Nhìn thẳng, nói thật
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:51, 31/10/2014
1. Có hai chuyện liên quan lĩnh vực quản lý nhà nước trong mấy ngày qua thu hút sự quan tâm của dư luận. Thứ nhất, ngày 23-10, Công an phường Phạm Ngũ Lão phát tờ rơi cảnh báo tệ nạn cướp giật, gian lận ở TP Hồ Chí Minh cho du khách nước ngoài, các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn. Thứ hai, hai sân bay quốc tế hàng đầu của nước ta là sân bay Nội Bài, sân bay Tân Sơn Nhất "bị" một trang mạng - trên cơ sở đánh giá của độc giả là hành khách - xếp vào nhóm 10 sân bay có chất lượng dịch vụ kém nhất khu vực Châu Á.
Trường hợp thứ nhất, việc phát tờ rơi cảnh báo đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều, trong đó không ít người không đồng tình, thậm chí phản đối khi cho rằng việc phát tờ rơi cảnh báo không khác gì "vạch áo cho người xem lưng", tự làm xấu hình ảnh du lịch TP Hồ Chí Minh nói riêng, du lịch Việt Nam nói chung trong mắt du khách. Một số ý kiến còn "đẩy" vấn đề với nhắc nhở "làm thế, dễ khiến du khách nước ngoài quay lưng". Tất nhiên, phát tờ rơi chỉ ra thực tế rằng du lịch TP Hồ Chí Minh còn nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề bảo đảm an toàn cho du khách. Dư luận "sôi nổi" đến mức đơn vị phát tờ rơi phải tạm dừng việc này để chờ ý kiến của cơ quan có thẩm quyền cao hơn. Ở trường hợp thứ hai, ngay sau khi hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất "bị" chấm điểm kém, Cục Hàng không Việt Nam đã phản bác.
Có một điểm chung trong cả hai trường hợp này là cơ quan quản lý nhà nước và có cả một bộ phận dư luận, không chịu nhìn thẳng vào thực tế. Nạn cướp giật, "chặt chém", gian lận... đối với du khách thường xuyên diễn ra và không chỉ ở TP Hồ Chí Minh; thậm chí từng có ý kiến đề xuất thành lập lực lượng cảnh sát du lịch để bảo vệ du khách. Sự thể trầm trọng đến mức đây được xem là vấn nạn có thể gây ảnh hưởng lớn với ngành du lịch. Với "vụ sân bay", ngay sau phản bác của Cục Hàng không Việt Nam, người đứng đầu ngành giao thông - vận tải cho rằng như thế là chưa cầu thị; đồng thời, việc cho điểm, đánh giá của hành khách là khách quan. Thực tế cũng như kết quả khảo sát hai sân bay của lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải diễn ra sau khi kết quả xếp hạng được công bố cho thấy, chất lượng dịch vụ hai sân bay này tồi tệ thật.
2. Vấn đề khác, tưởng không ăn nhập gì với chuyện được đề cập ở trên song ít nhiều có liên quan đấy là nạn "báo cáo màu hồng". Trong nhiều bản tổng kết tình hình phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương, kể cả những tỉnh nghèo nhất nhì cả nước, tốc độ tăng trưởng GDP luôn cao hơn năm trước và thường ở mức ấn tượng, có khi lên đến hai con số (trong khi tốc độ tăng trưởng GDP cả nước chỉ bằng một nửa hoặc thấp hơn nữa); trong nhiều báo cáo hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhiều doanh nghiệp lớn cũng đưa ra những con số ấn tượng. Tuy nhiên, không ít địa phương có "báo cáo đẹp" vẫn thuộc nhóm "sống nhờ" ngân sách rót về từ Trung ương và trong số doanh nghiệp có con số tăng trưởng ấn tượng, chỉ khi có kết quả thanh tra, kiểm toán của cơ quan chức năng mới lộ ra tình trạng thua lỗ, làm ăn bết bát; thậm chí, không ít doanh nghiệp nhà nước diện có báo cáo đẹp còn bị giải thể, phá sản...
3. Trở lại vụ phát tờ rơi và vụ xếp hạng sân bay cũng như chuyện "báo cáo màu hồng" ở trên, có rất nhiều điều đáng để suy ngẫm. Không cầu thị những nhận xét, đánh giá trung thực, thẳng thắn, sẽ khó có thể biết đâu là mặt mạnh, đâu là yếu kém, tồn tại; không nhìn thẳng vào thực tế, cơ quan quản lý không thể có giải pháp khắc phục bất cập để chấn chỉnh, nâng cao chất lượng hoạt động lĩnh vực phụ trách. Quan trọng hơn, trong công tác quản lý nhà nước, nếu cơ quan chức năng không chịu nhìn thẳng, không dám nói thật, không công khai khách quan tình hình, thực trạng, chắc chắn niềm tin của người dân sẽ suy giảm; còn ngược lại, sự chia sẻ, thông cảm, cộng đồng trách nhiệm sẽ vô cùng lớn. Bởi lẽ, với sự phát triển của truyền thông hiện nay; đồng thời dân trí đã được nâng lên, muốn giấu những mặt trái kiểu như cố tật của ngành du lịch TP Hồ Chí Minh hay yếu kém của hai sân bay không dễ...