Cẩn trọng… không thừa
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:16, 01/11/2014
Việt Nam được những gì và có thể sẽ mất những gì khi ý tưởng này trở thành hiện thực? Có rất nhiều vấn đề cần đặt lên bàn cân, bởi mức độ ảnh hưởng của nó không dừng ở những con đường, hay đóng khung trong ngành giao thông vận tải.
Trước hết, theo tính toán của cơ quan chức năng, trong 10 năm tới Việt Nam cần khoảng 500 tỷ USD để đầu tư cơ sở hạ tầng, trong khi đó dự kiến nguồn huy động trong nước chỉ vào khoảng 200 tỷ USD. Nếu tìm không được khoản tiền rất lớn để "lấp chỗ trống" thì cơ sở hạ tầng tiếp tục hiện diện như một yếu điểm của kinh tế nước nhà và hệ lụy ra sao thì không ai lường hết. Thế nên không ít người xem việc bán đường cao tốc là một "sáng kiến" trong việc xã hội hóa nguồn vốn đầu tư. Theo Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng: Nếu thay đổi cách làm, mục tiêu đầu tư xây dựng 2.000km đường cao tốc trong 5 năm tới hoàn toàn đạt được. Phải thay đổi tư duy về đầu tư hạ tầng. Nhà đầu tư nước ngoài rất nhiều và rất quan tâm đến dự án của nước mình...
Thế nhưng cũng có không ít ý kiến tỏ ra băn khoăn về việc làm chưa có tiền lệ này. Bởi lẽ nhà đầu tư nước ngoài đã bỏ vốn thì không thể không tính toán lãi lời và nếu họ đẩy mức phí lên cao, dân mình đương nhiên phải gánh chịu. Lúc đó sẽ thế nào? Rồi nữa, nếu người ta trực tiếp quản lý hay thuê người làm quản lý, người Việt mình có mất việc hay không? Có ý kiến thẳng thắn đặt câu hỏi: Liệu có bao nhiêu nhà đầu tư nước ngoài thật sự muốn kinh doanh đường cao tốc tại Việt Nam?... Những lo ngại nêu trên thể hiện mối quan tâm của người dân đối với một chủ trương có tác động mạnh đến đời sống xã hội, nhưng vấn đề có đến mức đáng quan ngại như vậy hay không?
Các cụ xưa nói, lo gần phải biết lo xa. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông đang là lực cản đối với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương. Do vậy, việc xã hội hóa để thu hút nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng là cần thiết. Việc bán đường cao tốc nếu đơn thuần là một hình thức ứng vốn cho những công trình thì không có gì đáng phải lo ngại. Việc người nước ngoài tham gia hoặc trực tiếp quản lý, điều hành các tuyến cao tốc ở nhiều khía cạnh cũng có thể xem là tích cực. Vấn đề là phải làm rõ thời gian nhà đầu tư nước ngoài được quyền thu phí (ứng với số tiền họ bỏ ra); đồng thời có quy định rõ ràng về việc khai thác, bảo trì tuyến đường... Quan trọng hơn, cơ quan chức năng phải "chọn đúng" nhà đầu tư và có chế tài ràng buộc họ...
Thoát khỏi tư duy cũ là đòi hỏi bức thiết trên con đường phát triển. Quyết tâm đổi mới của Bộ GTVT trong việc huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng rất đáng được ghi nhận. Tuy nhiên, để việc bán đường cao tốc mang lại hiệu quả thực tế trong đời sống xã hội thì bên cạnh sự cẩn trọng trong tính toán của các cơ quan chức năng, tính mục tiêu phải được đặt lên hàng đầu. Hệ lụy có thể đến nếu chủ trương một đằng, quy định một đằng, thực hiện một nẻo.