Ngày định mệnh của Chủ tịch Total

Hồ sơ - Ngày đăng : 07:56, 25/10/2014

(HNM) - Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Total của Pháp Christophe de Margerie vừa thiệt mạng trong một vụ tai nạn khó tin tại sân bay Vnukovo ở thủ đô Mátxcơva (Nga). Cái chết của ông không chỉ khiến nước Nga mất đi một người bạn trong lúc khó khăn mà còn có thể khiến hình ảnh của xứ sở bạch dương tổn hại ít nhiều.

Chủ tịch Tập đoàn Total Christophe de Margerie là một tài năng rất được kính trọng trong ngành dầu khí thế giới.



Tốt nghiệp tại trường kinh tế danh tiếng Ecole Superieure de Commerce ở Paris năm 1974, ông Margerie trở thành Tổng Giám đốc điều hành của Total hồi tháng 2-2007 và kiêm thêm vị trí chủ tịch vào tháng 5-2010. Nhà lãnh đạo 63 tuổi có biệt danh là "Ngài ria rậm" (vì sở hữu bộ ria mép nổi bật) đã dành trọn sự nghiệp của mình ở Total và rất được kính trọng trong ngành dầu khí. Cái chết của ông Margerie là sự mất mát lớn đối với tập đoàn dầu khí hàng đầu nước Pháp. Trong 7 năm lãnh đạo ở Total, ông đã thành công trong việc bảo vệ tập đoàn trước những cáo buộc về tham nhũng xung quanh chương trình đổi dầu lấy lương thực của Liên hợp quốc ở Iraq. Không chỉ vậy, ông vẫn duy trì đầu tư ở Myanmar và Iran, bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ đối với những nước này.

Hiện tại, Total là một trong những tập đoàn dầu khí hàng đầu thế giới, đứng thứ tư về giá trị vốn hóa thị trường (102 tỷ euro) sau Exxon (Mỹ), Royal Dutch Shell (liên doanh giữa Hà Lan và Anh) và Chevron (Mỹ). Tập đoàn này hoạt động tại hơn 130 quốc gia và là đối tác quan trọng của thị trường năng lượng Nga. Hiện hãng này đang đầu tư vào dự án Yamal, một dự án liên doanh khai thác khí đốt ở tây bắc Siberia và có kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng ở Nga vào năm 2020. Bản thân ông Margerie là người chỉ trích kịch liệt quyết định trừng phạt Nga của Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) vì những bất đồng trong cuộc khủng hoảng Ukraine, đồng thời là người hết sức ủng hộ duy trì quan hệ giữa Châu Âu với Nga. Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, người đứng đầu Total khẳng định những nỗ lực của Châu Âu nhằm giảm phụ thuộc vào khí đốt của Nga sẽ là vô ích.

Mặc dù ngày 21-10, Ủy ban Điều tra của Nga (IC) đã mở một cuộc điều tra hình sự về vụ tai nạn, nhưng đến thời điểm này, vẫn còn một số tình tiết cần làm rõ. Theo điều tra trước đó, chiếc máy bay chở ông Margerie đã đâm vào xe dọn tuyết trong lúc chuẩn bị cất cánh. Sau khi va chạm, chiếc máy bay đã bay lên một quãng ngắn, đồng thời phát tín hiệu cấp cứu, báo cháy ở động cơ cũng như thiệt hại ở phần thân máy bay. Viên phi công sau đó quyết định quay trở lại, nhưng do càng máy bay bị hỏng, nên chiếc máy bay đã rơi xuống đường băng, bốc cháy dữ dội. Cơ quan cứu hộ cho biết, phần thân máy bay bị vỡ làm đôi, những mảnh vụn từ máy bay văng xa khỏi hiện trường vụ tai nạn tới hơn 200m. Các nhà điều tra của IC đã bắt giữ người lái xe dọn tuyết và nghi ngờ ông này lái xe trong tình trạng say rượu. Tuy nhiên, luật sư của người tài xế này lại tuyên bố anh ta không say. Có điều, dù người lái xe có phạm tội hay không thì chắc chắn còn rất nhiều người khác có liên quan tới vụ việc vì rõ ràng đây là hậu quả của sự bất cẩn trong công tác quản lý của cả một êkíp, trong đó có bộ phận điều khiển không lưu.

Nhiều người đã bị cơ quan điều tra tạm giữ. Cơ quan chức năng của Nga cũng sẽ tích cực phối hợp với các chuyên gia Pháp để làm rõ nguyên nhân tai nạn. Tuy nhiên, vụ việc chắc chắn sẽ khiến Nga lĩnh một điểm trừ về an toàn hàng không, nhất là trong bối cảnh thế giới vẫn chưa hết bàng hoàng vì hàng loạt vụ tai nạn máy bay chở khách thời gian qua.

Phương Chi