Bỏ quên... nông dân?
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:54, 28/10/2014
Với một bộ phận trong giới chuyên môn, có thể câu chuyện trên không có gì lạ lẫm. Song, với rất nhiều người đó thực sự là một thông tin gây sốc. Lâu nay chúng ta vẫn tự hào là đứng trong top 3 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới - cùng với Ấn Độ và Thái Lan. Không ít người còn tỏ ra rất hào hứng khi Việt Nam bỏ xa Thái Lan, thậm chí có lúc còn vượt qua cả Ấn Độ để trở thành "cường quốc" xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới (về số lượng). Thế nhưng, lâu nay trong lĩnh vực xuất khẩu gạo - tương tự là một số ngành hàng khác như dệt may, điện tử... - vẫn tồn tại một nghịch lý, đó là mặc dù "hoành tráng" về số lượng xuất khẩu nhưng giá trị kim ngạch - gọi cho đúng là lợi ích mang về - lại rất khiêm tốn.
Nguyên nhân chủ yếu vẫn là khâu chất lượng. Chẳng hạn cùng một chủng loại gạo thơm nhưng gạo Hom Mali của Thái Lan có giá bán 1.025USD/tấn, còn gạo thơm 5% tấm của Việt Nam chỉ bán được 625USD/tấn. Ngoài chất lượng thấp hơn, gạo - cũng như nhiều loại sản phẩm hàng hóa khác của Việt Nam, còn yếu về thương hiệu và công nghệ...
Trong lúc còn đau đầu tìm cách khắc phục nghịch lý số lượng lớn - kim ngạch thấp thì nhiều người lại ngỡ ngàng khi vỡ lẽ chính sách xuất khẩu gạo của chúng ta lâu nay không những không mang lại nhiều lợi ích cho nông dân Việt Nam - những người quanh năm "một nắng hai sương" làm ra hạt gạo - mà còn vô hình trung làm lợi cho người tiêu dùng... ở nước ngoài như Trung Quốc (thị trường chiếm ½ số lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam), Philippines hay các nước Châu Phi... Tuy nhiên, đó lại là thực tế đang diễn ra. Với giá xuất khẩu thấp hơn giá bán tại nội địa thì rõ ràng chính sách trợ cấp xuất khẩu gạo hiện nay không mang lại nhiều lợi ích cho nông dân và người tiêu dùng trong nước. Theo các chuyên gia phân tích, sản xuất gạo hiện nay được hỗ trợ nhiều từ hệ thống đường sá, thủy lợi - được đầu tư từ nguồn ngân sách, tức là từ tiền đóng thuế của dân - nhưng khi xuất khẩu ra nước ngoài lại không thu về được các khoản hỗ trợ này, do giá bán gạo của Việt Nam luôn có xu hướng thấp để cạnh tranh nên đã không tính hết chi phí sản xuất, không tính khấu hao hệ thống thủy lợi, đường sá... Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ gạo trong nước đang phải chịu thuế GTGT là 5%, trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu không phải nộp, cũng là một lý do khiến giá gạo trong nước cao hơn giá gạo xuất khẩu; đồng thời tạo ra tình trạng bất bình đẳng.
Thực tế trên cho thấy dường như lâu nay các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp ít quan tâm đến chính sách phát triển dài hạn, bền vững và nhất là lợi ích của người nông dân. Thậm chí các chuyên gia còn cho rằng vị trí nhất - nhì chưa chắc mang lại sự giàu có, sung túc mà nhiều khi chỉ là một cái bẫy mang lại nhiều ảo tưởng và rủi ro. Do vậy, để chấm dứt tình trạng"người đóng thuế Việt Nam đang trợ cấp cho người tiêu dùng nước ngoài khi mua gạo Việt Nam", các cơ quan chức năng cần xem xét, chấm dứt mô hình tăng trưởng bề rộng để đi vào chiều sâu, đặc biệt là cải tổ lại sản xuất cũng như các chiến lược kinh tế và chính sách hỗ trợ cho sản xuất và xuất khẩu lúa gạo.