Viettel quyết làm bùng nổ internet di động ở nước giàu
Công nghệ - Ngày đăng : 15:50, 28/10/2014
Tại Pêru, các mạng di động chủ yếu phủ sóng 3G ở các thành phố lớn và trung tâm tỉnh. |
Tại quốc gia này, dịch vụ di động 2G đã trải qua thời kỳ bùng nổ và tiến vào giai đoạn bão hoà nhưng người dân vẫn “khát”. Trước ngày khai trương Bitel (công ty con của Viettel tại Peru) gần một tháng, tại một điểm bán hàng ở tỉnh Puno, người dân Peru xếp thành những hàng dài để chờ đăng ký dịch vụ.
Đó là một ngày tháng 9/2014, khi Bitel bắt đầu bán hàng. Việc được tặng nhiều phút gọi hay nhắn tin không phải là điều tạo nên những hàng người dài chờ mua dịch vụ. Điểm khiến người dân ở tỉnh Puno (Pêru) phát sốt với mạng di động mới là internet di động. Tới 86% khách hàng của Bitel tại tỉnh này đang sử dụng internet di động, gấp gần 3 lần so với tỷ lệ trung bình tại Peru.
Tại quốc gia này, dù thị trường thông tin di động đang tiến tới ngưỡng bão hoà nhưng dịch vụ phổ biến chỉ là thoại và SMS. Những dịch vụ giá trị gia tăng cho người dùng rất nghèo nàn (tổng cộng chỉ có 25 dịch vụ) và internet di động - hạ tầng của làn sóng tương lai, chỉ được phủ ở các thành phố lớn. Với tỉnh Puno, Bitel là mạng di động đầu tiên đem đến cho người dùng cơ hội trải nghiệm internet di động với giá cả hợp lý.
Trước khi đầu tư vào Pêru, các thị trường nước ngoài mà Viettel đầu tư chủ yếu là các nước đang phát triển với mật độ người dân sử dụng điện thoại di động còn thấp. Với Pêru, câu chuyện hoàn toàn khác. Quốc gia này có GDP đầu người gấp 3 lần Việt Nam (6.600 USD/người), các quy trình vận hành và triển khai trong lĩnh vực viễn thông rất chuyên nghiệp... Các đối thủ của Viettel tại thị trường này là 2 ông kẹ của làng viễn thông thế giới.
Movistar – hãng viễn thông lớn nhất Peru với 55% thị phần, là thành viên của Tập đoàn viễn thông Telefonia đứng thứ 3 thế giới về thuê bao (250 triệu) và đứng thứ 5 về doanh thu; đang kinh doanh viễn thông tại 22 nước trong đó có 12 nước ở Mỹ La tinh. Năm 2013, doanh thu của Tập đoàn này là 76 tỷ đô la Mỹ.
Claro – thương hiệu viễn thông đứng thứ 2 với 40% thị phần, là thành viên của tập đoàn viễn thông American Movil do Clarlos Slim (người đã từng giữ vị trí giàu nhất thế giới) làm chủ. Tập đoàn này đứng thứ 5 thế giới về thuê bao (246 triệu tại 18 nước) và đứng thứ 9 về doanh thu trên thế giới.
Tuy nhiên, những người Việt Nam đến đây xây dựng mạng lưới và kinh doanh không nhìn vào độ hoành tráng của đối thủ, cũng như sự khó khăn của một thị trường di động đang tiến tới ngưỡng bão hoà mà nản lòng. “Người Viettel luôn nghĩ khác và cố gắng tìm kiếm cơ hội trong khó khăn. Và đó là lý do chúng tôi nhận ra mình có thể làm được gì với một thị trường có GDP cao hơn Việt Nam và độ chuyên nghiệp trong kinh doanh là rất tốt”, ông Hoàng Quốc Quyền - CEO Bitel chia sẻ.
Mặc dù thị trường di động Pêru đang tiến vào ngưỡng bão hoà nhưng đó là với các dịch vụ thoại và nhắn tin 2G. Với internet di động, xu hướng của tương lai, thì Peru mới bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển.
Cũng từ đó, Viettel đã đặt điểm khác biệt nổi bật của Bitel so với các đối thủ trước đó chính là data, là internet di động. Nhà mạng đến từ Việt Nam quyết tâm làm cuộc cách mạng về internet di động tại một quốc gia có giàu hơn, cạnh tranh hơn Việt Nam. Điều này cũng phù hợp với chiến lược của Viettel, luôn đem công nghệ tiên tiến nhất tới các thị trường mình đầu tư.
Tại Pêru, Bitel là mạng di động đầu tiên phủ sóng internet di động trên toàn quốc ngay từ khi mới khai trương. Cũng chính vì thế, người dân tại tỉnh Puno mới chịu khó xếp hàng dài tại cửa hàng của Bitel – một thương hiệu viễn thông mới xuất hiện trên thị trường, dù họ đã dùng điện thoại di động từ trước đó rất lâu.
“Bây giờ, người dùng có thể xem TV mà không cần TV, nghe nhạc không cần radio, gặp bạn bè mà không cần đi lại... chỉ với chiếc điện thoại di động được kết nối internet di động tốc độ cao. Hay nói cách khác internet di động là tương lai mới của viễn thông và chúng tôi tin rằng khi đáp ứng tốt nhu cầu đang bùng nổ này, Bitel sẽ có cơ hội rất lớn”, ông Hoàng Quốc Quyền, Tổng giám đốc Viettel Pêru (Bitel) chia sẻ.
“Cơn khát” internet di động tại quốc gia này là cơ hội cho công ty đến từ Việt Nam tạo ra sự thay đổi trong làng viễn thông Pêru. Tuy nhiên, liệu “cơn lốc internet di động” xuất phát từ Việt Nam có làm nên chuyện hay không thì cần thời gian mới có câu trả lời.