Lãng quên một nguồn “tài nguyên”?

Du lịch - Ngày đăng : 06:34, 31/10/2014

(HNM) - Hà Nội có một hệ thống di tích cách mạng kháng chiến phong phú, đa dạng, gắn liền với các sự kiện lịch sử quan trọng của Thủ đô và cả nước. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, giá trị văn hóa, lịch sử có từ hệ thống di tích này chưa được khai thác một cách hiệu quả.


Tiềm năng lớn

Theo số liệu thống kê của Sở VH,TT&DL Hà Nội, Thủ đô hiện có gần 5.200 di tích lịch sử, văn hóa, phân bổ khắp 30 quận, huyện, thị xã, trong đó có rất nhiều di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và cấp thành phố. Trong số nói trên, có gần 300 di tích cách mạng - kháng chiến, phần lớn gắn liền với các sự kiện lịch sử trọng đại, sự nghiệp cách mạng của các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, các tấm gương trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc... Các di tích có ý nghĩa lịch sử lớn lao, như nhà số 5D Hàm Long là nơi Chi bộ Cộng sản đầu tiên của Việt Nam ra đời; ngôi nhà 90 Thợ Nhuộm là nơi đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng viết bản dự thảo Luận cương chính trị; nhà số 48 Hàng Ngang, nơi Bác Hồ viết bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa… gắn với quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Rồi là di tích Nhà tù Hỏa Lò, tượng đài tưởng niệm Khâm Thiên - minh chứng về tội ác dã man của đế quốc xâm lược; là khu chợ Đồng Xuân, hồ Hữu Tiệp, trận địa tên lửa Chèm - ví dụ sinh động về ý chí quật cường, quyết tâm chống lại kẻ thù xâm lược của quân và dân Thủ đô "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh"...

Du khách tham quan Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Ảnh: Bảo Lâm


Các di tích cách mạng - kháng chiến có ý nghĩa giáo dục truyền thống sâu sắc, giúp cho thế hệ trẻ nhận thức được một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, từ đó tiếp tục phát huy truyền thống, đạo lý tốt đẹp "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ kẻ trồng cây".

Cần có chiến lược truyền thông chuyên đề

Hà Nội có rất nhiều di tích cách mạng - kháng chiến nhưng chỉ một số ít được đưa vào tour du lịch, chẳng hạn như Nhà tù Hỏa Lò. Đa số di tích hầu như không có khách quốc tế, ngoài số ít khách tham quan theo chuyên đề cụ thể. Ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng Giám đốc Hanoi Red Tours cho biết, mỗi năm chỉ có vài khách đề nghị công ty tổ chức tham quan hồ Hữu Tiệp, nơi ghi dấu chiến công bắn rơi máy bay B52; không có việc các công ty lữ hành chủ động xây dựng tour tham quan di tích cách mạng - kháng chiến. Lý giải về điều này, ông Nguyễn Công Hoan nói: "Các di tích này chưa thể thu hút khách du lịch vì chúng ta chưa có quy hoạch xây dựng chúng thành điểm du lịch, nhiều nơi chưa có bãi đỗ xe, chưa có hướng dẫn viên. Chính vì thế, ít công ty du lịch đưa các điểm di tích này vào tour để chào bán rộng rãi". Bên cạnh đó, đa số di tích cách mạng - kháng chiến chưa có sự đầu tư đúng mức về nhân lực và vật lực để phục vụ du lịch, chưa có đủ đội ngũ hướng dẫn viên tại chỗ có kiến thức sâu rộng để cung cấp, truyền tải thông tin tới khách tham quan. Các điểm di tích còn thiếu hoạt động đi kèm cần có, du khách đến các điểm này mới dừng lại ở việc "nghe và nhìn", nên dễ nhàm chán.

Bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc điều hành Vietrantour cho rằng, do tour tới di tích cách mạng - kháng chiến hiện chỉ có khả năng nhắm vào đối tượng khách hàng hẹp (chủ yếu là các cựu chiến binh và khách quốc tế thích khám phá lịch sử Việt Nam) nên các công ty lữ hành không thể đầu tư phát triển mạnh sản phẩm này, đưa chúng trở thành sản phẩm phổ thông. Ngoài ra, hiện chưa có chiến lược truyền thông chuyên biệt về di tích cách mạng - kháng chiến đối với người dân trong nước và khách du lịch quốc tế, do đó các điểm đến này thường không được du khách hoặc người dân để ý hoặc mong muốn có trong chương trình tour.

Theo các nhân viên du lịch theo đoàn, có một thực tế là người dân nói chung chưa quan tâm đầy đủ đến các di tích cách mạng - kháng chiến. Đa số khách tham quan thường chỉ đi một vòng, lướt qua các hiện vật là kết thúc một chuyến tham quan. "Di tích lịch sử chỉ có ý nghĩa khi chúng ta yêu nó, quan tâm đến nó và muốn tìm ở đó một điều gì đặc biệt. Khách tham quan không biết về những câu chuyện lịch sử thì khi đi tham quan di tích, họ sẽ không thấy gì thú vị", ông Nguyễn Công Hoan chia sẻ.

Dưới góc nhìn của một doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Huyền cho rằng, để phát triển các tuyến du lịch tham quan di tích cách mạng - kháng chiến thì trước tiên chúng ta cần có chiến lược truyền thông, quảng bá mạnh mẽ tới du khách trong nước cũng như quốc tế. Quá trình truyền thông đó phải được thực hiện đồng thời với việc xây dựng hệ thống cơ sở vật chất nhằm phục vụ khách du lịch. Tại các điểm di tích cần có những hướng dẫn viên chuyên nghiệp nhằm truyền tải thông tin về khu di tích một cách chính xác, đầy đủ và hấp dẫn. Bên cạnh đó, ngành du lịch cần đưa các di tích lịch sử cách mạng - kháng chiến vào tour du lịch văn hóa và sinh thái để tránh gây nhàm chán đối với du khách.

Lâm Vũ