Những ngày đầu làm Báo Thủ Đô (tiếp theo)

Giới trẻ - Ngày đăng : 05:40, 26/10/2014

(HNM) - Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954), nhà báo Bùi Hạnh Cẩn là một trong ba cây bút của Báo Nhân Dân được cử tham gia tiếp quản cùng Đại đoàn Quân Tiên phong (F308).


Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954), nhà báo Bùi Hạnh Cẩn là một trong ba cây bút của Báo Nhân Dân được cử tham gia tiếp quản cùng Đại đoàn Quân Tiên phong (F308). Có điều ít ai biết rằng, trước đó 5 năm, ông đã có những câu thơ tiên đoán về cuộc trùng phùng này.

Mùa thu năm 1949, nhà thơ Chu Hà - người phụ trách Báo Cứu quốc Thủ đô (dưới sự chỉ đạo của đồng chí Khuất Duy Tiến, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội) nhờ nhà văn Sao Mai về Liên khu 3 mang thư của ông gửi nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn đề nghị viết cho mấy vần thơ để đăng số Kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và chuyển vào nội thành Hà Nội. Nhận được thư, Bùi Hạnh Cẩn lúc bấy giờ đang phụ trách nhóm văn nghệ Rạng Đông, đồng thời là Thường trực phân hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác, đã gửi lên tòa soạn Báo Cứu quốc Thủ đô một bài thơ viết về Trung đoàn Thủ đô mang tên “Các anh là gió mùa thu”. Bài thơ được in trong tờ Cứu quốc Thủ đô, số đặc biệt, ra ngày 19-8-1949, 24 trang, cùng với các bài: “Tất cả để chiến thắng” (Nguyễn Đình Thi), “Tiếng gọi” (Nguyên Hồng), “Tiến về Hà Nội” (Văn Cao), “Mặt trận dân tộc thống nhất” (Hồng Giao), “Mùa thu” (Trúc Đường), “Đường tháng Tám” (Văn Chi), “Ông Khính” (Sao Mai)...

Các ấn phẩm của Hànộimới luôn có chỗ đứng trong lòng bạn đọc Thủ đô.


Đến nay, 65 năm đã trôi qua, nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn chỉ nhớ được 4 câu cuối như sau: “Hà Nội lòng đương nắng xé/ Các anh là gió mùa thu/ Hẹn nhau bờ liễu Hồ Gươm nhé/ Khi lộng cờ bay đỏ Tháp Rùa”.

Hồi tưởng lại, tác giả của những vần thơ nay đã ngót nghét trăm tuổi vẫn khẳng định: “Cho đến bây giờ bài thơ vẫn đẹp, chứ không phải chỉ có chuyện 65 năm trước”.

Gần 80 năm gắn bó với Hà Nội, từng viết Báo Tri Tân, Báo Đông Pháp, Tiểu thuyết thứ Năm... (trước 1945), đã từng dịch nhiều tác phẩm, trong đó có công trình “Thăng Long thi văn tuyển” (tập 1 và 2), 96 tuổi đời, nhà báo, nhà thơ, nhà thư pháp Bùi Hạnh Cẩn vẫn chưa ngừng nghỉ.

Chúng tôi có hỏi ông về việc viết hồi ký đời mình. Ông cười kể lại một câu chuyện quan điểm viết báo của nhà thơ Trần Huyền Trân, bạn ông, với lời kết luận hóm hỉnh: “Mình cũng vào loại sống lâu lên lão làng đấy, nhưng cuộc đời là cứ phải luôn tìm những cái mới để viết”.

Thời Mới ngày giải phóng

Đầu tháng 8-1954, tại làng Phú Xuyên (huyện Phú Xuyên) là vùng tự do, Thành ủy Hà Nội đã họp hội nghị mở rộng bàn và quyết định những chủ trương lớn về công việc tiếp quản Thủ đô, trong đó có vấn đề báo chí. Thành ủy xác định trong khi công tác tiếp quản còn bộn bề, cơ sở vật chất và nhân sự chưa ổn định thì không thể lập tức ra một tờ báo tốt bảo đảm nhu cầu thông tin cấp thiết của nhân dân được. Ban Quân quản Thủ đô đã bắt mối trong nội thành và mời nhà báo Hiền Nhân ra vùng tự do bàn bạc tìm cách xuất bản báo ngay sau khi vừa tiếp quản Thủ đô. Sự chủ động của Ban Quân quản, sự cố gắng nhiệt thành và đấu tranh quyết liệt của phóng viên, nhân viên trong tòa báo, nhà in đã bảo vệ được cơ sở vật chất, máy móc của Báo Thời Mới.

Ngày 10-10-1954, quân ta tiến vào tiếp quản Thủ đô. Báo Thời Mới (trước đó mang tên Tia Sáng) ra số đầu tiên trên mảnh đất Thủ đô vừa giải phóng. Báo có khuôn khổ trung bình, gồm 4 trang, do nhà báo Hiền Nhân làm chủ nhiệm.

Khi mới giải phóng, Hà Nội có mấy tờ báo lớn là Giang Sơn của ông Hoàng Cơ Bình (Thủ hiến Bắc bộ) sau đó đổi tên thành tờ Sông Hồng do Trịnh Nguyên quản lý, được nửa năm thì đình bản vì thiếu vốn. Tờ Dân chủ của Vũ Đức Toa (bút danh Muỗi Sài Gòn) 3 kỳ/tuần. Tuần báo Nói Thật của Văn Nhân (đình bản năm 1959)...

Cuộc sống mới trên mảnh đất Thủ đô, từ không khí náo nức, phấn khởi của nhân dân đến những nỗ lực của chính quyền mới trong việc khôi phục kinh tế, văn hóa... đều được Thời Mới phản ánh đầy đủ và sinh động. Ưu điểm trong các bài phản ánh của Thời Mới là lối thông tin hai chiều: Thông tin các sự kiện, chủ trương, chính sách từ phía chính quyền và phản ánh cuộc sống, tâm tư nguyện vọng của người dân từ những khía cạnh nhỏ nhất. Vì vậy báo được bạn đọc rất yêu thích.

Nhà báo Hiền Nhân (1908-2000 tên thật là Đỗ Trọng Quỳnh), Chủ nhiệm Báo Thời Mới viết trong hồi ký: Thời Mới số 1, ra ngày 10-10-1954, đăng nổi bật sự chào đón nồng hậu cảm động của nhân dân Hà Nội khi bộ đội ta về tiếp quản Thủ đô. Ngay trên trang nhất trong số báo đầu tiên của Thời Mới ra mắt bạn đọc có đoạn:

“Giai đoạn cũ đã hết. Giai đoạn mới bắt đầu.
Tờ Tia Sáng của anh bạn Ngô Vân để lại đã hoàn thành nhiệm vụ của nó.
Giờ đây, cho thích hợp với giai đoạn mới, một nhóm ký giả chúng tôi cho xuất bản tờ nhật báo Thời Mới”.


Nổi bật trên trang nhất của số báo đầu tiên này là bức ảnh của tác giả Thanh - Vương với chú thích: “Các bộ phận quân đội nhân dân tiến vào Hà Nội theo đường Duy Tân sáng hôm qua. Dân chúng chào đón hoan nghênh bên đường. Các em thiếu nhi luôn sát bên cười nói với các anh về”. Bức ảnh được chụp ngày 9-10 ngày hôm sau đã lên trang nhất của tờ Thời Mới. Ngay dưới tấm ảnh cỡ lớn và sinh động đó, Thời Mới in bài “Thư Hồ Chủ tịch gửi đồng bào Hà Nội”. Bức thư có đoạn: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay, quân và dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, kháng chiến đã thắng lợi Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào”. Muôn dăm một nhà, lòng vui khôn xiết kể…

Ngày đó, bạn đọc của Thời Mới là tầng lớp thị dân, tiểu thương, tiểu thủ công nghiệp, các cán bộ công nhân viên nhà nước trong thành phố Hà Nội. Thời Mới đã đi sâu phản ánh sinh hoạt, cuộc sống, hoạt động kinh tế, xã hội của Thủ đô. Phương châm của Thời Mới là thông tin đa dạng, súc tích, dân chủ. Chủ đề chính toát lên từ nội dung bài vở của tờ báo là biểu dương ca ngợi người mới, việc mới, sáng kiến trong xây dựng sản xuất; giới thiệu, tuyên truyền cho các điển hình tiêu biểu, nhân tố mới.

Sau 14 năm phát hành, đến năm 1968, Báo Thời Mới sáp nhập vào Báo Thủ Đô Hà Nội để trở thành Báo Hànộimới, cơ quan ngôn luận của Thành ủy Hà Nội hôm nay.

Lúc chia tay, nhà báo lão thành Bùi Hạnh Cẩn nắm tay chúng tôi rồi nói như dặn dò: “Nghiệp chữ nghĩa, học thuật không nên tính tuổi mà chỉ nên tính xem tác phẩm có chất lượng, có gì mới lạ và có đóng góp gì không”. Chúng tôi như được ông tiếp thêm sức trên chặng đường dài ở phía trước. Nắng thu như dát vàng lên phố phường Thủ đô như thôi thúc chúng tôi đi tiếp, viết tiếp.

Đức Trường - Kiều Khải