Hệ thống quy tắc ứng xử của người Hà Nội đang gấp rút hoàn thành

Văn hóa - Ngày đăng : 06:59, 29/10/2014

(HNM) - Việc thực hiện Đề án


- Thưa ông, có ý kiến cho rằng các tiêu chí khung về quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư Hà Nội còn rườm rà, khó nhớ, trùng lặp. Trong dự thảo mới nhất, những hạn chế đó được khắc phục như thế nào?

- Các nhóm khách thể (cán bộ, công chức, người lao động trong cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và nơi công cộng) không thay đổi, nhưng dự thảo mới nhất đưa ra những tiêu chí chung nhất cho tất cả các nhóm khách thể để có thể triển khai trên diện rộng; đồng thời xác định rõ những tiêu chí đặc thù cho từng nhóm. Chẳng hạn, cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện… khi làm việc trong cơ quan, đơn vị mình thì phải ứng xử theo những chuẩn mực riêng: gương mẫu, chuyên nghiệp, có trách nhiệm, sáng tạo trong công việc, trang phục gọn gàng, tuân thủ các quy định của cơ quan, đơn vị… Nhưng cũng là những người đó khi đến nơi công cộng hoặc về nơi mình sinh sống thì phải có cách ứng xử phù hợp với quy tắc ở nơi công cộng, cộng đồng dân cư, như trọng nghĩa, trọng tình, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng… Tiêu chí chung nhất của hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư thành phố Hà Nội chính là yếu tố thanh lịch, văn minh của người Hà Nội. Những yếu tố này được đúc kết, chắt lọc từ truyền thống, có sự điều chỉnh thích ứng với xã hội đương đại, vì thế, nó tương đối dễ nhớ, dễ hiểu, dễ triển khai trên diện rộng, chứ không "đánh đố" như một số người từng nghĩ.

Thanh lịch, văn minh sẽ là yếu tố xuyên suốt trong hệ thống quy tắc ứng xử của người Hà Nội. Ảnh: Linh Ngọc



- Trên thực tế, khi chưa có tiêu chí khung cho hệ thống quy tắc ứng xử, nhiều địa phương đã thực hiện mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh bằng nhiều cách khác nhau. Mặt khác, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đã và đang được triển khai rộng khắp cũng không nằm ngoài mục đích xây dựng những con người, những đơn vị văn hóa. Vì thế, việc đưa ra tiêu chí khung cho hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư thành phố Hà Nội liệu có bị trùng lắp, chồng lấn với các mô hình hiện có không, thưa ông?

- Về Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", hằng năm các làng, tổ dân phố đều tổ chức hội nghị nhân dân để thảo luận về các tiêu chí, sau đó mới tiến hành đăng ký. Nhiều địa phương vừa đăng ký theo những tiêu chí chung, vừa bổ sung rất nhiều tiêu chí riêng cho phù hợp với thực tế của địa phương mình, cho nên, khi bộ quy tắc ứng xử được triển khai thì chắc chắn các địa phương sẽ có sự điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Đối với mô hình xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh ở các địa phương, những quy tắc chung và riêng sẽ bổ sung, hỗ trợ cho nhau để làm nổi bật nét văn hóa đặc thù của người Hà Nội ở địa phương đó, chứ không có chuyện hệ quy tắc chung phủ định cái riêng và ngược lại. Sau khi Đề án được phê duyệt, Sở VH,TT&DL Hà Nội sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan nhằm xây dựng hướng dẫn thực hiện Đề án để các đơn vị, địa phương có căn cứ thực hiện. Có điều, những tiêu chí được xây dựng ở thời điểm hiện tại có thể sẽ không còn phù hợp với thực tiễn trong ít năm sau đó. Xác định rõ như vậy nên Ban soạn thảo đề án không đóng khung khái niệm hay tiêu chí mà luôn luôn có sự điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế cuộc sống.

- Đề án đặc biệt này sẽ được thực hiện ra sao, thưa ông?

- Hiện tại, dự thảo Đề án đã cơ bản hoàn thiện để trình các cơ quan chức năng phê duyệt, chậm nhất là vào ngày 31-10. Nếu được phê duyệt, Đề án sẽ được triển khai ngay, tất nhiên là sẽ thực hiện thí điểm trước khi nhân rộng. Dự kiến, với mỗi nhóm khách thể chúng tôi sẽ chọn một vài đơn vị, địa phương để triển khai, làm sao đó để đến tháng 6-2015 là có thể tổng hợp, đánh giá, rút kinh nghiệm bước đầu.

- Thưa ông, bộ quy tắc ứng xử sẽ áp dụng cho những người có hộ khẩu Hà Nội hay tất cả những người sinh sống, học tập và làm việc trên địa bàn thành phố Hà Nội?

- Tất nhiên là sẽ áp dụng cho tất cả những người đang sinh sống, học tập, lao động, công tác, du lịch có mặt trên địa bàn Hà Nội. Tất cả những gì Đề án hướng tới là xây dựng văn hóa, con người Hà Nội ngày càng thanh lịch, văn minh, xứng đáng với vị thế dẫn đầu cả nước về văn hóa. Bởi thế, chúng tôi kêu gọi mỗi tập thể, tổ chức, cá nhân hãy chung sức, chung lòng thực hiện mục tiêu nhân văn này.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Minh Ngọc thực hiện