Có đẩy thị trường về thời kỳ độc quyền?
Kinh tế - Ngày đăng : 06:57, 24/10/2014
Khách hàng tìm hiểu dịch vụ của Viettel. Ảnh: Hải Anh |
Chưa có căn cứ giá thành
Lãnh đạo Viettel cho biết, hiện doanh thu từ cước kết nối của nhà mạng này chỉ chiếm 7% tổng doanh thu. Do vậy, nếu áp dụng chính sách một giá cước thì mức sụt giảm doanh thu chỉ khoảng 1,5%, không ảnh hưởng nhiều đến tình hình tài chính của tập đoàn, trong khi lưu lượng sử dụng có thể tăng lên và bù đắp cho phần sụt giảm. Được biết, việc giảm cước ngoại mạng bằng với cước nội mạng khiến Viettel có thể bị giảm doanh thu khoảng 960 tỷ đồng/năm, nhưng việc tính cước đồng mức sẽ là biện pháp kích cầu, đồng thời là giải pháp để "đối phó" với sự cạnh tranh của các dịch vụ điện thoại miễn phí trên di động (OTT). Tại thời điểm Viettel kiến nghị giảm cước ngoại mạng hồi tháng 7-2014, lãnh đạo Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) cho biết, việc giảm cước phải theo nguyên tắc không bán dưới giá thành, đồng thời sẽ yêu cầu Viettel và các doanh nghiệp (DN) viễn thông khác báo cáo giá thành dịch vụ di động, từ đó là căn cứ để phê duyệt đề xuất của nhà mạng… Ngay sau khi có đề xuất này, dư luận cũng bày tỏ quan điểm là Bộ TT-TT cần cân nhắc kỹ vì nếu không cẩn trọng, thị trường viễn thông sẽ trở lại thời kỳ độc quyền, lúc đó người tiêu dùng sẽ "gánh" đủ hậu quả.
Cục trưởng Cục Viễn thông Phạm Hồng Hải cho biết, về nguyên tắc, nếu không phá giá thì Viettel được phép ban hành gói cước này. Tuy nhiên, giữa cơ quan quản lý và DN hiện tại chưa thống nhất được cách tính giá thành. Cụ thể, các nhà mạng đều đang tính giá thành theo phân bổ doanh thu nên giá thành có sự sai lệch lớn và không phù hợp với thông lệ quốc tế, do vậy nếu đem áp dụng cách tính của DN sẽ không có lợi cho thị trường. Cục Viễn thông đang làm việc với các DN để có cách tính lại giá thành.
"Mạng nhỏ" hết cửa?
Trao đổi với PV Báo Hànộimới, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Phạm Đức Long cho biết, với dịch vụ di động, trong khi giá thành chưa được xác định và hiện cách tính chưa chính xác thì nếu thực hiện giảm giá như đề xuất, không cẩn thận sẽ đẩy thị trường về cạnh tranh kiểu "cá lớn nuốt cá bé". Cụ thể, khi VNPT còn sở hữu hai mạng di động, thì tương quan giữa VNPT, Viettel là như nhau. Song, hiện MobiFone đã tách ra khỏi VNPT và tập đoàn này đang thực hiện tái cơ cấu nên sẽ gặp không ít khó khăn. Do vậy, nếu đề xuất giảm cước được áp dụng, sẽ tác động không nhỏ đến Vinaphone nói riêng, VNPT nói chung và cũng có thể khiến các nhà mạng nhỏ như Vietnamobile, Gmobile "không còn cửa". Vì một nguồn thu không hề nhỏ với hai nhà mạng này chính là doanh thu từ cước kết nối (do các nhà mạng lớn chi trả cước khi thuê bao của mình gọi đến các mạng nhỏ), vậy khi nhà mạng lớn giảm cước ngoại mạng (nếu được chấp thuận), buộc các nhà mạng khác phải "chạy đua" giảm theo, vậy thiệt hại trước hết là các nhà mạng nhỏ.
Cùng quan điểm với VNPT, một đại diện MobiFone cho biết, việc điều chỉnh cước nội mạng bằng với ngoại mạng sẽ gây khó khăn cho các mạng nhỏ, từ đó dẫn đến cạnh tranh không bình đẳng giữa các DN và khiến thị trường phát triển không lành mạnh. Đại diện MobiFone cũng cho rằng, mức cước viễn thông hiện nay tại Việt Nam đang rất rẻ so với các nước trong khu vực, do vậy bên cạnh những tác động không có lợi cho thị trường thì việc tiếp tục giảm cước sẽ làm cho khoản đóng góp vào ngân sách của các DN viễn thông giảm đi.
Trở lại với ý kiến như đã nêu ở trên, nếu đề xuất này không được cơ quan quản lý nhà nước xem xét kỹ có thể đẩy thị trường về thời kỳ độc quyền. Ý kiến này cũng từng được các chuyên gia, nhà quản lý trong ngành nêu ra. Vì trên thực tế, khi giảm cước là người tiêu dùng được lợi, song một DN lớn đang chiếm lĩnh thị trường với thị phần lớn (Viettel hiện có khoảng 54 triệu thuê bao di động, tương đương lượng thuê bao của cả MobiFone và Vinaphone cộng lại) thì khi một động thái giảm cước sẽ gây tác động rất lớn đến thị trường. Khi các đối thủ đã suy yếu, không còn sức để cạnh tranh, "bỗng dưng" chỉ còn "một mình một chợ", liệu có chắc Viettel không quay trở lại tăng giá dịch vụ!?