Bài cuối: Bài toán khó

Đời sống - Ngày đăng : 07:19, 29/10/2014

(HNM) - Nhằm góp phần làm rõ những bất cập trong quản lý đất đai và trật tự xây dựng (TTXD) phóng viên Báo Hànộimới đã khảo sát tại một số quận, huyện, trao đổi với nhiều hộ dân và làm việc với chính quyền địa phương nơi có sông Nhuệ chảy qua.


Quản lý thiếu thống nhất

Một trong những lý do biện minh cho việc hành lang sông Nhuệ biến thành các khu dân cư được nhiều cơ quan chức năng đưa ra là hành lang sông không được cắm mốc giới, quy định về hành lang bảo vệ sông thay đổi qua các thời kỳ… Ngoài ra, tại một số khu vực, sông Nhuệ còn chảy qua khu dân cư cổ nên đất của nhiều hộ dân đã nằm trong hệ thống bản đồ đất thổ cư từ năm 1938. Một số khu vực ở huyện Thanh Trì, quận Hà Đông… cũng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên việc đan xen các loại đất có mục đích sử dụng khác nhau cũng gây ra việc khó kiểm soát.

Lập lại hành lang sông Nhuệ đang là bài toán khó với cơ quan chức năng. Ảnh: Mạnh Hà



Những lý lẽ đó xem ra có phần thuyết phục. Tuy nhiên, bác bỏ quan điểm này, bà Trần Thị Tuyết Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ cho biết: Năm 1963, Nhà nước đã ban hành các quy định về phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi và đến năm 1994, Pháp lệnh Khai thác công trình thủy lợi đã được áp dụng trong thực tiễn. Do đó, năm 1996, tại các huyện Từ Liêm (cũ) và Thanh Trì đã được Công ty Khai thác công trình thủy lợi sông Nhuệ bàn giao mốc giới cho cán bộ chính quyền sở tại. Song do công tác quản lý đất đai ngày đó còn nhiều hạn chế nên hệ thống mốc giới này không được đưa vào hệ thống bản đồ, khiến công tác quản lý gặp nhiều trở ngại. Một số địa phương như phường Xuân Phương (cũ), Mễ Trì… có những công trình xâm phạm nghiêm trọng hành lang bảo vệ sông Nhuệ bởi có một số công trình nằm trong lòng sông…

Cũng về vấn đề trên, khi trao đổi với phóng viên, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội khẳng định: "Từ trước đến nay, việc cắm mốc giới dọc tuyến sông Nhuệ chỉ được thực hiện trên địa bàn thị xã Hà Đông theo Quyết định 225/QĐ-UB ngày 19-5-1995 của UBND tỉnh Hà Tây (cũ). Các mốc giới này hiện tại ngoài thực địa đã mất hết do quá trình đô thị hóa, địa hình, địa vật thay đổi". Chính vì sự buông lỏng quản lý và không điều chỉnh sự thay đổi mốc giới kịp thời trên thực địa nên dẫn đến các vi phạm về đất đai và TTXD ít bị xử lý dứt điểm. Bên cạnh đó, chính quyền sở tại thường vin vào lý do "không có mốc giới bảo vệ sông Nhuệ" nên tình trạng vi phạm ngày càng có chiều hướng gia tăng. Chính vì vậy, việc xử lý vi phạm hay không xử lý cũng dễ được người có thẩm quyền tìm lý do để chống chế. Thực tế này tạo sự nhập nhèm, là cơ hội cho nhiều trường hợp lấn chiếm "đất" có tồn tại.

Phải có lời giải

Trong khi đa số hộ dân sử dụng đất dọc bờ sông Nhuệ không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất hoặc chỉ có các giấy tờ giao đất trái thẩm quyền thì các cơ quan chức năng lại không có hướng dẫn cụ thể quyền của người dân khi sử dụng đất ở khu vực này. Chưa kể, theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được UBND thành phố phê duyệt, dọc hai bên bờ sông Nhuệ được quy hoạch là đất cây xanh, chiều rộng tính từ tim sông sang hai bên khoảng 50m… Vì mốc giới phạm vi bảo vệ sông không rõ, còn quy hoạch lại chưa được thực hiện nên công tác cấp sổ đỏ cho các hộ dân lại phải tiếp tục chờ. Điều này kéo theo việc cấp phép xây dựng tại nhiều quận, huyện cũng không được thực hiện. Tại quận Hà Đông, việc cấp giấy phép xây dựng và cấp phép xây dựng tạm được thực hiện theo các quy định khá rõ ràng, minh bạch; còn tại nhiều quận, huyện khác việc cấp phép xây dựng gần như không được thực hiện. Thậm chí, với những hộ có đất dọc bờ sông Nhuệ, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng quyền sử dụng đất của họ cũng bị hạn chế, gây không ít bức xúc cho người dân. Được biết, hiện nay Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội đang thực hiện Đề án quản lý đất đai hai bên bờ sông Nhuệ, tiến đến sẽ cắm mốc phạm vi bảo vệ sông… Nhưng khi được hỏi về tiến độ thực hiện và thời điểm nào sẽ thực hiện đề án này trên thực tế thì cơ quan chức năng không có câu trả lời.

Trong khi các cơ quan chức năng của thành phố còn chưa có kế hoạch cụ thể cắm mốc giới hành lang sông Nhuệ trên thực địa thì những hộ dân sinh sống dọc hai bên bờ sông Nhuệ vẫn không có điều kiện cải thiện điều kiện ăn ở. Hơn thế, họ phải sống trong tâm trạng thấp thỏm lo âu vì không biết thửa đất mình đã ăn ở ổn định sau rất nhiều năm sẽ bị định đoạt như thế nào? Phải khẳng định rằng đây là "bài toán" khó nhưng các Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Quy hoạch kiến trúc… phải có trách nhiệm đưa ra được lời giải.

Nhóm PV Ban Bạn đọc