Bước ngoặt quan trọng
Thế giới - Ngày đăng : 04:18, 02/11/2014
Với ba gói cứu trợ (QE1, QE2, QE3), trong 6 năm qua, FED đã tung vào thị trường tổng cộng 4.400 tỷ USD để mua lại các trái phiếu dài hạn liên quan tới thế chấp nhằm giữ tỷ lệ lãi suất cơ bản ở mức thấp, qua đó kích thích đầu tư, tín dụng, thúc đẩy đà phục hồi kinh tế. Các gói cứu trợ được nhìn nhận đã tác động tích cực, giúp thị trường nhà đất Mỹ phục hồi, kéo tỷ lệ thất nghiệp ở nước này xuống mức thấp nhất trong 6 năm qua. Đặc biệt, hành động của FED đã đem đến một món quà lớn với các nhà đầu tư phố Wall, đó là chỉ số S&P 500 đã tăng tới 190% kể từ khi FED bơm tiền. Do vậy, chấm dứt chương trình cứu trợ được nhìn nhận là một bước ngoặt quan trọng trong chính sách tài chính của Mỹ. Với các QE, FED đã làm tất cả những gì có thể để đảo ngược sự trì trệ của nền kinh tế khi mà lãi suất cơ bản đồng USD đã giảm về 0%. Sự kiện kết thúc gói QE3 sẽ dọn đường cho FED tăng lãi suất USD trở lại vào thời điểm thích hợp, có thể là trong năm 2015 như dự báo của giới tài chính.
FED chấm dứt các gói cứu trợ là tín hiệu cho thấy kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi. |
Để đi tới chấm dứt toàn bộ các QE, một năm trở lại đây, FED đã từng bước cắt giảm QE3 từ mức 85 tỷ USD/tháng xuống 15 tỷ USD trong tháng 10 vừa qua. Có thể nói, không có QE3, kinh tế Mỹ đã bị kéo lùi nhiều năm. Kinh tế Mỹ đã hồi sức nhưng không mấy khởi sắc sau 2 cú QE (1 trong năm 2008 và 1 của năm 2010, với tổng quy mô gần 3.000 tỷ USD), do đó việc FED tung ra gói QE3 là dễ hiểu và gói này được cho là không giới hạn so với QE1 và QE2 cho thấy quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Nhà Trắng.
Đầu năm 2013, khi Quốc hội Mỹ không thống nhất được việc nâng trần nợ quốc gia, kinh tế xứ Cờ hoa đối mặt với nguy cơ suy thoái. Sau đó, trần nợ đã được nâng vào phút chót, nhưng để đưa ngân sách về trạng thái cân bằng, Washington vẫn phải áp dụng các biện pháp tăng thuế thu nhập với người giàu, tăng thuế sử dụng lao động với các công ty và mạnh tay cắt giảm chi tiêu công. Theo ước tính của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ, các biện pháp trên sẽ khiến tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm 1,5 điểm phần trăm vào cuối năm nay. Tuy nhiên, suy thoái đã không xảy ra, mà thay vào đó tình hình đã khả quan hơn. Năm 2012, bình quân mỗi tháng, Mỹ có thêm 186.000 việc làm mới. Đến năm 2013, con số này tăng lên 194.000, và đến năm nay, số việc mới được tạo thêm hằng tháng đã lên tới 224.000. Nền kinh tế Mỹ không giảm tốc, bất chấp các biện pháp thắt chặt ngân sách của Washington.
Kết quả này có được là nhờ gói QE3. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã giảm từ mức 7,8% từ khi bắt đầu có gói kích thích này, xuống mức 5,9% khi QE3 kết thúc. Ngày 30-10, Bộ Thương mại Mỹ công bố các số liệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đang trên đà phục hồi mạnh mẽ khi tốc độ tăng trưởng trong quý III đạt 3,5%, cao hơn nhiều so với dự báo. Và đến nay Mỹ đang được coi là nền kinh tế "khỏe" nhất trong số các nền kinh tế phát triển ở thời điểm hiện tại.
Với việc chấm dứt gói cứu trợ QE3, Mỹ đã gửi một tín hiệu rõ ràng tới nền kinh tế toàn cầu rằng nước Mỹ đang trên đà hồi phục. Kinh tế thế giới ngay lập tức đã ghi nhận những phản ứng tích cực. Chỉ số chứng khoán chính tại Nhật Bản, Australia, New Zealand đều tăng điểm. Đồng USD đã tăng giá lên mức cao nhất trong vòng một tháng qua so với các đồng tiền chính khác và giá dầu thô tại Mỹ và London đều quay đầu giảm... Bên cạnh đó, mặc dù có sự độc lập giữa Nhà Trắng với FED nhưng những nỗ lực của cơ quan quản lý hệ thống ngân hàng Mỹ dường như đang mang lại cho đương kim Tổng thống Barack Obama "điểm cộng" về uy tín trong đợt bầu cử giữa nhiệm kỳ chỉ còn tính bằng giờ vào ngày 4-11 tới.