Đóng cửa cảng, cách chức người đứng đầu…
Kinh tế - Ngày đăng : 07:05, 24/10/2014
Vấn đề thủ tục và kiểm soát tải trọng
Thủ tục hành chính đang có nhiều vướng mắc là ý kiến được đại diện nhiều DN VTB nêu ra tại buổi đối thoại trực tuyến vừa qua với lãnh đạo Bộ GTVT. Đại diện DN VTB Diêm Điền (tỉnh Thái Bình) cho biết: Thủ tục hành chính cho tàu, xà lan xuất nhập cảnh đi Campuchia gặp nhiều vướng mắc. DN này kiến nghị, thủ tục cần được thực hiện 24/24h, kể cả thứ bảy, chủ nhật để cho tàu, xà lan tiết kiệm thời gian, rút ngắn hành trình. DN này cũng đề nghị Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam tham mưu Chính phủ đề xuất nước bạn Campuchia cũng làm thủ tục xuất nhập cảnh 24/24h để cho tàu, xà lan qua lại biên giới hai nước để đẩy mạnh vận chuyển hàng hóa thương mại hai chiều bằng đường thủy qua sông Mekong.
Việc kiểm soát tải trọng hàng hóa trong vận tải biển còn nhiều bất cập. |
Đại diện Hiệp hội Đại lý và môi giới hàng hải Việt Nam (Visaba) nhấn mạnh, đã nhiều lần có kiến nghị về vấn đề cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực VTB nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến. Cụ thể, thủ tục vận chuyển hàng hóa đã qua sử dụng quá cảnh sang Campuchia rất phức tạp, mất thời gian vì phải xin giấy phép quota quá cảnh của Bộ Công thương và trừ dần quota. Vì vậy, Visaba đề nghị Bộ GTVT phối hợp Bộ Công thương đơn giản hóa thủ tục này cho tàu container có đăng ký chuyến, tuyến vận tải đi Phnôm-pênh. Nếu không các hàng hóa này vẫn tiếp tục chuyển tải tại Singapore (không yêu cầu các thủ tục đặc biệt) và Việt Nam lại mất nguồn hàng hóa này chuyển tải đi Campuchia.
Cùng với thủ tục hành chính, khâu kiểm soát tải trọng hàng hóa ngay từ cảng biển cũng được nhiều ý kiến đề cập. Một số DN cảng biển phản ánh, tuy cảng nào cũng đã ký cam kết xếp hàng hóa đúng tải trọng theo phương tiện vận tải đường bộ, song vấn đề rất đáng lo là nhiều nơi không nghiêm túc thực hiện, gây ra tình trạng không công bằng, cạnh tranh không lành mạnh giữa các cảng. Ðại diện Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn cho biết, tuy lãnh đạo các cảng biển đã có cam kết chở hàng hóa đúng trọng tải, nhưng nhiều cảng biển thực hiện không nghiêm túc, gây thiếu công bằng trong cạnh tranh. Ngoài ra, chưa kể một số cảng còn để xảy ra những tiêu cực như xe ra khỏi cảng mới đổi đầu kéo, dồn ghép container khiến rất khó kiểm soát.
Không thiên vị đơn vị nào
Cùng với siết chặt công tác kiểm soát trên đường bộ, vừa qua, Bộ GTVT đã triển khai kế hoạch chấn chỉnh quản lý trọng tải phương tiện tại các cảng biển và đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, khảo sát thực tế tại một số các cảng biển lớn trên cả nước. Việc triển khai ký cam kết không xếp hàng hóa quá trọng tải trên phương tiện đã được thực hiện hiệu quả. Đến nay, đã có 206/222 cảng ký cam kết không xếp hàng hóa quá trọng tải quy định, 16 cảng còn lại chưa ký cam kết.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công, việc kiểm soát tải trọng xe một cách gắt gao và liên tục thời gian qua đã đẩy giá cước vận tải đường bộ tăng cao, một số chủ hàng chuyển hướng sang sử dụng VTB và đường thủy nội địa. Tuy nhiên, kết quả thực tế không như mong đợi. Nguyên nhân là năng lực của các DN VTB trong nước còn nhiều hạn chế. Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), đơn vị có đội tàu chiếm tới 50% tổng trọng tải cả nước, đạt mức tăng trưởng ở con số âm 4%. "Nhà nước sẽ hỗ trợ về cơ chế, chính sách nhưng sẽ không hỗ trợ về vốn, các DN không nên trông chờ Nhà nước mà phải chủ động tìm cách nâng cao năng lực quản trị, bộ máy marketing. Chúng tôi khẳng định không thiên vị bất cứ đơn vị nào. Ngoài việc đóng cửa cảng, những DN thuộc quản lý của Bộ GTVT, chúng tôi còn cách chức người đứng đầu" - Thứ trưởng Nguyễn Văn Công khẳng định.
Đối với kiến nghị của các DN VTB liên quan thủ tục hành chính, giải quyết hàng tồn đọng quá dài tại cảng, lãnh đạo Bộ GTVT cam kết sẽ trả lời bằng văn bản cho các DN ngay trong tháng 10-2014 và công bố công khai để các DN có thể tham khảo.