Cơ chế bảo vệ người tiêu dùng cần khả thi và phù hợp với thực tiễn
Đời sống - Ngày đăng : 17:23, 05/04/2023
Báo cáo một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thống nhất với cơ quan soạn thảo đã chỉnh lý, hoàn thiện một số quy định trong dự thảo Luật nhằm bảo đảm phù hợp và cân bằng quyền lợi, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong mối quan hệ với người tiêu dùng, không làm phát sinh gánh nặng bất hợp lý đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Thảo luận về dự thảo Luật, các đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến nhằm bảo đảm công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có tính khả thi, phù hợp với thực tế. Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn Bình Phước) đề nghị xem xét quy định quyền được trả lại sản phẩm, hàng hoá và việc hoàn trả toàn bộ chi phí mua sắm sản phẩm, hàng hoá cần được áp dụng không chỉ đối với hàng hoá có khuyết tật, mà còn với sản phẩm, hàng hoá không đúng như quảng cáo giới thiệu, cam kết hoặc công bố của tổ chức, cá nhân kinh doanh để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.
Về nội dung người tiêu dùng thuộc nhóm ưu tiên bảo vệ, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) nhận thấy quy định này chưa chặt chẽ trong dự thảo luật. Phân tích vấn đề này, đại biểu nhận định, đây là quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, trong khi theo quy định của Bộ luật Dân sự, trách nhiệm này chỉ phát sinh khi đầy đủ 3 yếu tố: Phải có hành vi vi phạm xảy ra, phải có thiệt hại thực tế xảy ra, phải có mối quan hệ nhân - quả giữa hành vi vi phạm với thực tế thiệt hại xảy ra. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị sửa quy định này chặt chẽ để bảo đảm phù hợp, thống nhất với Bộ luật Dân sự, đặc biệt là phù hợp với bản chất quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Đồng tình với nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) cho rằng, cần có cơ chế thực sự hiệu quả và bảo đảm tính khả thi trong việc bảo vệ người tiêu dùng. Đại biểu cũng cho rằng, các quy định về vai trò của tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức chính trị - xã hội chưa đủ mạnh, chưa tạo được động lực, cơ sở để các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là các hội chủ động khởi kiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. “Vì vậy, cần có thêm quy định về hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức có đủ nguồn lực, đủ cơ sở để họ tham gia việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, đại biểu kiến nghị.
Về các hành vi bị cấm, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) đề nghị bổ sung quy định cấm hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi chưa được sự đồng ý của người tiêu dùng, trừ trường hợp các tổ chức, cá nhân kinh doanh chuyển giao thông tin được thu thập phù hợp với quy định của luật này và pháp luật có liên quan cho bên thứ ba lưu trữ, hoặc phân tích nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh của bên chuyển giao và hai bên đã thỏa thuận bằng văn bản về việc bên thứ ba có trách nhiệm bảo vệ thông tin người tiêu dùng theo quy định của luật này.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ, chỉ đạo các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu, tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5 sắp tới.
Cuối phiên họp ngày 5-4, hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã nghe Phó Chủ nhiệm ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà báo cáo một số vấn đề lớn về Dự án Luật Giá (sửa đổi) và thảo luận bước đầu về dự án luật này.