Triển khai tốt các chủ trương, chính sách mới tạo được đà cho sản xuất phát triển

Xã hội - Ngày đăng : 05:55, 26/10/2014

(HNM) - Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế là những tín hiệu đáng mừng của nền kinh tế trong ba quý của năm 2014.



Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang loay hoay ở vùng đáy; tổng cầu yếu, hàng tồn kho nhiều và có xu hướng tăng; nợ xấu chưa được giải quyết hiệu quả; tín dụng tăng trưởng thấp và nhiều DN vẫn rất khó khăn, tốc độ phục hồi chậm.

Xung quanh các vấn đề này, Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa Việt Nam.

Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm.


Kinh tế phục hồi chậm

- Thưa ông, cùng với việc triển khai các chính sách hỗ trợ DN của Chính phủ, nền kinh tế Việt Nam hiện đang có dấu hiệu hồi phục. Ông có nhận định như thế nào về vấn đề này?

- Nhìn chung từ đầu năm đến nay chúng ta đã đạt được một số kết quả nhất định. Trước hết, đó là việc sắp xếp ngân hàng yếu kém bắt đầu có kết quả mà đặc biệt là các ngân hàng thuộc loại yếu đã cơ bản tránh được đổ vỡ; lãi suất đã bám sát lạm phát và liên tục giảm; thị trường vàng, tỷ giá ngoại hối ổn định; cung cầu ngoại tệ tốt, dự trữ tăng lên. Các địa phương, các ngành đã cụ thể hóa hơn những đề án của mình. Một số địa phương, DN bước đầu tập trung xây dựng mô hình quản trị hiện đại. Cùng với đó, việc điều hành một số giá hàng hóa đã thực hiện theo nguyên tắc kinh tế thị trường; thị trường tiêu thụ hàng hóa hướng vào trong nước tốt hơn; xuất nhập khẩu tăng, cán cân thanh toán tiếp tục được cải thiện. Các chính sách hỗ trợ thuế cho DN đã phát huy tác dụng…

- Mặc dù vậy, DN vẫn còn không ít những thách thức cần phải vượt qua trong năm nay?

- Năm nay, ba vấn đề là hàng tồn kho, nợ xấu cao, bất động sản đóng băng tiếp tục làm ách tắc các hoạt động của nền kinh tế, đặc biệt là sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và khả năng phát triển của DN. Các giải pháp đưa ra vẫn chỉ mang tính tình thế. Trong khi đó, những vấn đề nền tảng như nợ xấu, sắp xếp hệ thống ngân hàng… chưa có chuyển biến rõ nét. Việc triển khai tái cơ cấu ngân hàng nói chung vẫn chậm. Nợ xấu tăng, việc xử lý mua bán nợ chưa được bao nhiêu. Tăng trưởng tín dụng thấp, DN còn rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn. Thị trường bất động sản mới có chuyển biến về mặt chủ trương, chính sách chứ chưa được như mong muốn. Ví dụ, gói kích cầu 30 nghìn tỷ đồng mới giải ngân được khoảng 10%, còn tắc về cách giải quyết sản phẩm hàng hóa. Thêm vào đó là rào cản về thủ tục hành chính, điều kiện vay, diện tích, giá thành khiến cho thị trường chưa thể trở lại bình thường.

- Ông đánh giá thế nào về khả năng hấp thụ vốn, giải quyết hàng tồn kho của DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa?

- Thị trường hiện nay sức mua còn yếu, tổng cầu không tăng nên hàng hóa ứ đọng chưa được giải quyết triệt để khiến tồn kho tăng. Một số DN sức khôi phục chưa nhanh. DN còn nhiều khó khăn trong sản xuất, đặc biệt là DN nhỏ và vừa. DN giải thể và phá sản tăng, sản xuất không “bứt” lên được, khả năng hấp thụ, sử dụng vốn thấp. Sức cạnh tranh của hàng Việt chưa được nâng lên tầm khu vực và thế giới. Việc sắp xếp và cổ phần hóa DN nhà nước còn rất chậm so với yêu cầu, năng suất lao động thấp. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính vẫn rất phiền hà. Các chính sách và các giải pháp của Chính phủ đặt ra cũng chỉ triển khai được mức độ nhất định, chưa cụ thể hóa nhanh nên nhiều việc đường lối đề ra rất đúng nhưng hoạt động lại không tương xứng.

- Việc thực hiện các chủ trương chính sách của Nhà nước nhiều khi bị vướng mắc ở các cấp cơ sở. Ông có thể nhận xét về công tác kiểm tra, kiểm soát hiện nay?

- Trong công tác kiểm tra, kiểm soát, một mặt nội dung kiểm tra chưa sát, chất lượng kiểm tra kém; mặt khác do chất lượng kiểm tra kém nên không có địa chỉ, khi cần cụ thể thì không chỉ ra được ai. Hơn nữa, khi vụ việc được phát hiện, có địa chỉ cụ thể thì tư tưởng xử lý và chế tài xử lý không quyết liệt, dứt điểm. Nhiều khi người nọ nhìn người kia, cấp dưới nhìn cấp trên… nên dễ nhờn luật. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức lơ mơ, không nhất quán; bộ máy tổ chức chất lượng yếu, trì trệ; một bộ phận cán bộ thoái hóa biến chất; việc điều hành không tập trung, thiếu kiên quyết kể cả trong khâu phát hiện và xử lý.

Cụ thể hóa các chính sách

- Theo ông, để tháo gỡ khó khăn cho DN chúng ta cần phải tập trung vào những giải pháp gì?

- Muốn tháo gỡ khó khăn cho DN trước hết phải tăng tổng cầu. Muốn tăng tổng cầu thì phải tạo ra sức mua. Như vậy, chúng ta cần phải có những chính sách vĩ mô tháo gỡ cả về thể chế, hạ tầng, chất lượng nguồn lực và nguồn vốn cho DN. Làm được việc này mới giúp cho sản xuất khôi phục và phát triển; từ đó sẽ giải quyết được nhiều việc làm, tạo ra thu nhập và tăng sức mua.

- Sắp tới, chúng ta cần có biện pháp hữu hiệu nào nhằm xử lý triệt để và tránh phát sinh nợ xấu tồn đọng trong tương lai?

- Để xử lý nợ xấu phải căn cứ vào hướng dẫn chung. Trước hết là phải bán bớt nợ xấu nhằm cải thiện cơ cấu nợ và tiếp tục cho DN vay vốn. Hai là phải trích nộp dự phòng để xử lý rủi ro. Ba là phải chặn lại nợ xấu có thể phát sinh. Bên cạnh đó là việc phân loại nợ xấu nhằm có biện pháp xử lý triệt để: Có khoản nợ thì nên bán, có khoản thì thông qua tòa án để xử lý và khoản nào khó có khả năng thu hồi thì trích dự phòng rủi ro.

- Được biết, Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ DN, đặc biệt là hỗ trợ cho vay với những ngành nghề ưu tiên. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

- Hiện nay, vốn trong ngân hàng vẫn tồn đọng nhiều mà đối tượng vay không vay được vì bị tắc ở khâu thủ tục, điều kiện và yếu tố vay. Chính sách hỗ trợ DN của Chính phủ rất cụ thể như gói cho vay ngư dân, cho vay các liên kết khoa học, nhà ở cán bộ công nhân viên, gói 30 nghìn tỷ đồng cho người thu nhập thấp vay mua nhà, cho DN nhỏ và vừa vay, cho vay xây dựng nông thôn mới, cho vay hỗ trợ xuất khẩu… tiếp tục phải được tháo gỡ vướng mắc để việc thực thi có hiệu quả. Với những dự án sử dụng vốn ngân sách, Nhà nước cần cố gắng tập trung đầu tư để tạo việc làm cho DN. Tôi cho rằng, vấn đề hiện nay là phải cụ thể hóa và đẩy nhanh tiến độ triển khai các chủ trương chính sách đã đề ra nhằm cải thiện việc giải ngân của các gói hỗ trợ cho vay và giúp DN dễ tiếp cận được với vốn tín dụng ưu đãi. Nếu các biện pháp được thực hiện tốt, việc luân chuyển vốn, luân chuyển hàng hóa sẽ tốt hơn, tạo đà cho sản xuất phát triển.

- Theo ông, những biện pháp vĩ mô nào cần sớm được triển khai nhằm hỗ trợ DN?

- Đó là việc đẩy mạnh công tác xây dựng luật của Quốc hội, phải định hình cho rõ và sớm sửa đổi các luật kinh tế. Sau khi sửa đổi, việc cụ thể hóa của Chính phủ, của các ngành phải rất nhanh thì các bộ luật mới đi vào cuộc sống. Ví dụ như các giấy phép, mặt hàng cấm có điều kiện thì phải công bố ngay để người dân được tự do sản xuất. Thứ hai là công tác cải cách thủ tục hành chính cũng phải làm nghiêm túc. Thứ ba là việc kiểm tra, kiểm soát xử lý những vấn đề tồn tại, lãng phí, tiêu cực. Tất cả những việc này phải triển khai rất đồng bộ về chính sách. Trong quá trình triển khai phải thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, thực hiện nghiêm kỷ cương kỷ luật; nói là phải làm, đề ra là phải triển khai. Ai không triển khai phải được kiểm tra, phát hiện được phải bị xử lý nhằm hạn chế tối đa lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, quy trách nhiệm cụ thể và có chế tài xử phạt nghiêm minh. Những biện pháp này tuy rằng không mới nhưng sự thực từ trước ta chưa làm hoặc làm chưa cụ thể.

Liên kết để phát triển

- Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nền kinh tế nước ta từ nay đến cuối năm sẽ khởi sắc, thoát đáy đi lên. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?

- Có ba lý do để có thể nói xu hướng kinh tế sẽ tốt hơn. Trước hết là, những biện pháp triển khai của chúng ta đang ngấm dần. Nó đang lan ra chiều rộng và thấm vào chiều sâu. Hai là, năm nào cũng vậy, tính thời vụ cuối năm bao giờ cũng rộn rã hơn, các chỉ tiêu kế hoạch kể cả về ngân hàng tài chính, sản xuất kinh doanh được thực hiện quyết liệt hơn. Đặc biệt là để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán, các DN sẽ tăng dự trữ hàng hóa và vay vốn. Ba là, do lạm phát kiểm soát tốt, đồng tiền giữ giá giúp người dân có thể mua được nhiều hàng hóa hơn. Sức mua tăng sẽ có tác động tích cực đến sản xuất kinh doanh của DN. Bên cạnh đó, việc kết hợp những giải pháp ngắn hạn, dài hạn; giải quyết những vấn đề bức xúc trước mắt và lâu dài như cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp, tái cơ cấu ngân hàng, tài chính cũng góp phần tạo ra động lực thúc đẩy kinh tế đi lên.

- Quan điểm của ông về những việc mà DN Việt Nam cần phải làm để tăng cường khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế, đặc biệt là khi chúng ta đang tiến tới ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TTP) và thực hiện cam kết giảm thuế khi gia nhập AFTA?

- Để tăng khả năng cạnh tranh của các DN Việt trong quá trình hội nhập, tận dụng các cơ hội cũng như thách thức khi chúng ta tham gia TTP, AFTA thì ngay từ bây giờ DN phải thực hiện rất nghiêm túc các cam kết đã ký; đồng thời phải phát huy nội lực, lợi thế so sánh, liên doanh liên kết, đổi mới công nghệ để phát triển. Nếu không đổi mới nâng cao năng lực nhanh thì DN Việt Nam sẽ khó có thể cạnh tranh được với các DN ở các nước ASEAN và trên thế giới.

- Vấn đề tái cơ cấu kinh tế và phát triển công nghiệp phụ trợ cần được thực hiện như thế nào?

- Theo tôi, chúng ta phải cơ cấu lại nền kinh tế, với một số vấn đề cần phải giải quyết là cơ cấu lại ngành hàng, sản phẩm; cơ cấu lại vùng; cơ cấu lại tài chính, công nghệ, công nghiệp phụ trợ… Trên cơ sở cơ cấu, chúng ta sẽ bố trí lại những việc mình làm được, những việc chưa làm được và phát triển thêm sản phẩm gì. Ví dụ như ngành ô tô cần phát triển cái gì thì ta sản xuất cái đó; ngành điện, tin học phát triển cái gì, dựa vào thế giới cái gì... Có nhiều khâu trong dây chuyền sản xuất công nghiệp của thế giới chúng ta có thể tham gia đầu tư làm được để phát triển công nghiệp phụ trợ.

- Liệu các DN vừa và nhỏ có thể liên kết với nhau để tạo nên sức mạnh được không, thưa ông?

- Đây là việc nên làm từ trước nhưng chúng ta mới đang hô hào. Để tăng khả năng cạnh tranh, các DN cần tiếp thu, thực hiện nghiêm các chính sách đã triển khai và khai thác hết những chính sách mới. Bên cạnh đó là phải có sự hỗ trợ cộng đồng; của các hiệp hội xã hội, hiệp hội ngành hàng; có sự hỗ trợ đan xen chi viện giữa các DN với nhau cả về vốn, tiêu thụ sản phẩm, tay nghề, khai thác cơ sở vật chất kỹ thuật…

- Trân trọng cảm ơn ông về những vấn đề đã trao đổi!

Vương Tuấn Anh