Tái cơ cấu: Mạnh dạn “cắt đuôi” nhóm lợi ích
Chính trị - Ngày đăng : 08:44, 01/11/2014
Tái cơ cấu: Cần lượng hóa nội dung, mô hình tăng trưởng
Trước khi đi vào thảo luận, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát công tác này.
Báo cáo đánh giá, mô hình tăng trưởng mới chưa thực sự định hình, cơ chế, chính sách về tái cơ cấu chưa đủ mạnh; tiến độ thực hiện tái cơ cấu DN còn chậm; việc phân công, phân cấp quyền quản trị, chủ sở hữu tài sản tại các DN nhà nước còn chồng chéo, chưa phù hợp…
Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Nguyễn Văn Giàu |
Ngoài ra, Chính phủ cũng chưa có đánh giá toàn diện nền kinh tế để lượng hóa bằng các chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể; cách thức triển khai nhiều vấn đề còn lúng túng; sự phối hợp giữa các ngành, địa phương chưa gắn kết chặt chẽ, chưa chủ động; việc kiểm tra, đánh giá trách nhiệm còn chưa thường xuyên, nghiêm túc....
Ủy ban Quốc hội đề nghị, thời gian tới, cần đầu tư mạnh cho nông nghiệp, nông thôn; xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém, các giải pháp giảm nợ xấu, tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát chặt chẽ về xử lý chéo; dần bỏ trần lãi suất huy động; xác định rõ và xử lý trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành nếu không làm đúng nhiệm vụ được giao về công tác tái cơ cấu đã được phê duyệt; cải cách mạnh tài chính và hành chính công theo hướng tự chủ, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, phân cấp mạnh cho địa phương, đảm bảo xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả..
Mạnh dạn “cắt đuôi” nhóm lợi ích
Theo đại biểu Nguyễn Thị Khá – Trà Vinh, 3 năm qua, từ 2011-2013, kết quả bước đầu Việt Nam đạt được trong tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế là đã phê duyệt đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), góp phần thay đổi, ổn định nền kinh tế tốt hơn. Tuy nhiên, tiến độ tái cơ cấu DNNN còn chậm, chưa có chuyển biến mang tính đột phá. Mặc dù số DNNN giảm mạnh nhưng với việc hình thành các tập đoàn, công ty con, công ty cháu…, DNNN vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong GDP; cơ cấu các ngành kinh tế bất ổn; khu vực kinh tế tư nhân chưa được phát huy hết thế mạnh; chyển dịch cơ cấu lao động chậm…
Đại biểu Khá cho rằng, nguyên nhân chính của những hạn chế trên là khâu chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu các đơn vị, DN chưa quyết liệt. Vì vậy, Chính phủ cần phải nhanh chóng xác định danh mục ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, đổi mới quản trị DN; sắp xếp hợp lý cơ cấu tổ chức, tinh giản biên chế của DN; DNNN phải quyết tâm không dựa dẫm bộ chủ quản, đẩy nhanh hơn nữa quá trình cổ phần hóa, mạnh dạn cắt đuôi nhóm lợi ích; tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DN; DNNN phải là cốt lõi, chỉ huy nắm đầu ra, không nên nắm đầu tư từ đầu đến chân…
Đại biểu Nguyễn Thị Khá |
Đại biểu Thân Đức Nam – Đà Nẵng cũng đánh giá, tiến trình tái cơ cấu còn chậm, đề án tái cơ cấu mới chỉ có mục tiêu, định hướng, chứ chưa có chính sách cụ thể. Như trong lĩnh vực tái cơ cấu ngân hàng thương mại, nhiều ngân hàng thương mại chính là công cụ của các ông chủ bất động sản để huy động vốn, việc sắp xếp các ngân hàng vừa qua chưa giải quyết được thực trạng nên nợ xấu vẫn còn. Trong tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, 2 năm qua, nhiều đơn vị đã áp dụng hình thức thay người đứng đầu nếu không thực hiện cổ phần hóa nhưng tiến độ cổ phần hóa vẫn chậm…
Đại biểu Nam đề nghị, cổ phần hóa DNNN nên thực hiện ở tổng công ty, công ty mẹ, không nên bắt đầu ở các công ty thành viên; các bộ, ngành dứt khoát không quản lý trực tiếp DNNN nào nữa mà chỉ thực hiện quản lý theo chức năng; xây dựng kế hoạch sử dụng vốn nhà nước sau khi cổ phần hóa theo hướng đầu tư vào các mục tiêu phát triển phúc lợi xã hội.
“Những gì làm được hôm nay còn rất xa mục tiêu cạnh tranh, phát triển bền vững, chúng ta phải vượt qua được nhóm lợi ích”, đại biểu Nam nói.
Hạn chế trong chỉ đạo, điều hành đã làm giảm hiệu quả tái cơ cấu
Theo đại biểu Nguyễn Thái Học – Phú Yên, rất khó nhìn nhận, đánh giá cũng như theo dõi, giám sát kết quả của tiến trình tái cơ cấu vì mục tiêu tái cơ cấu còn chung chung, thiếu những chỉ tiêu cụ thể cần đạt được. Đề án tái cơ cấu có thời gian thực hiện dài nhưng thiếu sự lượng hóa mục tiêu, chỉ tiêu cho từng giai đoạn nên sẽ khó để đánh giá những hạn chế, tồn tại so với chỉ tiêu đề ra, thiếu cơ sở ràng buộc trách nhiệm.
Quá trình thực hiện tái cơ cấu bộc lộ sự thiếu sự đồng bộ, nhiều bộ, ngành địa phương chưa thực sự quan tâm đến tái cơ cấu; công tác kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, giám sát, xử lý còn buông lỏng, gây thất thoát, lãng phí, dẫn đến nhiều tồn tại, yếu kém trong tái cơ cấu đầu tư công chậm được xử lý, cụ thể như nợ đọng xây dựng cơ bản diễn ra thời gian dài đến nay vẫn chưa khắc phục được, có địa phương để nợ đọng lớn gấp nhiều lần thu ngân sách địa phương; nhiều lãnh đạo thiếu quan tâm đến cổ phần hóa doanh nghiệp…
“Tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là kỳ vọng, mục tiêu của cả nước. Những tồn tại xuất phát từ sự chủ quan trong quá trình chỉ đạo, điều hành và được lặp đi lặp lại nhiều lần trong các báo cáo của Chính phủ sẽ là nguyên nhân chủ yếu khiến quá trình tái cơ cấu kém hiệu quả và làm giảm sút niềm tin của người dân”, đại biểu Học nói.
Đại biểu Nguyễn Thái Hoc. |
Đại biểu Cao Sỹ Kiêm – Thái Bình cũng đánh giá, tiến trình tái cơ cấu còn rất chậm, tái cơ cấu những năm qua chưa gắn rõ với đổi mới mô hình tăng trưởng; hệ thống chính sách thu hút vốn đầu tư khu vực tư nhân chưa được làm mạnh mẽ; cơ chế phân bổ, dẫn dắt thông qua đầu tư để tạo chuyển biến kinh tế chưa rõ; nợ xấu còn đeo đẳng tiếp tục những năm sau. Nguyên nhân là tiêu chí, nội dung đánh giá, kiểm tra, theo sát tình hình đánh giá chưa thống nhất nên khi đi vào đề ra các giải pháp khắc phục thì yếu, thiếu đồng bộ; động lực để động viên, khích lệ doanh nghiệp chưa mang đúng ý nghĩa.
Các đại biểu Trịnh Ngọc Phương – Tây Ninh, Hoàng Đăng Quang – Quảng Bình, Huỳnh Văn Tính - cho rằng, quá trình thực hiện tái cơ cấu đã cho thấy nhiều nguy cơ tiềm ẩn, trong đó có nợ xấu, nếu không xử lý tốt nợ xấu thì có nguy cơ gây đổ vỡ hệ thống ngân hàng; việc xử lý sở hữu chéo còn phức tạp, tính công khai, minh bạch của các ngân hàng trong công bố nợ xấu còn chưa nghiêm…
Để đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu, các đại biểu đề nghị cần tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, thông thoáng để phục hồi sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh chuyển đổi và quy hoạch lại các dự án bất động sản khó có khả năng triển khai trong tương lai; sớm sửa đổi các văn bản pháp luật để ngân hàng thực hiện tốt việc thu hồi nợ và xử lý tài sản đảm bảo được nhanh chóng; tái cơ cấu ngân hàng phải chú trọng cả tái cơ cấu quản trị và hoạt động, để hệ thống ngân hàng sau tái cơ cấu phát triển ổn định, bền vững; từng bước xác lập cơ chế sở hữu chéo, xử lý nặng các cá nhân, tổ chức lách luật lạm dụng sở hữu chéo để trục lợi…