“Panorama” - lời cổ vũ sáng tạo từ điện ảnh thế giới

Văn hóa - Ngày đăng : 06:38, 26/10/2014

(HNM) - Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần III sẽ diễn ra tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 23 đến 27-11, tiếp tục hiện thực hóa khát vọng tạo nên một sân chơi điện ảnh tầm cỡ khu vực, quốc tế mang thương hiệu



Một trong những hoạt động trong khuôn khổ liên hoan mang lại lợi ích thiết thực cho công chúng và nền điện ảnh trong nước là chương trình "Panorama" với mục tiêu giới thiệu những tác phẩm đặc sắc của Điện ảnh thế giới ngày nay.

Bộ phim Lauriana của Philippines tham dự LHP quốc tế Hà Nội diễn ra từ ngày 23 đến 27-11. Ảnh: BTC


Một thế giới của tư duy sáng tạo

"Điện ảnh không tạo nên ấn tượng bằng việc nó đến từ các quốc gia lớn hay nhỏ mà bằng khả năng sáng tạo mạnh mẽ của người làm nghệ thuật" - đó là chia sẻ đầu tiên của nhà biên kịch, nhà phê bình điện ảnh Lưu Nghiệp Quỳnh khi ông nói về việc tuyển chọn phim cho chương trình Panorama - Điện ảnh thế giới ngày nay.

Dự kiến có khoảng 30 - 40 phim tiêu biểu của các nền điện ảnh thế giới như Singapore, Indonesia, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Anh, Pháp, Trung Quốc, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ… sẽ được chiếu dịp này. Đặc biệt, chương trình Tiêu điểm điện ảnh sẽ đi sâu giới thiệu với khán giả 6 bộ phim mới của điện ảnh Philippines. Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan khẳng định, qua chương trình tiêu điểm điện ảnh này, các nghệ sĩ trong nước có thể hiểu thêm về dòng phim độc lập của nước bạn, trong đó có nhiều vấn đề, quan điểm khác với lối nghĩ thường thấy ở Việt Nam. Dịp này, người làm nghề cũng như khán giả yêu điện ảnh cũng có cơ hội tiếp cận phim ngắn chọn lọc của một số nền điện ảnh thế giới, phim tài liệu dài chọn lọc của Indonesia, Hàn Quốc…

Nói riêng về phim truyện trong chương trình Panorama, nhà phê bình Lưu Nghiệp Quỳnh, người tham gia tuyển chọn phim cho chương trình, chia sẻ với Hànộimới: Tính đa dạng của phim, những cách tân trong điện ảnh là ấn tượng đầu tiên từ những bộ phim tham gia chương trình Panorama năm nay. Có thể kể đến phim của Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Pháp, Anh, Srilanka… Philippines mang đến nhiều phim nhưng mỗi phim lại có góc nhìn rất riêng về cuộc sống khiến người xem không có cảm giác bị trùng lặp. Phim của Pháp, Anh vẫn khẳng định được vị trí của những cường quốc điện ảnh. Và đáng chú ý hơn, năm nay điện ảnh Iran tiếp tục có những tác phẩm mang đến sự bất ngờ cho khán giả như phim "Những con cá và những con mèo". Bất ngờ vì đề tài gần gũi, làm phim không mất nhiều tiền nhưng cách giải quyết của câu chuyện lại sâu sắc, thú vị.

Rồi Srilanka, một đất nước không lớn và nền điện ảnh cũng chưa mạnh, nhưng các nghệ sĩ đã không ngần ngại tiếp cận mọi vấn đề của đời sống, bằng việc chuyển thể các tác phẩm văn học lớn. Ví dụ như phim "Sống với anh và sống thiếu anh" dựa trên truyện ngắn của nhà văn Nga Dostoevsky; hay một phim khác chuyển thể một tiểu thuyết của Kafka - một nhà văn người Tiệp, gốc Do Thái nhưng có ảnh hưởng trên toàn thế giới.

Lại nghĩ về phim nghệ thuật và triết lý ra rạp

Quả thật, sân chơi Panorama với cuộc trình diễn của những phim đặc sắc thuộc những nền điện ảnh đa dạng thế giới, bản thân nó đã là một trải nghiệm ý nghĩa đối với người làm nghề. Không phải xem để "copy" cách làm, mà xem để tìm cảm hứng về sự sáng tạo. Đúng như nhà phê bình Lưu Nghiệp Quỳnh chia sẻ: "Sức tưởng tượng và năng lực sáng tạo mạnh mẽ của các nghệ sĩ là điều mà chúng ta phải học hỏi".

Để chuẩn bị cho hoạt động chiếu phim này của Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ III, những ngày qua nhà sưu tập phim hàng đầu của Việt Nam nói trên đã phải xem phim với cường độ "không giống ai". Xem để cùng với truyền thông giúp công chúng tiếp cận tác phẩm một cách sâu sắc, bởi lẽ đa phần phim chiếu ở chương trình Panorama không phải dạng dễ thưởng thức. Nhiều phim thách thức cả các đạo diễn Việt Nam như một bộ phim của Thổ Nhĩ Kỳ (chiếu tại Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ II), khi tiếng súng trong hồi kết của phim đã vang lên mà tất cả vẫn còn ngơ ngác… Không ít phim của các nền điện ảnh mang nặng những yếu tố văn hóa của dân tộc mình và chỉ sau khi nắm được "chìa khóa" này người xem mới cảm thấy bất ngờ, thích thú… Nói như nhà phát hành phim người Pháp gốc Việt Trần Bích Quân, đối với những tác phẩm điện ảnh nhiều yếu tố nghệ thuật, thì sự giới thiệu cũng như những giải thích cơ bản về bộ phim là rất quan trọng để giúp khán giả, nhất là khán giả nước ngoài vượt qua được rào cản văn hóa, tiếp cận bộ phim một cách sâu sắc.

Như vậy để thấy, điện ảnh ở đâu cũng vậy, luôn là sự thỏa mãn những khát khao sáng tạo của nghệ sĩ, lại cũng là sự mong mỏi tìm kiếm và “đào tạo” ra những khán giả đồng cảm với thế giới nghệ thuật của mình. Đến đây, lại liên tưởng đến câu chuyện làm phim trong nước. Người nghệ sĩ sẽ theo đuổi những ý tưởng riêng có của mình và chấp nhận sự quay lưng của khán giả, hay cứ áp dụng công thức ra rạp hiện nay là dàn diễn viên nhiều "sao", nội dung pha trộn chút hài, chút tâm lý, chút hành động cộng với quảng bá mạnh, không cần quá nhiều băn khoăn về nghệ thuật diễn xuất…?. Rồi thì những phim đầu tư nghiêm túc, nội dung có thể hấp dẫn người xem nhưng không có tiền cho quảng bá thì có dám ra rạp?. Công chúng điện ảnh nếu chỉ có những "teen teen" thích "giai xinh gái đẹp" trên màn ảnh hơn là thưởng thức nghệ thuật thì ai sẽ cổ vũ cho những khuôn hình nhiều tìm tòi của người nghệ sĩ?

Không biết có phải vì tình thế rất khó trả lời này mà các nhà làm phim của ta hiện đang chia thành mấy dòng, như dòng chuyên làm phim chiếu rạp, dòng đặt hàng nhà nước, dòng chuyên đi thi đấu ở nước ngoài…?. Cũng không nhiều tác phẩm xóa đi được ấn tượng về ranh giới phân chia ấy để làm được việc quan trọng là tôn vinh điện ảnh Việt.

Trở lại với chương trình Panorama, những bộ phim tiêu biểu của các nền điện ảnh thế giới nêu trên chắc chắn nó không phải là vô nghĩa đối với những người làm nghề. Bởi phải chăng dòng nào thì dòng, một khi nghệ thuật có một điểm chung lớn nhất là không thể lười sáng tạo?!

Thi Thi