Chợ truyền thống HàNội xưa và nay

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:04, 01/11/2014

(HNM) - Ngỡ tưởng siêu thị - kiểu chợ của xã hội hiện đại xuất hiện rải rác ở nội thành sẽ bóp chết chợ truyền thống...

Thăng Long - Kẻ Chợ

Theo nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, cụm từ Kẻ Chợ có thể xuất hiện vào thế kỷ XV, sau khi Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh, đức vua cho mở rộng kinh thành Thăng Long về phía đông và khu vực này trở thành nơi buôn bán sầm uất nhất Đại Việt. Kẻ Chợ chỉ nơi buôn bán ngoài kinh thành, nhưng dân gian gộp cả nơi vua ở lẫn khu buôn bán gọi chung là Kẻ Chợ. Trong ghi chép của nhà thám hiểm hàng hải người Bồ Đào Nha P.Y Manguin thì năm 1523 phái bộ Bồ Đào Nha Duar té Coelho đã tiếp xúc với “triều đình của vương quốc Cachao (Kẻ Chợ)”. Theo học giả Trần Kinh Hòa, tên Cacho (Kẻ Chợ) lần đầu xuất hiện ở cuốn “Da Asia” (Về Châu Á) năm 1550 của Barros người Bồ Đào Nha. Đến thế kỷ XVII, tên này xuất hiện phổ biến trong các tư liệu phương Tây với những biến âm: Cachao, Cacho, Catchou, Checio, Ché ce, Kacho, Kichou… Trong bài nghiên cứu in ở cuốn “Văn học nghệ thuật Thủ đô 30 năm phát triển và định hướng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội” xuất bản năm 1996, Giáo sư Trần Quốc Vượng viết: “Cho đến thế kỷ XVI, chỉ có Thăng Long mới được gọi là Kẻ Chợ còn tất cả các vùng miền khác gọi là Kẻ Quê”.

Chợ Đồng Xuân xưa.


Tuy nhiên, chợ ở Thăng Long xuất hiện từ rất sớm. Năm 1035, vua Lý Thái Tông đã “mở chợ Tây Nhai với hành lang dài” (tương ứng với chợ Ngọc Hà ngày nay). Cũng thời gian này, “Vua Thái Tông cho mở chợ về Cửa Đông (tương ứng với phố Hàng Buồm ngày nay), hàng quán chen chúc sát đến bên đền Bạch Mã, rất huyên náo”. Thế kỷ XVII, dân nhiều làng nghề nhập cư vào Thăng Long lập cơ sở sản xuất, Thăng Long ngày càng đông đúc nên mạng lưới chợ cũng phát triển nhanh chóng đáp ứng nhu cầu dân sinh và giao thương hàng hóa. Trong “Lịch triều hiến chương loại chí”, Phan Huy Chú đã kể ra 8 chợ ở Thăng Long gồm: Chợ Cửa Đông, chợ Cửa Nam, chợ Huyện, chợ Đình Ngang, chợ Bà Đá, chợ Văn Cử, chợ Bác Cử và chợ Ong Nước. Đến thế kỷ XIX, sách “Đại Nam nhất thống chí” do Quốc sử quán biên soạn dưới triều vua Tự Đức ghi thêm: Chợ Mới (tương ứng với phố Hàng Chiếu), chợ Đông Thành (tương ứng với phố Hàng Vải - Hàng Gà), chợ Yên Thọ (Ô Cầu Dền), chợ Yên Thái (Bưởi).

Địa điểm họp chợ thường ở nơi có bãi đất rộng, cửa thành, cửa sông và hai bên sông Tô Lịch - những vị trí thuận tiện cho đi lại. Trong cuốn “Lịch sử Hà Nội”, tác giả Philippe Papin viết: “Chợ thường họp ở cạnh các cửa ô xung quanh tường thành Kẻ Chợ. Từ năm 1749, khi xây dựng bức tường Đại đô và có thêm 8 cửa ô thì số lượng chợ tăng thêm”. Chợ bán Gạo (đầu cửa sông Tô) chuyên bán gạo, chợ Hàng Cá, chợ Cầu Đông (tương ứng ngã tư Hàng Đường - Chợ Gạo ngày nay) họp bên bờ sông Tô, chợ này nổi tiếng đã đi vào nhiều câu ca dao, ví dụ như: “Bà già đi chợ Cầu Đông/Xem một quẻ bói lấy chồng lợi chăng”. Chợ Bạch Mã (tên gọi khác của chợ Cửa Đông hay chợ Kim Hoa) liền sát đó (tương ứng phố Hàng Buồm ngày nay), họp sát bờ sông Tô, trên bến dưới thuyền và rất đông Hoa kiều buôn bán. Cụm từ “chợ búa” dùng để chỉ chợ nói chung trong đó búa nghĩa là cầu tàu cũng là nơi họp chợ.

Phạm Đình Hổ sống ở Thăng Long nhiều năm, trong “Vũ trung tùy bút”, ông ghi chép nhiều chuyện Thăng Long cuối thế kỷ XVIII và nửa đầu thế kỷ XIX, về chợ Bạch Mã ông viết: “Chợ buôn bán tấp nập huyên náo. Những quân trộm cắp hay thừa cơ cướp giật, có khi thò tay vào túi người ta móc lấy hết cả. Có khi chúng cố ý làm chợ ồn ào, đổ xô nhau mà chạy để rồi cắp bọc quần áo người ta hoặc khuân đồ vật hàng hóa”.

Về thời gian họp chợ, sứ Trung Quốc sang Việt Nam đời Trần là Trần Cương Trung ghi “chợ cứ hai ngày họp một lần”. Tuy nhiên, thời gian họp chợ trong sách của các nhà thám hiểm, nhà buôn hay nhà truyền giáo phương Tây không thống nhất, W.Dampier đến Thăng Long năm 1688 trong cuốn “Du hành và khám phá” cho rằng “Ở Kẻ Chợ, chợ họp trong tất cả mọi ngày”. Song Samuel Baron (người có cha là thương nhân Hà Lan, mẹ là người Thăng Long) từng sống ở Thăng Long mấy chục năm, trong “Mô tả vương quốc xứ Đàng Ngoài” xuất bản năm 1683 viết “Chợ ở Kẻ Chợ mỗi tháng có hai phiên” (ngày rằm và mùng một). Còn Phạm Đình Hổ trong “Vũ trung tùy bút” thì cho rằng ở kinh kỳ “phiên chợ là các ngày 1, 6, 11, 14, 15, 21, 26, 30” (một tháng 8 phiên). Chợ phiên cũng thu hút những người hằng ngày gánh hàng đi bán rong, từ “Em là con gái Kẻ Mơ/Em đi bán rượu tình cờ gặp anh” đến cô bán chiếu hay chị bán muối. Thăng Long - Kẻ Chợ thế kỷ XVII, XVIII không chỉ bán hàng nông, lâm sản từ các vùng mang đến mà các chợ còn bán nhiều hàng thủ công, ca dao Hà Nội có câu: “Bán mít chợ Đông/Bán hồng chợ Tây/Bán mây chợ Huyện/Bán quyến (lụa) chợ Đào (Hàng Đào)”. Đa số những người đi chợ là phụ nữ. Các lái buôn và giáo sĩ phương Tây khi đến Việt Nam đều nhận xét: Phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ Kẻ Chợ nói riêng có một “năng khiếu đặc biệt” về buôn bán. Nhà truyền giáo Filippo de Marini (1663) đến Kẻ Chợ có nhận xét: “Những người phụ nữ ở đây mải mê với thương mại và họ không ngừng bận rộn về việc bán, mua”. Du khách Trung Quốc Phan Đỉnh Khuê đến Kẻ Chợ năm 1688 thì cho rằng “việc buôn bán ở Kẻ Chợ bao giờ cũng do giới phụ nữ đảm nhiệm”.

Các làng nghề xuất hiện ở Thăng Long - Kẻ Chợ cũng xuất hiện ở các phố mang tên một mặt hàng được bày bán. Từ “phố”, chữ Nôm ban đầu chỉ nơi buôn bán. Theo Marini, ở mỗi đầu phố đều treo một tấm biển gỗ, trên đó có ghi các mặt hàng, phố Hàng Đào bán tơ lụa, Hàng Ngang bán xiêm áo, Hàng Bạc bán đồ trang sức, kim hoàn, Hàng Đồng bán đồ đồng, phố Hài Tượng bán giày dép, phố Bát Sứ bán đồ sứ… ngỡ tưởng các phố với đủ mặt hàng khiến chợ bị thu hẹp dần nhưng trái lại chợ ở Thăng Long - Kẻ Chợ vẫn tồn tại và phát triển.

Chợ thời Pháp thuộc

Khi thực dân Pháp chiếm thành Hà Nội năm 1882, sau đó cắt khu vực trung tâm của tỉnh Hà Nội để lập thành phố Hà Nội thuộc Pháp (còn gọi là nhượng địa) vào năm 1888 thì thành phố Hà Nội chuyển từ xã hội kiểu truyền thống sang xã hội hiện đại đã làm thay đổi hoạt động sản xuất và thương mại. Các công ty của người Pháp và Hoa kiều ra đời, hàng hóa nhập khẩu từ Châu Âu, Ấn Độ, Hương Cảng (nay gọi là Hong Kong - Trung Quốc) vào xứ Bắc kỳ ngày càng nhiều. Tại các tỉnh và đặc biệt là Hà Nội xuất hiện nhiều nhà buôn lớn, lại thêm một công ty Pháp xây nhà hàng Gordar (năm 1960 là Bách hóa Tràng Tiền) thế nhưng chính quyền vẫn duy trì truyền thống.

Năm 1889, thành phố cho lấp khúc sông Tô Lịch, di chợ Cầu Đông và Cửa Đông lên khu đất này lập chợ Đồng Xuân. Ban đầu, họ quây rào xung quanh, có cửa ra vào để bán vé chợ. Những người bán hàng thường xuyên dựng lều lợp lá che mưa che nắng. Một năm sau, chính quyền cho dựng khung thép lợp mái tôn rồi dần dần xây tường bao quanh, ở cổng có quầy bán vé, có bàn đổi tiền lẻ cho người đi chợ. Họ cũng xây một nhà vệ sinh nhưng chỉ dành cho phụ nữ người Pháp nên người dân gọi là nhà “vệ sinh đầm” (đây là nhà vệ sinh công cộng đầu tiên ở Hà Nội). Còn người Việt thì đi vệ sinh sau những cây duối ở phía đông (nay là chợ Bắc Qua). Mùa hè gió đông nam thổi đưa mùi hôi thối vào chợ nên phải xây nhà vệ sinh cho người Việt Nam. Cuối thế kỷ XIX, Đồng Xuân là chợ lớn nhất Bắc kỳ với đủ các mặt hàng, từ hàng tấm (vải, lụa), hàng laghim (rau quả) với táo, nho, quả mã thầy nhập từ Hương Cảng, San Fransico (Mỹ) tới các hàng tiêu dùng như: Xà phòng, nước hoa và vô vàn các mặt hàng khác. Trong báo cáo ngân sách thành phố năm 1897, số tiền thuế ở chợ Đồng Xuân là 45.000,94 đồng, năm 1900 tăng lên là 63.139,95 đồng, cao gấp rưỡi thuế xe tay và cao gấp 4 lần thuế lò sát sinh. Thuế chợ mang lại nguồn thu lớn nhất nên chính quyền quyết định tăng thuế và chỉ ngày 9-1-1902 đã thu được 273,60 đồng.

(Còn nữa)

Nguyễn Ngọc Tiến