Làm sao để "sắc" mà không "đứt tay"?
Văn hóa - Ngày đăng : 06:53, 30/10/2014
Hội thảo là hoạt động trong khuôn khổ giai đoạn 2 dự án VACI - "Chương trình sáng kiến phòng chống tham nhũng", tiếp nối cuộc thi "Vẽ tranh biếm họa về đề tài công khai, minh bạch trên báo chí" vừa kết thúc vào tháng 9 vừa qua.
Nguyên Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm tham nhũng (Bộ Công an) Hoàng Mạnh Chiến nhìn nhận: "Truyền thông luôn là một vũ khí hàng đầu trên mặt trận phòng chống tham nhũng và biếm họa là con dao sắc bén và hiệu quả". Tuy vậy, nhìn từ cuộc thi nói trên, thông qua chất lượng của hơn 600 tác phẩm mà 35 tác giả chuyên và không chuyên trên cả nước đã gửi tới BTC cuộc thi, rõ ràng là biếm họa không thể trở thành thứ vũ khí sắc bén trong công tác chống tham nhũng trên báo chí nếu được sáng tác một cách dễ dãi.
Tranh biếm họa, như cắt nghĩa của họa sĩ Lý Trực Dũng, "là một thể loại mỹ thuật sử dụng tất cả các ngôn ngữ tạo hình để bóp méo tối đa hình ảnh, hành động nhằm diễn đạt ý tưởng về một vấn đề, một sự việc mà tác giả muốn đề cập đến". Theo nhà báo Mai Phan Lợi (Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh), Trưởng ban Thư ký cuộc thi, có 1/3 số tranh dự thi đã được xuất bản trên ấn phẩm của 10 cơ quan báo chí, hiệu quả thông tin khá tốt. Số tranh còn lại có sự hạn chế nhất định, cho thấy hàng loạt vấn đề mà phía sáng tác cần xem xét lại. Chẳng hạn như nhiều tranh biếm đi sau sự kiện, không đóng vai trò là người điều tra mà chỉ điểm lại những sự kiện đã được công khai dưới góc nhìn hài hước. Nhiều tác phẩm không đúng chủ đề, hoặc chủ đề không phù hợp, ví như nói về phòng chống tham nhũng ở ta thì lại nói chuyện ở nước khác mà chưa có động tác kéo gần cho có điểm chung. Một số tác phẩm lạm dụng chữ, không thể đem lại hiệu quả bởi "đọc chữ đã thấy hết nội dung thì tranh chỉ như một vài nét minh họa" - nhận xét của nhà báo Mai Phan Lợi. Có những họa sĩ mắc lỗi "tham", đưa quá nhiều câu chuyện, quá nhiều chi tiết vào trong tranh biếm họa, khiến người xem phải "zoom" vào từng chi tiết để tìm hiểu, như thế là làm giảm sự hào hứng của người xem. Có những bức được vẽ một cách đơn giản, nội dung hời hợt quá thì tất yếu bị công chúng bỏ qua…
Theo giới nghiên cứu, biếm họa ở nước ta đã trải qua một quá trình phát triển với đủ thăng, trầm. Nó đã có thời phát triển nhưng cũng có lúc rơi vào lãng quên, như trong giai đoạn 1975-2008 cả nước không có được một cuộc thi hay triển lãm nào dành cho thể loại này. Hiện nay, "đất" cho biếm họa đã có sự mở rộng nhưng tranh biếm vẫn chưa đạt tới tầm vóc của một thể loại mỹ thuật quan trọng có khả năng tác động mạnh mẽ tới dư luận xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực phòng chống sự xấu nảy sinh. Đề tài phòng chống tham nhũng là một mảng rộng và "nhạy cảm", tranh biếm có đặc trưng riêng, không dễ sáng tác như nhiều người lầm tưởng. Không phải vô cớ mà tại hội thảo, câu hỏi "làm sao để sáng tác được tác phẩm biếm họa sắc bén mà không làm đứt tay?" đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Theo họa sĩ Lý Trực Dũng, một bức tranh biếm họa tốt, đặc biệt là với đề tài phòng chống tham nhũng thì hiệu quả của nó trước hết phụ thuộc vào khả năng lựa chọn vấn đề, năng khiếu hội họa, khiếu hài hước và sự dũng cảm. Tuy nhiên, dũng cảm không đồng nghĩa với làm liều, không phải theo cách sai lầm mà một số họa sĩ đã mắc phải trong thời gian qua. Biếm họa đích thực không có chỗ để họa sĩ đưa đời tư cá nhân vào đó một cách tùy hứng, hay vẽ rõ chân dung nhân vật gắn với sự việc còn đang trong vòng tranh luận, chưa được cơ quan chức năng đưa ra kết luận…; đó là lối sáng tác có thể dẫn tác giả vào vòng kiện tụng, cho ra loại sản phẩm không có ích cho cộng đồng.
Theo kinh nghiệm của họa sĩ Lê Phương (Leo), người được trao giải nhất của cuộc thi về đề tài công khai, minh bạch trên báo chí, "nên vẽ về điều gì mà mình cho rằng sẽ làm dấy lên dư luận mang tính xây dựng, kích thích suy luận của người xem để dẫn đến cách hiểu cách nghĩ đúng, để nhà quản lý biết vấn đề và điều chỉnh". "Hay dở là ở người họa sĩ, phải vẽ làm sao để người xem của 30-40 năm sau đó vẫn còn phải suy ngẫm, phải vẽ làm sao để tranh biếm có thể đứng được một mình chứ không phải là hình minh họa trên trang báo", họa sĩ Lý Trực Dũng nói.