Cách học môn xã hội hiệu quả nhất?

Xã hội - Ngày đăng : 06:47, 26/10/2014

So với các môn khoa học tự nhiên, môn xã hội thường khiến học sinh (HS) lo lắng vì lượng kiến thức phải học thuộc khá nhiều. Đối với những HS không chăm chỉ, ít tập trung nghe giảng thì học môn xã hội càng vất vả. Các em hãy cùng lắng nghe những "bí kíp" từ các bạn, thầy cô để học môn xã hội hiệu quả nhất nhé.

Em Hoàng Văn Nam (HS lớp 7A1, Trường THCS Ái Mộ):

- Đối với các bạn nam thì học môn xã hội quả thật là vất vả, em thấy rất hiếm bạn nam học giỏi văn, sử, địa, giáo dục công dân... Nguyên nhân là chúng em rất ngại phải học thuộc lượng kiến thức lại khá trừu tượng, đòi hỏi phải tập trung nghe giảng, biết cách liên tưởng và sáng tạo. Kiến thức môn xã hội cũng đa dạng, phong phú cần phải đọc sách và phải dành nhiều thời gian hơn các môn khác. Mỗi lần thi môn xã hội, em rất lo vì phải cố nhớ hết lượng kiến thức đồ sộ của các môn này. Nhưng bây giờ em nắm được "bí kíp" là học theo các ý chính, những định nghĩa cơ bản quan trọng, những điểm cần lưu ý của mỗi bài học nên cũng khá hiệu quả.

Em Nguyễn Mỹ Linh (HS lớp 9C2 Trường THCS Đoàn Thị Điểm):

- Theo em, để học tốt các môn xã hội, bên cạnh việc tập trung, chăm chỉ, các bạn phải thực sự đam mê, ham thích tìm hiểu những kiến thức hay và bổ ích do môn học đem lại. Để tránh việc học nhồi nhét, em tập cách học kiên trì, học xong bài hôm nào thì về nhà phải học lại để nắm vững kiến thức. Muốn học tốt những môn xã hội không nên chỉ chăm chỉ học trong sách giáo khoa mà còn phải đào sâu, đọc thêm nhiều sách tham khảo, đọc truyện, xem sách, báo, ti vi, những bộ phim tài liệu lịch sử, bởi nhiều đề thi môn xã hội có thêm phần "tự luận" để HS liên hệ với kiến thức cuộc sống.

Cô Nguyễn Thị Thúy (Giáo viên dạy văn, sử, Trường THCS Ngọc Lâm):

- Để học tốt những môn học xã hội này không có gì khó các em HS nhé, chỉ cần chúng ta có phương pháp và cách thức học phù hợp. Đầu tiên, các em cần phải biết cách lập dàn ý những kiến thức trong bài học. Trên cơ sở kiến thức bài học được lĩnh hội trên lớp, HS cần tham khảo thêm tư liệu để hoàn chỉnh khối kiến thức bài học. Ở trên lớp, các em cần ghi chép đầy đủ, tập trung nghe giảng để thực hiện khả năng ghi nhớ kiến thức bài học lần thứ nhất. Khi về nhà lại tiến hành đọc để khắc sâu kiến thức.

Cuối tuần, các em có thể dành thời gian lên đề cương các bài học thành một dàn ý. Tốt nhất nên tránh cách học máy móc, học vẹt, học tủ mà cần có các ghi nhớ theo cách hệ thống hóa các chương, mục, rồi mới phân tích các nội dung chi tiết, các ý chính... Trên cơ sở những ý chính đó, các em tự trình bày vấn đề bằng ngôn ngữ của chính mình, tránh cách học "vẹt", sao chép y nguyên trong sách vở. Việc này sẽ giúp tiết kiệm thời gian và nhớ lâu hơn những kiến thức đã học. Để làm tốt những câu hỏi mở rộng, tự luận, HS cũng nên chú ý tìm hiểu thêm những kiến thức đời sống xã hội.

Thanh Phong