Thật giả lẫn lộn
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:18, 28/10/2014
Nhãn mác vô tội vạ
Nhằm siết chặt việc quản lý sản xuất, kinh doanh và sơ chế rau, củ, quả và một số mặt hàng khô như nấm, mộc nhĩ, chè... Thanh tra Sở NN&PTNT đã tiến hành kiểm tra đột xuất các hệ thống siêu thị, điểm tập kết, sơ chế lớn trên địa bàn Hà Nội. Tại siêu thị Fivimart 170 - La Thành có nhiều loại quả được ghi nhãn mác "xuất xứ Mỹ" như táo Fuji, táo vàng size 72, táo xanh size 80; nho tươi... Siêu thị cũng đã treo "Giấy chứng nhận kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu", do Trạm kiểm dịch Nội Bài chứng nhận ngay trên gian hàng. Các loại rau ăn lá như bắp cải, su su, mồng tơi, rau muống, các loại củ, quả như khoai tây, su hào, cà rốt, cà chua, bí xanh, bí đỏ... có nguồn gốc từ nhiều khu vực như Đông Anh (Hà Nội), Mộc Châu (Sơn La), Tân Lạc (Hòa Bình)... Ông Lê Đức Toàn, quản lý siêu thị Fivimart cho biết, mặt hàng trái cây được công ty thành viên trong Tập đoàn TCT (đơn vị chủ quản của hệ thống siêu thị Fivimart) nhập khẩu trực tiếp về Việt Nam và được lưu trữ trong kho lạnh trước khi bày bán ở hệ thống siêu thị. Rau, củ và sản phẩm khô nhập trực tiếp từ các nhà phân phối trong nước, được ký kết thông qua hợp đồng mua bán có đủ các giấy tờ chứng nhận theo quy định pháp luật.
Đoàn Thanh tra niêm phong lô sản phẩm trà xanh tại siêu thị Le's mart (Hà Đông). |
Theo bà Bùi Thị Hà, ở phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa): "Vào siêu thị mua rau để được yên tâm hơn khi mua hàng rong ở ngoài, nhưng mấy ngày qua nghe tin rau quả Trung Quốc "tuồn" vào siêu thị, chúng tôi rất băn khoăn, nhưng không mua ở đây thì biết nơi nào đáng tin hơn". Rõ ràng, lòng tin của khách hàng hiện nay đặt rất nhiều vào hệ thống siêu thị, tuy nhiên nguồn gốc, chất lượng hàng hóa ở đây không phải lúc nào cũng có thể tin tưởng.
Tại siêu thị Fivimart, Đoàn Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội đã phát hiện hàng loạt mặt hàng sai nhãn mác, thiếu thông tin ghi trên sản phẩm. Điều đáng nói, một số thương hiệu được nhiều người tin dùng như "Chè xanh tuyết cổ thụ" không ghi xuất xứ hàng hóa, sản phẩm "Chè Hoa Sen", sai về nhãn hiệu; sản phẩm "Nụ vối" không ghi thông số chất lượng hàng hóa... Mặc dù, toàn bộ các mặt hàng nhập vào siêu thị được kiểm soát, đánh giá, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm trước khi chuyển ra hệ thống bán lẻ, tuy nhiên, ông Lê Đức Toàn cũng thừa nhận: "Việc sai nhãn mác, ghi thiếu thông tin hoặc liên quan đến chất lượng sản phẩm khó kiểm soát vì nhân viên siêu thị không có kiến thức cơ bản để kiểm soát vấn đề này".
Tiến hành kiểm tra tại siêu thị Le's mart Văn Quán (quận Hà Đông), Đoàn Thanh tra đã niêm phong, yêu cầu siêu thị gỡ xuống nhiều loại sản phẩm trà khô như trà xanh Thái Nguyên, trà Mộc Châu, trà Ô Long, trà Hoàng Mai... do ghi sai nhãn mác, không ghi chỉ số công bố chất lượng hàng hóa... Một thông tin đáng quan tâm với người tiêu dùng là tại siêu thị Le's mart Văn Quán, Đoàn Thanh tra đã phát hiện một sản phẩm trà xanh có thời hạn sử dụng đến 2 năm, khi mở bao bì không còn hương vị trà. Khi đại diện đoàn kiểm tra nhắc nhở: "Hạn sử dụng 2 năm là không phù hợp, thường sản phẩm trà xanh chỉ thời hạn sử dụng trong một năm là bảo đảm chất lượng", ông Đặng Xuân Toàn, quản lý siêu thị Le's mart, phân bua: "Thông tin nhãn mác là do nhà sản xuất đăng ký nhãn hiệu sản phẩm với cơ quan chức năng, vì thế phải kiểm tra từ khi sản phẩm được sản xuất, đóng gói trước khi đưa ra bày bán ở siêu thị". Ông Toàn cũng thừa nhận, nhân viên ở siêu thị cũng khó phát hiện điều này vì họ không được đào tạo cơ bản.
Lập lờ nguồn gốc, hạn sử dụng
Người tiêu dùng đang rất hoang mang khi hàng xuất xứ Trung Quốc "biến" thành hàng Việt Nam, hàng Mỹ; hàng trôi nổi ngoài chợ "biến" thành "hàng an toàn"... Thanh tra tại siêu thị Oceanmart (đường Phạm Ngọc Thạch), Đoàn Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội đã phát hiện lô táo nhãn hiệu "Táo Fuji" có xuất xứ từ Hàn Quốc, theo thời gian ghi trên chứng từ thì đã bày bán được 6 tháng. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, táo, lê thường có thời gian để tươi lâu hơn các loại quả khác. Tuy nhiên, trong thời gian 6 tháng thì đã quá thời hạn so với quy định. Điều này cho thấy, nhà sản xuất đã sử dụng các biện pháp như ủ thuốc để giữ quả tươi lâu hơn. Theo ông Nguyễn Trường Thành, nguyên cán bộ Viện Bảo vệ thực vật, thông thường một loại quả có từ 5 đến 7 chất bảo quản nhưng lại có tới hàng trăm dư lượng chất; vì thế nếu không có khả năng giám định tốt thì nguy cơ "bỏ lọt" chất nhiễm độc là rất cao. Một thông tin đáng lo ngại khác là hiện có đến 2.000 hoạt chất bảo vệ thực vật đang sử dụng trong bảo quản và trồng trọt nhưng ở Việt Nam chỉ kiểm nghiệm được khoảng 600 chất.
Trong khi đó, kiểm tra tại siêu thị Hiway Hà Đông, một siêu thị nằm ở trung tâm sầm uất, đoàn kiểm tra đã phát hiện nhiều mặt hàng rau, củ, quả có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Điều đáng nói là khi so sánh các giấy tờ liên quan thì nguồn gốc nhập khẩu khá mập mờ. Kiểm tra sổ sách nhập hàng cho thấy, hàng nông sản nguồn gốc Trung Quốc bày bán ở siêu thị Hiway lại được nhập từ các chợ đầu mối lớn trong nước như Bình Điền (TP Hồ Chí Minh), Long Biên (Hà Nội), một đơn vị cung cấp ở TP Lào Cai (Lào Cai), TP Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn)... Tại đây, đoàn kiểm tra cũng phát hiện nhiều chi tiết cho thấy sự dễ dãi trong việc ghi thông tin sản phẩm. Cụ thể, mặt hàng củ cải trắng được ghi tấm biển là nguồn gốc "xuất xứ Việt Nam", nhưng khi một thành viên Đoàn Thanh tra chất vấn thời điểm này Việt Nam không trồng được củ cải trắng và củ cải cũng không to như vậy, đại diện phía siêu thị đã thừa nhận hàng nhập từ Trung Quốc và nhân viên ghi... nhầm.
Theo Trưởng đoàn Kiểm tra chất lượng rau, củ, quả (Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội) Hoàng Hà, đoàn sẽ tiếp tục kiểm tra để làm rõ nguồn gốc xuất xứ cũng như chất lượng mỗi sản phẩm đang bày bán ở hệ thống siêu thị trên địa bàn. Toàn bộ các lô hàng có dấu hiệu bất thường sẽ được đoàn niêm phong, đưa đi kiểm nghiệm để có kết luận khách quan và chính xác nhất. Ở nơi sản xuất, đoàn sẽ tìm hiểu các tiêu chí trong quá trình sản xuất và đóng gói sản phẩm, nếu phát hiện sai phạm sẽ đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo pháp luật. Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội Phạm Khắc Diến thừa nhận, hiện nay thị trường rau, củ, quả trên địa bàn Hà Nội khá lộn xộn, rất khó quản lý. Thị trường Hà Nội đang tồn tại tới 27 loại trái cây Trung Quốc, các loại bao bì, nhãn mác bị một số tiểu thương hám lợi cắt bỏ tìm cách dán tem nhãn ngoại nhằm trà trộn, thay đổi xuất xứ “biến” trái cây Trung Quốc thành táo Mỹ, nho Mỹ, cam Thái Lan, táo New Zealand, thậm chí "đội lốt" thành trái cây đặc sản của Việt Nam để lừa người tiêu dùng. Cơ quan chức năng rất khó quản lý hay kiểm soát.