Không vay để nuôi “siêu” dự án

Kinh tế - Ngày đăng : 06:21, 31/10/2014

(HNM) - Nhất định không vay để đầu tư vào những dự án nhỏ lẻ và càng không vay để theo đuổi những “siêu” dự án, trong khi các dự án bảo đảm hạ tầng thiết yếu trong nước còn chưa đủ.



Các chỉ tiêu, nhiệm vụ cơ bản này được đa số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành tại phiên thảo luận hội trường ngày 30-10 về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015. Đáng chú ý, có ĐBQH còn cho rằng đã đến lúc Chính phủ phải đặt mục tiêu tăng trưởng cao trở lại.

Ưu tiên các khoản vay ODA cho việc đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu. Ảnh: Như Ý


Quản lý, sử dụng vốn ODA còn nhiều bất cập

Vấn đề sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư đã nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu. Theo các ĐB Nguyễn Văn Tiên (Đoàn Tiền Giang), Lê Thị Nga (Đoàn Thái Nguyên), Chính phủ đã rất nỗ lực để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA cho phát triển KT-XH. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh nhiều bất cập, thậm chí vi phạm và tội phạm, thất thoát, lãng phí, tham nhũng đã xảy ra. Các quy định quản lý dòng vốn này còn phức tạp, phân tán, hiệu lực pháp lý chưa cao nên chưa ngăn chặn được tình trạng xin, cho, "cò" dự án... Theo ĐB Lê Thị Nga, có 2 điểm yếu cơ bản nhất là QH - người chịu trách nhiệm cao nhất về nợ công và người dân - chủ thể phải đóng thuế, là người trả nợ cuối cùng gần như đứng ngoài quy trình về ODA. Vì vậy, ĐB Lê Thị Nga đề xuất, QH cần ban hành luật quản lý sử dụng ODA, theo đó chú trọng quy định chặt chẽ tiêu chí chấp nhận vốn ODA; công khai, minh bạch toàn bộ số vốn; công khai các dự án và quy trình phân bổ... QH đồng thời là cơ quan giám sát việc thực hiện ODA nhưng hiện chưa một lần giám sát tối cao về ODA. Do vậy, theo ĐB Lê Thị Nga, đây là một nguyên nhân không nhỏ góp phần làm cho những bất cập, sai phạm trong triển khai sử dụng ODA chậm được khắc phục, góp phần đẩy nợ công lên sát ngưỡng mất an toàn.

ĐB Lê Thị Nga cũng kiến nghị, việc thực hiện các khoản vay ODA phải chọn các lĩnh vực ưu tiên. Cần học tập kinh nghiệm của một số quốc gia khi sử dụng nguồn vốn này như chỉ để đầu tư vào hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; đồng thời chú trọng đầu tư hướng tới khu vực tư nhân, khu vực xuất khẩu để kích thích cạnh tranh, nhất là có ngoại tệ để trả nợ. Nhất định không vay để đầu tư vào những dự án nhỏ lẻ và càng không vay để theo đuổi những “siêu” dự án, trong khi các dự án bảo đảm hạ tầng thiết yếu trong nước còn chưa đủ.

Những hòn đá tảng của mục tiêu tăng trưởng

Một số liệu trong báo cáo của Chính phủ được nhiều ĐB đề cập đó là 9 tháng đầu năm 2014, số doanh nghiệp (DN) thành lập mới là 52.525, nhưng số DN giải thể, phá sản là 51.244, số DN tạm dừng hoạt động là 18.873 và 213.000 DN kê khai lỗ không phát sinh thuế thu nhập DN… DN làm ăn thua lỗ hoặc phải phá sản có nhiều nguyên nhân, song không thể không nhắc đến vai trò của quản lý nhà nước mà cụ thể là các cơ chế chính sách hỗ trợ DN đến nay chưa hiệu quả, chưa thật sự hướng về DN. Thực trạng DN phản ánh "bộ mặt" của nền kinh tế, DN phải "khỏe" thì kinh tế đất nước mới "khỏe". Vậy đâu là giải pháp?

Theo các ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh), ĐB Trần Xuân Hùng (Hà Nam), nhiều năm qua, dù Chính phủ đã tập trung cải cách hành chính, loại bỏ các thủ tục rườm rà… tạo điều kiện cho các DN hoạt động thuận lợi, nhưng đến nay vẫn tồn tại tình trạng "hành" DN, chưa tạo điều kiện cho DN. Vì vậy, các ĐB này đề nghị Chính phủ cùng các bộ, ngành địa phương tiếp tục rà soát các quy định, đưa ra chính sách hỗ trợ DN như giãn, giảm thuế thu nhập DN, giảm giá thuê mặt bằng, hỗ trợ DN quảng bá thương hiệu, tiếp cận thị trường, đối tác... ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn Kiên Giang) nhấn mạnh, Nhà nước cần đưa ra các chính sách thông thoáng hơn với khối DN tư nhân. Theo ĐB Nguyễn Thị Kim Bé, khối DN tư nhân đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng kinh tế, cũng như giải quyết việc làm cho người lao động, thế nhưng rất đáng nói là số lượng DN tư nhân phải dừng hoạt động tăng trên 20% so với năm 2013. Cùng quan điểm trên, ĐB Trương Minh Hoàng (Đoàn Cà Mau) kiến nghị, Nhà nước phải coi trọng công tác lựa chọn cán bộ, vì cán bộ là cái gốc của công việc. Cụ thể, các cơ quan nhà nước phải lựa chọn những người dám nói, dám làm.

Một giải pháp cần được đặt ra là nâng cao năng suất lao động. Theo ĐB Nguyễn Phi Thường (Đoàn Hà Nội) năng suất lao động của người Việt Nam đang là "hòn đá tảng" của mục tiêu tăng trưởng. 50% lao động chưa qua đào tạo; năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất ở Châu Á - Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore gần 15 lần, Nhật Bản 11 lần và Hàn Quốc 10 lần. So với các nước trong khu vực ASEAN có mức thu nhập trung bình, năng suất lao động của Việt Nam cũng chỉ bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan. Nguyên nhân là do chất lượng nguồn lao động còn hạn chế, tỷ lệ lao động thủ công, chưa qua đào tạo cao; hoặc nếu được đào tạo lại thiên về học lý thuyết; việc tổ chức lao động cũng chưa khoa học. Một nguyên nhân khác là do chúng ta sử dụng công nghệ lạc hậu, sử dụng vốn đầu tư không hiệu quả… ĐB Nguyễn Phi Thường cũng đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực qua việc học hỏi mô hình đào tạo tại Nhật Bản; thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động sang các ngành kinh tế phi nông nghiệp và thực hiện chiến lược tổng thể về xây dựng kỹ năng cho người lao động; tăng cường đầu tư thực chất và hiệu quả cho phát triển khoa học công nghệ.

Nguồn vốn đầu tư cũng được các ĐBQH cho là một "điểm nghẽn" của nền kinh tế. ĐB Trương Văn Vở (Đoàn Đồng Nai) đánh giá cao việc các ngân hàng thương mại vừa thực hiện giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn (còn 10,5%) - nhưng cho rằng vẫn ở mức cao và kiến nghị cần tiếp tục giảm lãi suất xuống thấp hơn để DN được tiếp cận với vốn vay, đầu tư sản xuất kinh doanh, duy trì hoạt động và phát triển.

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn

Có thể nói tại phiên thảo luận hôm qua có đến 2/3 ý kiến phát biểu tại hội trường đã kiến nghị Chính phủ có các giải pháp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Các ĐB Đỗ Ngọc Nên (Đoàn Bình Thuận), Mai Thị Thúy (Đoàn Tuyên Quang), Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đoàn Đắk Nông), Nguyễn Thị Huệ (Đoàn Đắk Lắk), Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh) trong phần phát biểu của mình đều nhấn mạnh đến đầu tư vào khu vực này. Theo các ĐB, nền nông nghiệp và người nông dân Việt Nam đang phải đối mặt với thực trạng: Là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới nhưng giá trị lại thấp; nguồn cung hàng hóa nông sản, hoa quả… dồi dào nhưng thường xuyên bị ế ẩm, bị ép giá "được mùa thì mất giá"; chăn nuôi manh mún, công nghệ thấp, cơ cấu cây trồng chưa chuyển dịch hiệu quả… Bên cạnh đó là điều kiện sống của nông dân chưa cao.

Theo các ĐBQH, thực trạng này đã tồn tại nhiều năm nay là do giữa nông dân với nông dân, giữa DN và nông dân chưa có sự gắn kết… Và như vậy rất cần vai trò của Nhà nước. Trước hết thể hiện ở việc Chính phủ, bộ, ngành địa phương cần xem xét lại hiệu quả của các chương trình đầu tư vào khu vực này; cùng với đó là xem xét lại các cơ chế chính sách đã thực sự hiệu quả chưa? Các ĐB cũng cho rằng, Nhà nước cần khuyến khích các DN đầu tư vào khu vực nông thôn, chế biến nông sản, hỗ trợ nông dân sau thu hoạch. Trong đó có việc thúc đẩy ứng dụng CNTT vào sản xuất nông nghiệp để tái cấu trúc lại nền sản xuất đã lạc hậu. Một số ý kiến cũng đề cập đến việc cơ quan quản lý nhà nước cần thể hiện tốt khâu dự báo để từ đó có những quyết định đầu tư sản xuất đúng đắn.

Sau phần thảo luận của các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ TN&MT cũng đã có những giải đáp ý kiến của các ĐB.

Giảm nợ công, nợ xấu gắn với sử dụng có hiệu quả nguồn vốn

Giải trình trước các ĐBQH về tình hình nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trước năm 2010, nước ta chưa có quy định pháp lý về quản lý nợ công. Các chỉ số về nợ ở mức thấp, phù hợp với định hướng điều hành của Chính phủ, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.

Kể từ năm 2010 trở đi khi Luật Quản lý nợ công có hiệu lực, việc công khai, minh bạch, trách nhiệm đã rõ ràng hơn. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn, tăng trưởng chậm, cân đối nguồn lực ngân sách không bảo đảm dẫn đến tỷ trọng bố trí chi đầu tư phát triển giảm. Trong nhiều nguyên nhân thì có việc áp lực huy động vốn hằng năm rất lớn, tăng vay đầu tư phát triển...

Cụ thể, dư nợ công đã tăng nhanh cả về số tuyệt đối và tỷ lệ so với GDP. Trong thời gian qua, các chỉ số về nợ công, nợ Chính phủ, nợ quốc gia như tỷ lệ nợ công và nợ Chính phủ/GDP, tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ từ cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) so với tổng thu NSNN vẫn trong giới hạn QH cho phép (nợ Chính phủ và nợ nước ngoài dưới 50%, nợ công dưới 65%) nhưng đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức...

Đặc biệt, áp lực trả nợ trong năm 2015, 2016 là lớn. Do vậy cả nước cần quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ KT-XH từ đó giảm nợ công, nợ xấu, gắn với sử dụng vốn có hiệu quả, thực hành tiết kiệm...

Việt Nga