ATM cho rút tiền “nhỏ giọt” để tính phí?

Tài chính - Ngày đăng : 14:21, 27/10/2014

(HNMO) - Từ ngày 12/12, ngân hàng để máy giao dịch tự động (ATM) hết tiền và không đáp ứng được nhu cầu rút tiền của khách hàng sẽ bị phạt lên đến 15 triệu đồng. Quy định này đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của người dân.


Chính phủ vừa ban hành Nghị định 96 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Theo đó, từ ngày 12/12, ngân hàng nào để máy ATM hết tiền và không đáp ứng được nhu cầu rút tiền của khách hàng sẽ bị phạt lên đến 15 triệu đồng.

(Ảnh minh họa, nguồn: Internet)


Xử phạt, chất lượng dịch vụ mới cải thiện

Bên cạnh đó, cũng theo quy định tại Nghị định 96, nếu ngân hàng lắp đặt, thay đổi địa điểm, chấm dứt hoạt động của máy ATM không đúng quy định; đặt máy tại nơi có hệ thống điện không đáp ứng quy định để máy ATM nuốt thẻ của khách hàng khi mất điện đột ngột; không đảm bảo thời gian phục vụ khách hàng của hệ thống máy ATM; để máy ATM ngừng hoạt động 24 giờ không thông báo… sẽ bị phạt 10-15 triệu đồng.

Có thể nói, quy định trên đã nhận được sự đồng tình của người dân. Chị Nguyễn Thanh Hoa (ở phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, chị đang sở hữu 2 thẻ ATM, một của ngân hàng thương mại quốc doanh và 1 của ngân hàng thương mại cổ phần. Không thể phủ nhận việc tiện ích khi dùng thẻ ATM nhưng đôi lúc chị cũng gặp chuyện bực mình với dịch vụ này, đặc biệt khi mà vào ngày cuối tuần các máy ATM thường hết tiền khiến người sử dụng khó khăn khi đi rút tiền, có lần chị phải đi 3-4 điểm mới rút được tiền. Vì vậy, chị rất vui khi có quy định trên.

Còn chị Nguyễn Thị Hiền (ở đường Giải Phóng, Hà Nội) cho hay, việc quy định xử phạt trên là cần thiết. Nếu thực hiện được các quy định trên thì chất lượng dịch vụ mới có thể cải thiện. Còn không, các nhà băng cứ “ra rả” nâng cao chất phục vụ nhưng trên thực tế đâu vẫn vào đấy. Để giao dịch, thanh toán qua ATM, chủ thẻ phải chịu một loạt phí như:  phí phát hành thẻ lần đầu, phí duy trì, phí rút tiền tại ATM, chuyển khoản nội mạng, ngoại mạng, in sao kê... Chủ thẻ phải mất một loạt phí như vậy nhưng dịch vụ ATM lại không đảm bảo, lúc người dân cần rút thì máy lại hết tiền hoặc chỉ được rút “nhỏ giọt”.

Liên quan đến rút tiền “nhỏ giọt” tại ATM, một chủ thẻ ATM Vietinbank bức xúc, hiện nay hạn mức tối đa khách hàng được rút là 5.000.000 đồng/lần. Tuy nhiên, không mấy khi anh rút được số tiền trên mà chỉ rút được 3.000.000 đồng, thậm chí có lần là 1.500.000 đồng/giao dịch. Trong khi đó, mỗi giao dịch rút tiền khách hàng phải chịu phí 1.100 đồng. Vậy, câu hỏi đặt là liệu có trường hợp ngân hàng cố tình để ATM ít tiền khiến khách hàng phải rút “nhỏ giọt” để tính phí hay không?!. Chủ thẻ này đề xuất nên phạt cả những ngân hàng làm như vậy nếu có.

Cần giám sát chặt chẽ


Một chủ thẻ khác lại cho rằng, quy định phạt 10-15 triệu đồng nếu ngân hàng để ATM hết tiền là quá nhẹ, bởi với mức phạt mức trên thì lo rằng sẽ vẫn không tránh khỏi tình trạng ATM hết  tiền. Ngoài ra, quy định là như vậy nhưng việc thực hiện có triệt để hay không thì cần phải giám sát chặt chẽ.

Được biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2011-2015 với mục tiêu: đến cuối năm 2015, tỷ lệ tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 11%; đến cuối năm 2015, tăng mạnh số người dân được tiếp cận các dịch vụ thanh toán, nâng tỷ lệ người dân có tài khoản tại ngân hàng lên mức 35-40% dân số;…

Tính đến cuối năm 2013, tại Việt Nam, tổng số lượng thẻ phát hành của 50 ngân hàng đã đạt hơn 66,2 triệu thẻ, tăng hơn 20% so với 2012, trong đó thẻ ghi nợ chiếm 92,3%, thẻ tín dụng 3,67% và thẻ trả trước 4,03%; có khoảng 15.300 máy ATM và gần 130.000 điểm chấp nhận thanh toán thẻ (POS) đã được lắp đặt.

Thực tế cho thấy, thẻ ngân hàng đã mang lại nhiều tiện tích cho người dùng như: thanh toán tiền hàng hóa dịch vụ tại POS, chuyển khoản, trả phí các dịch vụ như tiền điện, tiền nước, điện thoại, internet…Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để người dân mặn mà với việc không dùng tiền mặt thì các ngân hàng cần bảo đảm chất lượng dịch vụ cũng như tăng thêm tiện ích của dịch vụ.

Hương Thủy