Thúc đẩy giao thương Việt Nam - Liên bang Nga: Tìm lại ánh hào quang
Đối ngoại - Ngày đăng : 07:17, 01/11/2014
Dường như "người khổng lồ" này đang tỉnh giấc và không muốn lỡ nhịp trước mục tiêu tăng cường hợp tác kinh tế, đầu tư và tìm đối tác kinh doanh tại Việt Nam - bạn hàng truyền thống của mình.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Nga đã có từ lâu. Tuy nhiên, đến nay giá trị buôn bán hai chiều vẫn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng cũng như mong muốn của mỗi bên.
Dầu khí là lĩnh vực mà doanh nghiệp Nga có ưu thế tại Việt Nam. Ảnh: Thanh Hải |
Doanh nghiệp Nga đang "sốt ruột" khi kết quả đầu tư và trao đổi thương mại với đối tác Việt Nam vẫn nhỏ bé (giá trị xuất khẩu hàng hóa của Nga chỉ chiếm không quá 5% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam), thấp hơn nhiều so với kết quả buôn bán giữa Việt Nam và nhiều nước khác. Dường như họ muốn thu hẹp khoảng cách và không muốn mất cơ hội trước một thị trường với hơn 90 triệu người tiêu dùng, lại có cơ cấu dân số trẻ, với nhu cầu tiêu thụ hàng hóa rất lớn như nước ta. Hơn thế, DN Nga cũng mong muốn đưa Việt Nam trở thành cứ điểm vươn ra thị trường của Cộng đồng kinh tế ASEAN (sẽ hình thành vào năm 2015), với hơn 500 triệu dân.
Bà Strozaeva Viktorovna, Chủ nhiệm dự án Nga-Việt Nam-Nền kinh tế mới, người từng làm việc nhiều năm ở Việt Nam cho rằng, nếu DN Nga thâm nhập kịp thời và trụ vững tại thị trường Việt Nam thì sẽ có cơ hội lớn để tận dụng vị trí địa lý ở trung tâm Đông Nam Á của Việt Nam để vươn tới những thị trường rộng lớn hơn nhiều khi các nước ASEAN hoàn tất một số hiệp định thương mại tự do với đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc… thời gian tới.
Tuy nhiên, giữa mong muốn mở rộng đầu tư, kinh doanh với thực lực, nhất là xét về năng lực toàn diện của DN Nga vẫn luôn tồn tại khoảng cách không dễ giải quyết ngay. Các chuyên gia xác nhận, mặc dù DN Nga có công nghệ và kỹ thuật khá cao nhưng lại chưa chú trọng việc chuyển giao công nghệ nên DN Việt Nam ít có cơ hội tiếp nhận bí quyết công nghệ mới. Điều này đặt ra yêu cầu có sự vào cuộc của các hiệp hội, cơ quan chức năng trong trợ giúp, chỉ dẫn các đơn vị thực hiện công tác này. Mặt khác, DN Nga còn hạn chế về khả năng tiếp thị, quảng bá hình ảnh sản phẩm trên phạm vi quốc tế…
Một số chuyên gia khuyến nghị, DN Nga vẫn có "cửa" tại thị trường Việt Nam nếu biết phát huy thế mạnh truyền thống trong lĩnh vực chế tạo máy móc, thiết bị bởi hiện có hàng nghìn công ty Việt Nam thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ đang cần nâng cấp dây chuyền sản xuất, ứng dụng công nghệ mới để đáp ứng các đơn hàng sản xuất linh kiện cho nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, DN Nga cũng có thể giành thị phần đối với những dự án liên quan đến lĩnh vực dầu khí, hạ tầng giao thông hoặc đấu thầu cung cấp phương tiện vận tải chuyên dụng…
Về phía mình, đến nay các DN Việt Nam xác định mục tiêu đầu tư là nhắm vào các dự án quy mô nhỏ hoặc vừa, khoảng 1-5 triệu USD vào Nga; trong đó tập trung vào một số lĩnh vực dễ thu hồi vốn mà không đòi hỏi cao về công nghệ, gồm sản xuất mì ăn liền, thực phẩm chế biến sẵn, mở trung tâm thương mại tổng hợp, du lịch...