Những người vun đắp tình hữu nghị
Đối ngoại - Ngày đăng : 06:47, 01/11/2014
Nhiều lượt quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam không quản khó khăn, gian khổ, hy sinh sang giúp nước bạn, thực hiện đúng lời Bác Hồ dạy "Giúp bạn là tự giúp mình", đã trực tiếp góp phần xây dựng mối quan hệ bền chặt, gắn bó giữa hai dân tộc…
Nguyên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào Khamtay Siphandon khẳng định: "Trên đất nước Lào không có nơi nào thiếu dấu chân của chiến sĩ tình nguyện và chuyên gia Việt Nam. Chiến công và tấm lòng sắt son của các đồng chí không thể nào diễn tả hết và không bao giờ phai mòn trong tâm khảm của nhân dân các bộ tộc Lào chúng tôi". Năm 1975, những người lính quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào đã hoàn thành nhiệm vụ quốc tế cao cả: Giúp nước bạn Lào kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ngày rời đất nước Triệu voi cách nay đã gần 40 năm nhưng trong mỗi người lính và chuyên gia tình nguyện năm xưa, những câu chuyện chiến tranh, về mảnh đất, con người ở nước bạn vẫn rõ nét…
Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương - Trưởng ban Liên lạc toàn quốc quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào nhớ lại: "Từ tháng 10-1945 đến năm 1950, lực lượng Việt Nam chiến đấu trên chiến trường Thượng Lào, Trung Lào và Hạ Lào đã không ngừng phát triển, từ khoảng 1.000 người lên đến 12.000 người. Đây là thời kỳ mà chúng tôi gặp khó khăn nhất bởi ngôn ngữ bất đồng, không thạo địa hình, chưa quen phong tục, tập quán, tiếp tế hậu cần thiếu thốn, nhiều người bị sốt rét. Nhờ nhận thức đúng đắn về nghĩa vụ quốc tế đối với cách mạng Lào, được nhân dân các bộ tộc Lào yêu mến đùm bọc, chúng tôi đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, giúp bạn xây dựng cơ sở chính trị, vũ trang, chống lại các cuộc tấn công, càn quét của địch".
Sự đùm bọc của nhân dân các bộ tộc Lào đã trở thành những kỷ niệm không quên với quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam, CCB Hoàng Hữu Bảo, Trưởng ban liên lạc Sư đoàn 968 quân tình nguyện Việt Nam tại Nam Lào chia sẻ: "Năm 1965 tôi được biên chế vào tiểu đoàn pháo cao xạ của Sư đoàn 968 sang làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Lào. Điều ấn tượng nhất đối với tôi là dù không biết tiếng Lào nhưng đơn vị đóng quân ở đâu cũng được nhân dân đùm bọc, chia sẻ". Năm nay đã 85 tuổi nhưng CCB Lưu Đức Tài từng là quân tình nguyện và sau này là chuyên gia ở khu Nam Lào và Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng vẫn rất xúc động khi được gợi lại kỷ niệm của những năm tháng chiến đấu trên đất bạn. Nhiệm vụ của đơn vị ông là vận động nhân dân Lào phát động phong trào du kích chiến tranh sau lưng địch, cùng nhân dân chiến đấu, xây dựng căn cứ địa ở Hạ Lào, tham gia chiến đấu bảo vệ nước bạn Lào. Ông nói: "Hai mươi năm làm nhiệm vụ tại Lào, tôi đã được các bà mẹ Lào, quân đội Lào tin yêu, coi như con em ruột thịt. Hiện nay, những người bạn Lào của tôi thời kỳ ấy còn sống vẫn thường xuyên hỏi thăm tôi. Khi được mời sang thăm lại chiến trường xưa, đi đến đâu chúng tôi cũng được cán bộ, nhân dân Lào đón tiếp nồng hậu như trở về quê hương".
Chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), quân tình nguyện Việt Nam đã phối hợp với lực lượng vũ trang Lào Ít-xa-la mở liên tiếp nhiều chiến dịch tiến công giành thắng lợi lớn trên khắp các chiến trường, góp phần kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp. Hoạt động của quân tình nguyện Việt Nam đã góp phần quan trọng giúp bạn xây dựng cơ sở kháng chiến từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, phát động và tổ chức nhân dân Lào đứng lên chiến đấu. Quân tình nguyện Việt Nam còn bồi dưỡng, đào tạo giúp bạn một đội ngũ cán bộ trung kiên, được tôi luyện trong cuộc kháng chiến; xây dựng chiến trường Lào thành chiến trường phối hợp đắc lực với chiến trường chính (Bắc Việt Nam), góp phần tích cực vào thắng lợi to lớn của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Chiến tranh kết thúc, giai đoạn 1954-1975, quân tình nguyện Việt Nam lại chuyển sang làm cố vấn quân sự cho nước bạn. Trải qua 21 năm làm nhiệm vụ quốc tế, quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã đề xuất, kiến nghị những vấn đề quan trọng, giúp bạn xem xét, đề ra chủ trương lãnh đạo kháng chiến, xây dựng và chiến đấu của quân đội; bám sát các nghị quyết của Đảng và Bộ Quốc phòng Lào, tổ chức triển khai xây dựng lực lượng, đề xuất phương án tác chiến, phối hợp chiến đấu, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng… Nhiều người đã phục vụ cách mạng Lào từ tuổi đôi mươi đến lúc nghỉ hưu, trọn tình, trọn nghĩa, trọn đời, coi Lào là quê hương thứ hai của mình. Cùng với đó, hàng vạn quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam đã hy sinh, để lại một phần xương máu trên đất bạn, góp phần tô thắm tình đoàn kết hữu nghị giữa hai đất nước, hai dân tộc.
Năm tháng sẽ qua đi nhưng những thành tích, chiến công của quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào sẽ mãi mãi là niềm tự hào của mỗi người lính tình nguyện năm xưa, đồng thời là tài sản tinh thần vô giá của Đảng, quân đội và nhân dân hai nước Việt - Lào.