Doanh nghiệp vẫn thở than!
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:52, 30/10/2014
Động thái này được nhiều chuyên gia kinh tế cho là một hoạt động tích cực góp phần thúc đẩy nền kinh tế, kích thích tăng trưởng, giải quyết một phần cơn khát vốn trong quá trình phục hồi của nền kinh tế nước ta. Quan niệm rằng cùng với việc điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất đợt 3-2014, đợt giảm lãi suất này sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định thị trường tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước còn kêu gọi các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay VND/năm xuống tối đa 13%. Sở dĩ có những động thái nêu trên là do niềm tin vào những biểu hiện tích cực của dòng vốn tín dụng thời gian qua đã gia tăng trong xã hội. Theo Ngân hàng Nhà nước, đến hết ngày 24-10-2014 tổng phương tiện thanh toán tăng 11,85%, huy động vốn tăng 11,88%, tín dụng toàn hệ thống tăng 7,85% so với cuối năm 2013. Như vậy, vẫn còn tiềm năng giảm tiếp 0,5% lãi suất huy động - một chuyên gia về tiền tệ nói.
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, mặc dù trần lãi suất hạ đồng loạt nhưng nhiều doanh nghiệp tỏ ra ít quan tâm trước sự kiện này. Nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mới phục hồi, cho rằng: Mức giảm hiện nay chỉ là nhỏ giọt (mới 1%) trong khi lãi suất vay vốn khá cao nên chưa thể tác động mạnh đến thị trường tín dụng. Dù có giảm trần lãi suất nhưng trên thực tế, doanh nghiệp vẫn phải đi vay với mức lãi suất từ 20% đến 22% ở các ngân hàng nhỏ, còn nếu vay ngoài, có thể lên đến 26%, phải cật lực và may mắn lắm mới trả đủ lãi, nhiều khi lỗ vốn nếu trả lương, đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ cho người lao động. Cũng trong dịp này, nhiều ngân hàng công bố lãi suất 16% đến 17%, nhưng khi làm thủ tục để có thể vay cụ thể thì cộng các khoản này khoản kia, trên thực tế lãi suất ít ra cũng từ 19% trở lên. Đó là trần lãi suất nói cho vui, không có thực, không thể hy vọng nhiều.
Thêm nữa lãi suất chỉ là một mặt. Sở dĩ trần lãi suất hạ nhưng doanh nghiệp và người dân vẫn không tiếp cận được nguồn vốn vì thủ tục vay ngân hàng, nhất là ngân hàng thương mại cổ phần lớn, vốn nhà nước chiếm ưu thế vẫn rất rườm rà và ngặt nghèo. Đã đành, ngân hàng cũng phải chặt chẽ không thể thất thoát vốn nhưng với doanh nghiệp mới phục hồi, doanh nghiệp đang ứ đọng hàng thì lấy đâu ra tài sản để bảo đảm? Với các mặt hàng tồn kho, mặt hàng bán chậm, tỷ lệ thế chấp của ngân hàng thường rất cao, 100 triệu tài sản may ra mới được 60 triệu vốn vay. Một giám đốc doanh nghiệp ở Hà Nội nói: Để chống đỡ với khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp đã phải mang tất cả tài sản của mình thế chấp, giờ tiếp tục cần vốn thì các hồ sơ tài sản đã gửi hết ngân hàng, vậy làm cách gì để vay?
Từ những vấn đề nêu trên có thể nhận định: Giảm trần lãi suất huy động với trần lãi suất cho vay phải đồng bộ và quan trọng hơn là giảm hơn nữa trần lãi suất cho vay; đồng thời phải cải tiến thủ tục vay để bảo tồn được vốn nhưng tránh thủ tục rườm rà, sát với thực tế. Và quan trọng nhất là giảm tồn kho, tăng quỹ cầu, nâng cao năng lực của doanh nghiệp nhỏ và vừa...