mặt cơ học, chưa có sự cải thiện đáng kể về mặt tài chính và quản trị.

Còn theo ĐB Thân Đức Nam (Đoàn Đà Nẵng), không ít NHTM có hoạt động gắn với các DN bất động sản, thậm chí là công cụ huy động vốn cho các ông chủ kinh doanh bất động sản. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nợ xấu (đa số trong 9 NHTM yếu kém mà NHNN đã tập trung sắp xếp trong 3 năm qua đều thuộc loại này). Mặc dù NHNN đã sắp xếp các NHTM yếu kém nhưng lại chưa giải quyết được nợ xấu, vậy NHNN có tự giải quyết được vấn đề này hay chỉ trông chờ vào thị trường bất động sản "nóng" trở lại! Hậu quả là nền kinh tế bị "tắc nghẽn" vì vốn "nằm" ở bất động sản.

ĐB Huỳnh Văn Tính (Đoàn Tiền Giang) nhận định, nợ xấu của hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng trong các tháng đầu năm 2014 do hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN gặp nhiều khó khăn. Việc xử lý sở hữu chéo thời gian qua có xu hướng diễn biến phức tạp. Các ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Đoàn Lâm Đồng), Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn Ninh Thuận) cho rằng, để xử lý nợ xấu, việc hình thành Công ty Quản lý tài sản, tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) là đúng đắn, tuy nhiên chỉ với những cố gắng của ngành ngân hàng trong xử lý nợ xấu là chưa đủ. Vì nợ xấu là vấn đề của nền kinh tế, đòi hỏi sự tham gia hỗ trợ tích cực của các cơ quan, bộ, ngành, địa phương và DN. Thống nhất quan điểm này, nhiều ĐB đề xuất cần có sự vào cuộc quyết liệt để giải quyết nợ xấu cùng với ngân hàng, nếu không xử lý dứt điểm sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Cùng với đó, các ĐB cũng cho rằng, Chính phủ cần thực hiện giải pháp giải quyết tình trạng đóng băng bất động sản, một trong những nguyên nhân chính gây vỡ nợ do không thể cân đối tài chính của người vay, ảnh hưởng đến khả năng thu hồi vốn của ngân hàng; xử lý kịp thời và nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm pháp luật, sở hữu chéo và lợi ích nhóm trong các tổ chức tín dụng bằng cách minh bạch hóa hệ thống thông tin, tỷ lệ và đối tượng sở hữu. Đặc biệt là việc phục hồi hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, xử lý hàng tồn kho, xử lý nợ trong xây dựng cơ bản, thúc đẩy đầu tư tiêu dùng…

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định: TCC là quá trình dài và việc thực hiện phải theo lộ trình bảo đảm sự phù hợp với điều kiện thực tế của nền kinh tế. Các ý kiến góp ý, kiến nghị của ĐB sẽ được QH tập hợp để Chính phủ nghiên cứu xem xét.

Kết quả đạt được sau 3 năm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế

* Với lĩnh vực đầu tư công: Đã huy động vốn từ khu vực ngoài nhà nước đạt gần 117.000 tỷ đồng cho xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước, hạ tầng đô thị. Việc phân bổ nguồn vốn ngân sách nhà nước tập trung hơn; bố trí vốn trái phiếu Chính phủ hằng năm ưu tiên cho các dự án quan trọng, cấp bách. Thực hiện cắt giảm, chỉ bố trí vốn đầu tư đối với những dự án đủ điều kiện về hồ sơ, hiệu quả kinh tế - xã hội (năm 2012 cắt giảm 1.288 dự án, năm 2013 cắt giảm 220 dự án, năm 2014 cắt giảm 42 dự án).

* Tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước: Trong 3 năm 2011-2013, cả nước đã sắp xếp được 180 DN, trong đó CPH 99 DN với số cổ phần chào bán giá trị gần 19.000 tỷ đồng và sắp xếp theo các hình thức khác 81 DN. 9 tháng đầu năm 2014 đã sắp xếp 92 DN, trong đó CPH 71 DN. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2014 sẽ có 200 DN thực hiện CPH, cuối quý III-2015 toàn bộ DN được phê duyệt phương án CPH để tiến hành bán cổ phần lần đầu. Tỷ trọng đóng góp vào GDP của DNNN là 32,4% năm 2013.

* Lĩnh vực ngân hàng: Đã phê duyệt 8/9 phương án cơ cấu lại của các NHTM yếu kém. Các NHTM nhà nước tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt và chi phối thị trường theo định hướng nêu trong Đề án tái cơ cấu. Xử lý nợ xấu NHTM đạt được kết quả ban đầu: Từ năm 2012 đến tháng 8-2014, toàn hệ thống đã xử lý được 214.000 tỷ đồng nợ xấu. Tính đến cuối tháng 9-2014, VAMC đã mua nợ xấu với tổng nợ gốc là 82.800 tỷ đồng từ các tổ chức tín dụng.

Việt Nga