Băn khoăn độ tuổi cấp thẻ căn cước công dân
Chính trị - Ngày đăng : 16:37, 28/10/2014
Về tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật, các đạ biểu nhất trí, Luật quy định về căn cước công dân, cơ sở dữ liệu căn cước công dân, việc quản lý, sử dụng thẻ Căn cước công dân, quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Nhiều ý kiến nhất trí không quy định việc cấp thẻ Căn cước công dân đối với người không quốc tịch sinh sống tại Việt Nam.
Một số đại biểu đề nghị cân nhắc số lượng chữ số trong số định danh cá nhân để vừa bảo đảm yêu cầu quản lý, vừa tránh gây phiền hà, lãng phí cho công dân. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, số định danh cá nhân là số tự nhiên duy nhất cấp cho mỗi công dân, bảo đảm không trùng lặp ở mỗi công dân, phù hợp với quy mô phát triển dân số trước mắt và lâu dài, được xác định là mã số để kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khi cập nhật, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin về công dân; đồng thời cũng là mã số để công dân truy cập các cơ sở dữ liệu để kiểm tra, khai thác thông tin của mình trong giao dịch. Số chữ số của số định danh cá nhân phụ thuộc vào yêu cầu quản lý của cơ quan quản lý nhà nước, bảo đảm khoa học, đáp ứng yêu cầu phát triển. Do đó, nên giao Chính phủ quy định về cấu trúc số định danh cá nhân cho phù hợp với thực tiễn.
Về tuổi được cấp thẻ Căn cước công dân, hiện vẫn tồn tại hai luồng ý kiến trái ngược nhau. Có ý kiến nhất trí với quy định của dự thảo Luật về việc cấp thẻ Căn cước công dân ngay từ khi sinh ra và không cần cấp giấy khai sinh. Song, cũng có một số ý kiến đề nghị quy định cấp thẻ Căn cước công dân cho công dân từ đủ 14 tuổi trở lên để bảo đảm ổn định các thông tin nhân dạng của công dân đã được quy định trong Luật căn cước công dân; trẻ em chưa đủ 14 tuổi thì cấp giấy khai sinh như hiện nay.
Theo đại biểu Nguyễn Thanh Phương - Cần Thơ, cấp thẻ căn cước công dân cho người chưa đủ 14 tuổi là chưa thật sự cần thiết vì những thông tin quan trọng về nhận dạng của công dân chưa được thể hiện trên thẻ, dẫn đến lãng phí nguồn lực.
Trong khi đó, đại biểu Ngô Thị Minh - Quảng Ninh lại đồng tình với quy định mọi công dân có quốc tịch Việt Nam đều được cấp thẻ căn cước để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình mà không có sự phân biệt theo độ tuổi. Tuy nhiên, dù nhất trí với việc cấp thẻ cho trẻ em dưới 14 tuổi và đổi thẻ khi đủ 14 tuổi, đại biểu Minh đề nghị, thông tin của trẻ em phải được cập nhật đầy đủ, thường xuyên, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong giao dịch, giảm thủ tục hành chính, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước.
Các đại biểu cũng nhất trí việc giao Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện nơi làm thủ tục đăng ký khai sinh sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký khai sinh có trách nhiệm cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác định số định danh cá nhân và thực hiện quy trình cấp thẻ Căn cước cho công dân theo quy định.
Về thời hạn của thẻ Căn cước công dân, các đại biểu tán thành chỉ quy định độ tuổi phải đổi thẻ Căn cước công dân mà không quy định thời hạn theo năm sử dụng thẻ nhằm giảm số lần đổi thẻ, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính về quản lý căn cước công dân, theo đó quy định công dân từ 60 tuổi trở lên không phải đổi thẻ Căn cước công dân. Công dân chỉ phải làm thủ tục đổi thẻ Căn cước công dân khi thay đổi nơi thường trú cấp tỉnh để khắc phục việc công dân phải đổi thẻ nhiều lần, giảm phiền hà cho công dân.