Tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm

Đời sống - Ngày đăng : 06:15, 28/10/2014

(HNM) -



Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng tình với chủ trương này, với điều kiện làm rõ cơ chế quản lý, bảo đảm nguyên tắc độc lập trong xét xử. Ngoài ra, án oan sai phải giảm.

Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Đinh Xuân Thảo phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Ảnh: TTXVN


Nhắc lại chuyện tại phiên chất vấn Chánh án TAND Tối cao trong kỳ họp QH trước, chuyện án oan đã làm "nóng" nghị trường. Sau phiên chất vấn, QH đã phải ra nghị quyết yêu cầu nâng cao chất lượng xét xử ở tất cả các cấp, ĐB Trần Tiến Dũng (Đoàn Hà Tĩnh), Trần Hồng Hà (Đoàn Vĩnh Phúc), Bùi Mạnh Hùng (Đoàn Bình Phước) khẳng định, bên cạnh việc tạo điều kiện để hệ thống tòa án hoạt động hiệu quả, phải thiết lập cơ chế bảo đảm hạn chế án oan sai, phán quyết của tòa án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật ngay trong dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Đây là việc rất cấp thiết vì theo chính báo cáo của Chánh án TAND Tối cao về "Việc thực hiện lời hứa trước QH" vừa gửi ĐBQH đã cho thấy, từ đầu nhiệm kỳ QH khóa XIII đến nay có 102 trường hợp có đơn kêu oan xét xử với mức phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình, 55 đơn đã được xem xét kết luận. Về cơ bản hầu hết được xét xử đúng người, đúng tội, đồng thời không bỏ lọt tội phạm. Song cũng có 3 trường hợp phải giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm do có vi phạm thủ tục tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án. Với 47 đơn còn lại, có 13 trường hợp kêu oan, cần tiếp tục theo dõi diễn biến chặt chẽ.

Cùng quan tâm đến công tác xét xử, các ý kiến phát biểu đề nghị bổ sung chi tiết trình tự, thủ tục tiếp nhận đơn thư của TAND các cấp để bảo đảm quyền lợi của những người có liên quan; bổ sung các thủ tục đặc biệt, nhanh gọn của TAND Tối cao khi tiếp nhận các tình tiết mới trong các vụ án đã xét xử để có thể có những phản ứng nhanh hơn, giảm án oan sai. Đáng lưu ý, ĐB Phạm Hồng Phong (Đoàn Hậu Giang) cho rằng, TAND Tối cao quản lý hệ thống tòa án về tổ chức, hệ thống các cơ quan xét xử cũng phải có thẩm quyền chủ trì phối hợp với Viện Kiểm sát xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ một cách độc lập nếu thấy cần thiết. Nhưng để phù hợp với tinh thần Kết luận số 92-KL/TƯ của Bộ Chính trị, đó là "Xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ giữa các cơ quan trong việc thực hiện các hoạt động tư pháp", ĐB Phạm Hồng Phong đề nghị cần phải tăng cường hơn nữa công tác giám sát, trách nhiệm phối hợp của Viện Kiểm sát khi thực hiện yêu cầu của tòa án. Có như vậy mới tạo điều kiện tòa án đưa ra phán quyết đúng pháp luật, tránh oan sai và bỏ lọt tội phạm; chủ động thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; không bị phụ thuộc vào kết quả điều tra trước đó do cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát thực hiện.

Về hệ thống tổ chức TAND, một số ĐBQH cũng cho rằng, từ nhiều năm nay, TAND cấp huyện đã được tăng cường hơn về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, tăng thẩm quyền giải quyết hầu hết các loại vụ việc, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Thực tiễn tổ chức và hoạt động của TAND cấp huyện cho thấy việc tiếp tục giữ mô hình tổ chức hiện nay bảo đảm sự ổn định, thuận lợi cho người dân khi có công việc cần giải quyết tại tòa án; đồng thời không làm phát sinh nhu cầu lớn về đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất như phương án thành lập TAND sơ thẩm khu vực. Vì vậy, các ĐBQH đề nghị giữ nguyên mô hình tổ chức TAND cấp huyện như quy định của luật hiện hành. Như vậy, hệ thống TAND sẽ vẫn gồm TAND Tối cao, TAND cấp cao, Tòa án tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ, TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương, các Tòa án quân sự.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh):
Tránh xét xử trên "mâm cỗ đã dọn sẵn"

Việc sửa quy định về thẩm quyền của tòa án trong quá trình điều tra, xét xử vụ án hình sự là cần thiết, để tránh thực tế xét xử trên "mâm cỗ đã dọn sẵn" của các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan điều tra trước đó… Tôi đề nghị trong quá trình giải quyết vụ án, nếu thấy chưa đủ chứng cứ buộc tội thì không nên áp dụng khái niệm trả hồ sơ, mà tòa án yêu cầu cung cấp, bổ sung chứng cứ. Quan trọng nhất là tòa án chủ trì việc xác minh, thu thập chứng cứ.

ĐB Đặng Công Lý (Đoàn Bình Định):
Phân biệt rõ thẩm phán tối cao với các thẩm phán khác

Theo đề xuất, nhiệm kỳ đầu của thẩm phán là 5 năm, nếu được bổ nhiệm tiếp thì nhiệm kỳ là 10 năm. Quy định này không phân biệt thẩm phán tối cao với các thẩm phán khác. Trong khi đó, trên thực tế thẩm phán TAND Tối cao là ngạch thẩm phán đặc biệt với những tiêu chuẩn, điều kiện để bổ nhiệm rất khắt khe; uy tín của họ được thể hiện và ghi nhận qua vài chục năm công tác. Tôi đề nghị, riêng thẩm phán TAND Tối cao được bổ nhiệm không kỳ hạn cho đến khi nghỉ hưu.

Hà Phong