Suýt chết vì nhiễm trùng từ một vết xước nhỏ
Sức khỏe - Ngày đăng : 14:47, 28/10/2014
Bệnh nhi Nguyễn Văn Linh đang được bác sĩ chăm sóc tại bệnh viện |
Người nhà bệnh nhi cho biết, trẻ bị sốt cao đột ngột, được bệnh viện tuyến dưới chẩn đoán sốt do virus. Sau khoảng 3 ngày trẻ nổi ban ngứa, đau khớp háng, đau cơ trên khớp háng, sốt cao liên tục. Các bác sĩ nghĩ đến bệnh nhân bị ban dị ứng nên chuyển tiếp lên tuyến trên.
Bệnh nhân nhập Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) ngày 14/9 trong tình trạng sốt cao, rét run, mạch nhanh, hạ huyết áp, khó thở. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho hay, nghi ngờ bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết có biểu hiện sốc. Kết quả cấy máu cho thấy bệnh nhi bị nhiễm trùng máu do vi khuẩn tụ cầu, vi khuẩn từ da qua vết xước vào máu.
Trên cơ thể bệnh nhi có nhiều vết xước do gãi đã liền sẹo, đây là nơi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể gây nhiễm trùng máu. Bệnh diễn biến nặng với biểu hiện kháng thuốc, biến chứng phổi (tràn khí màng phổi)...
Bác sĩ Dũng cho biết, theo y văn thường chỉ gặp những vi khuẩn kháng thuốc mạnh chủ yếu trong bệnh viện, nhưng đây là ca đầu tiên nhiễm trùng huyết tụ cầu biến chứng tràn mủ, tràn khí màng phổi mà lại mắc từ nhà và vi trùng kháng thuốc nặng.
Với kinh nghiệm điều trị, các bác sĩ nhận định khả năng nhiễm khuẩn đường huyết vào từ da lớn nhất là tụ cầu vàng. Vì thế, không đợi kết quả cấy máu, các bác sĩ đã quyết định dùng kháng sinh theo kinh nghiệm, bởi chậm giờ nào, tình trạng bệnh nhân nguy hiểm thêm giờ ấy, do đã có biểu hiện sốc nhiễm khuẩn, tràn khí màng phổi làm bệnh nhân càng suy hô hấp, khó thở phải vào thở máy. Kết quả cấy máu sau đó cũng khẳng định chẩn đoán này, bệnh nhân nhiễm trùng máu do tụ cầu vàng.
Theo TS Dũng, với những trường hợp tụ cầu vàng kháng thuốc gây biến chứng nặng chữa không đơn giản. Với ca bệnh này, mắc từ cộng đồng mà bị tụ cầu kháng thuốc là một điều rất đáng cảnh báo cho tình trạng lạm dụng kháng sinh như hiện nay. Nếu cứ dùng thuốc kháng sinh bừa bãi thì không chỉ người thường xuyên dùng kháng sinh mà người ít dùng cũng bị ảnh hưởng.
“Những vết xước, tổn thương da tuy nhỏ nhưng đôi khi rất nguy hiểm. Bởi bình thường, vi khuẩn tụ cầu vàng cư trú trên da nhưng không gây bệnh. Nhưng nếu có các vết xước, mụn trên người, cơ thể có sức đề kháng yếu, vi khuẩn tụ cầu có thể xâm nhập và gây bệnh nhiễm trùng máu”, TS Dũng cảnh báo.
Theo khuyến cáo, khi có những vết xước, mụn nhọt trên cơ thể trẻ nhỏ người lớn không nên chủ quan, cần theo dõi nếu có biểu hiện sốt cần đưa đi khám và điều trị kịp thời. Có nhiều bệnh nhân tự khỏi nhưng cũng nhiều bệnh nhân giống như bệnh nhân nói trên từ da vào máu rất nhanh trong vòng có vài ba ngày, nhất là trẻ nhỏ.