Thu hồi tài sản tham nhũng: Quy định vừa thiếu vừa khó áp dụng

Chính trị - Ngày đăng : 06:29, 29/10/2014

(HNM) - Pháp luật Việt Nam về phòng ngừa tham nhũng tương đối toàn diện nhưng hiệu quả thực hiện không cao, thậm chí vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng đang là một thách thức.



Tại đây, nhiều diễn giả khẳng định, pháp luật Việt Nam về phòng ngừa tham nhũng tương đối toàn diện nhưng hiệu quả thực hiện không cao, thậm chí vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng đang là một thách thức.

Trong nhiều trường hợp, tiền có được nhờ tham nhũng “chảy” vào bất động sản. Ảnh:


Phòng ngừa hạn chế

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng khẳng định, chính sách PCTN của Việt Nam coi phòng ngừa là giải pháp quan trọng và lâu dài. Khuôn khổ pháp luật về phòng ngừa tham nhũng của Việt Nam tương đối toàn diện, tuy nhiên hiệu quả triển khai trong thực tế thời gian vừa qua còn nhiều hạn chế.

Thanh tra Chính phủ tạm phân chia mức độ hiệu quả của các giải pháp thành 3 nhóm: Nhóm phát huy tốt hiệu quả; nhóm có hiệu quả ở mức trung bình và nhóm còn nhiều hạn chế.

Riêng nhóm giải pháp còn nhiều hạn chế gồm có: Quy định về nộp lại quà tặng; trả lương qua tài khoản; minh bạch tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Đáng chú ý, còn rất nhiều bất cập như: Việc kê khai tài sản, thu nhập chỉ dựa vào ý thức tự giác của người có nghĩa vụ kê khai. Hầu hết bản kê khai chưa được kiểm tra, xác nhận, chưa giúp các cơ quan chức năng kiểm soát được những biến động về tài sản của người có chức vụ, quyền hạn. Trong việc tặng quà, nhận quà tặng và nộp lại quà tặng, tình trạng lợi dụng truyền thống văn hóa về tặng quà, cảm ơn, biếu xén, đưa hối lộ vì động cơ vụ lợi còn khá phổ biến. Quy định về việc nộp lại quà tặng còn chưa cụ thể, chưa nhất quán, hình thức và thiếu khả thi. Tương tự, việc trả lương qua tài khoản còn hình thức, phương thức thanh toán điện tử hạn chế dùng tiền mặt chưa phát huy tác dụng phòng ngừa tham nhũng, chưa giúp kiểm soát thu nhập, tiêu dùng cũng như chưa kiểm soát được thu nhập ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn. Bên cạnh đó, sự tham gia của người dân vào công tác PCTN chưa thực sự tích cực.

Thu hồi khó khăn

Theo báo cáo công tác PCTN năm 2014 của Chính phủ trình bày tại ngày khai mạc kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII, về kết quả thu hồi tài sản, số tiền thu hồi về ngân sách nhà nước là khoảng 1.500 tỷ đồng trên tổng số 6.740 tỷ đồng thiệt hại trong các vụ án tham nhũng, đạt tỷ lệ 22,3%. Nhiều đại biểu cho rằng đây là tỷ lệ quá thấp. Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thanh Tú, quy định về tội phạm tham nhũng theo pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành vẫn còn khoảng cách so với phạm vi điều chỉnh của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC), đặc biệt là chưa hình sự hóa các tội phạm tham nhũng trong khu vực tư nhân, chưa ưu tiên cao yêu cầu thu hồi tài sản. Pháp luật Việt Nam đã có quy định về mặt nguyên tắc thu hồi tài sản tham nhũng nhưng lại nằm rải rác ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau, thiếu quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục nên khó áp dụng trên thực tế.

Phó Vụ trưởng Vụ 1B (Viện KSND Tối cao) Trương Minh Mạnh cũng cho biết: "Trong các vụ án tội phạm về tham nhũng đã giải quyết, số tiền, tài sản bị thiệt hại, thất thoát hoặc bị chiếm đoạt rất lớn, song số tài sản mà các cơ quan chức năng thu hồi chiếm một tỷ lệ hạn chế. Số tiền, tài sản tòa án tuyên phạt các bị cáo phải bồi thường cũng rất lớn nhưng thực tế khả năng thi hành án, thu hồi số tiền này là không nhiều và phải thực hiện trong nhiều năm". Về việc thu hồi tài sản có nguồn gốc tham nhũng, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Ngô Mạnh Hùng khẳng định: "Đây là một việc khó khăn, bởi sau khi tham nhũng thì có thể họ đi kinh doanh, nói cách khác là đã rửa tiền thông qua các hoạt động kinh tế".

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng: "Tài sản bị đánh cắp do tham nhũng đang gây thất thoát nghiêm trọng đối với ngân sách nhà nước, nhất là trong lĩnh vực đầu tư công và quản lý phần vốn của nhà nước trong các doanh nghiệp. Trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, những kẻ tham nhũng cũng bớt xén cả phần thu nhập ít ỏi của người nghèo và những đối tượng yếu thế trong xã hội. Thực trạng đó đang đặt ra những thách thức trong việc thực hiện công bằng xã hội và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển".

Phong Thu