Bỏ thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật ở cấp huyện, xã?

Chính trị - Ngày đăng : 10:02, 28/10/2014

(HNMO) – Sáng 28-10, Chính phủ đã trình Quốc hội Dự án Luật Ban hành văn bản pháp luật gồm 16 chương, 159 điều, tăng 4 chương, 64 điều so với Luật năm 2008.


Để thống nhất cách hiểu về văn bản pháp luật, dự án Luật quy định văn bản pháp luật là văn bản có chứa các quy định xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng nhiều lần đối với mọi cá nhân, tổ chức trong phạm vi cả nước hoặc địa giới hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước ban hành theo đúng thẩm qyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật và được Nhà nước đảm bảo thực hiện.

Về thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật, dự án Luật không quy định chỉ thị của UBND các cấp là văn bản pháp luật, không quy định về văn bản liên tịch để phù hợp với nguyên tắc phân công rành mạch về nhiệm vụ giữa các cơ quan nhà nước.

Dự án luật cũng không quy định thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước.

Về thẩm quyền của cấp huyện, xã, dự án Luật quy định 2 phương án: (1) Không quy định thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật của chính quyền cấp huyện, xã; (2) Quy định chính quyền cấp huyện, xã ban hành văn bản pháp luật để quy định những vấn đề được cấp trên giao và những vấn đề luật quy định thuộc thẩm quyền tự quản, tự chịu trách nhiệm của mình nhưng phải được chính quyền cấp trên trực tiếp phê duyệt.

Với đơn vị hành chính đặc biệt, dự Luật quy định thẩm quyền, hình thức, thủ tục, trình tự ban hành văn bản pháp luật được thực hiện theo Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.


Thẩm tra dự án Luật này, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật. Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng, để đề xuất các quy định mới trong dự thảo Luật có tính khả thi cao thì việc đánh giá các hạn chế, bất cập của các quy định hiện hành, đặc biệt, là phân tích nguyên nhân của các hạn chế, bất cập cần được cụ thể, sâu sắc hơn. Trong đó, cần phân biệt giữa hạn chế của các quy định pháp luật hiện hành và hạn chế do việc tổ chức thực hiện, để từ đó, đưa ra các kiến nghị trong dự thảo Luật chính xác hơn, phù hợp và khả thi hơn.

Đa số ý kiến thành viên Ủy ban pháp luật tán thành với những quan điểm chỉ đạo xây dựng Dự án Luật như nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị bổ sung quan điểm xây dựng Dự án Luật nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý để xác định và nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, góp phần khắc phục tình trạng chậm, nợ văn bản; chất lượng văn bản quy phạm pháp luật chưa cao; tình trạng gửi các dự án đến cơ quan thẩm tra, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội chưa đúng thời hạn; việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh giữa hai kỳ họp chưa thể hiện rõ trách nhiệm của cơ quan trình dự án trong việc phối hợp với cơ quan chủ trì nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý và giải trình…

Về thẩm quyền ban hành và hình thức văn bản pháp luật, một số ý kiến đề nghị giữ lại hình thức thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước; hình thức văn bản liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc giữa Chính phủ với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội được ban hành để hướng dẫn thi hành những vấn đề khi luật quy định về việc tổ chức chính trị - xã hội đó tham gia quản lý nhà nước; Không quy định việc giao Chính phủ ban hành Nghị định về những vấn đề cần thiết thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật, pháp lệnh nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội để phù hợp với quy định của Hiến pháp là đề cao quyền công dân, quyền con người và để bảo đảm thực hiện quy định của Hiến pháp là quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong một số trường hợp cần thiết.

Về văn bản của địa phương cấp huyện, cấp xã, nhiều ý kiến thành viên Ủy ban pháp luật tán thành với phương án 1, vì cho rằng thực tế những năm gần đây nhu cầu ban hành văn bản pháp luật của chính quyền cấp huyện, xã là không lớn, nếu có thì chủ yếu là sao chép lại văn bản của cơ quan cấp trên. 

H.Vân