Chưa xứng với tiềm năng

Du lịch - Ngày đăng : 06:42, 24/10/2014

(HNM) - Mới đây, Trung tâm Xúc tiến du lịch Hà Nội (Sở VH-TT&DL) đã tổ chức chương trình khảo sát tuyến du lịch lịch sử cách mạng gắn với du lịch sinh thái vùng Chiến khu Việt Bắc. Thực tế cho thấy, dù sở hữu nguồn tài nguyên rất giá trị nhưng việc khai thác du lịch của vùng dường như chưa xứng với tiềm năng.


Tài nguyên du lịch phong phú

Ông Phạm Thái Hanh, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Thái Nguyên cho biết: Vùng du lịch Chiến khu Việt Bắc trải dài qua 6 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên và Tuyên Quang. Được mệnh danh là "địa đầu" của Tổ quốc, đây là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Dìu, Lô Lô... Các dân tộc ở đây dù đông hay ít người vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống riêng, độc đáo của mình. Những đặc trưng văn hóa vùng rất có ý nghĩa đối với hoạt động du lịch, được thể hiện dưới hình thức như: Chợ phiên vùng cao, chợ tình Khau Vai ở Hà Giang, Bắc Hà ở Lào Cai, lễ hội Lồng Tồng (lễ hội xuống đồng) phản ánh đầy đủ đời sống tâm linh và văn hóa của các dân tộc ít người nơi đây. Ngoài ra, cả 6 tỉnh còn có văn hóa ẩm thực phong phú với những món ăn nổi tiếng như khau nhục, vịt, lợn quay Lạng Sơn, phở chua, xôi ngũ sắc, cơm lam... Các tỉnh còn được thiên nhiên ưu đãi và ban tặng nhiều sản vật có giá trị như dẻ Trùng Khánh (Cao Bằng), chè Tân Cương (Thái Nguyên), na Chi Lăng (Lạng Sơn)…

Hệ thống di tích tại vùng Việt Bắc có giá trị đặc biệt quan trọng. Ảnh: Sơn Dương



Ngoài hệ thống di sản văn hóa gắn với bản sắc các dân tộc thiểu số, 6 tỉnh vùng núi phía Bắc còn là quê hương của cách mạng Việt Nam, với nhiều di tích nổi tiếng: Hang Pắc Pó, rừng Nguyên Bình, đồi Khau Tý, di tích Tỉn Keo, lán Khuôn Tát, lán Nà Nưa… Việt Bắc cũng được thiên nhiên ban tặng những điều kiện lý tưởng về khí hậu, địa hình, địa mạo, cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp như Mẫu Sơn (Lạng Sơn), thác Bản Giốc (Cao Bằng), hồ Ba Bể (Bắc Kạn), cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang)…

Khai thác chưa hiệu quả

Hệ thống di tích tại vùng Việt Bắc tuy rất có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa nhưng vẫn chưa thu hút được khách du lịch. Năm 2013, cả 6 tỉnh mới có 6.083.000 lượt khách, doanh thu 3.897 tỷ đồng. 6 tỉnh hiện có 1.005 cơ sở lưu trú, nhưng trong đó khách sạn 4 sao rất hiếm, như Lạng Sơn chỉ có 1 khách sạn 4 sao, Thái Nguyên có 1 khách sạn đang làm hồ sơ để công nhận là khách sạn 4 sao, 3 khách sạn 3 sao, còn lại là từ 1 đến 2 sao.

Giao thông nối các tỉnh trong vùng còn một số tuyến chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch, đặc biệt là đường giao thông nối tỉnh Cao Bằng, Hà Giang... hết sức khó khăn. Một số khu, điểm trong vùng du lịch chưa có đường ô tô nối tuyến như tuyến du lịch Bắc Mê, Hà Giang - khu du lịch sinh thái hồ thủy điện Na Hang; Tuyên Quang - hồ Ba Bể, Bắc Kạn…

Nhân lực làm du lịch của 6 tỉnh cũng là một vấn đề được đặt ra. Hầu hết lực lượng quản lý ngành du lịch của khu vực đều chuyển công tác từ các bộ phận và chuyên ngành khác nhau, kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn về du lịch chủ yếu được tiếp thu qua các lớp tập huấn ngắn ngày nên rất hạn chế. Điển hình, trong đội ngũ làm quản lý du lịch tại Lạng Sơn, không một cán bộ nào được đào tạo bài bản về du lịch. Thạc sĩ Dương Thị Lâm, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc, cho biết lao động du lịch đối với đồng bào Chiến khu Việt Bắc còn là khái niệm khá xa lạ, học sinh là con em các dân tộc thiểu số trong khu vực gặp trở ngại lớn trong việc học ngoại ngữ nên tâm lý ngại giao tiếp là phổ biến.

Thực tế còn cho thấy sản phẩm du lịch của 6 tỉnh cũng chưa đổi mới, hấp dẫn. Sản phẩm của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Thái Nguyên - một trong năm bảo tàng quốc gia - là một ví dụ. Trên diện tích 40.000m2 với 2 khu trưng bày trong nhà và ngoài trời, kho cơ sở lưu giữ 35.000 tài liệu, hiện vật của 54 dân tộc Việt Nam, thế nhưng công chúng đến với bảo tàng chỉ được cung cấp những thông tin chung nhất về nguồn gốc lịch sử tộc người, văn hóa ẩm thực, trang phục, nhà ở... theo cách nói một chiều của người thuyết minh. Hiện vật trong kho cơ sở ít được quan tâm, những câu chuyện liên quan đến các hiện vật hầu như không được khai thác, vì vậy khách tham quan dễ cảm thấy nhàm chán.

Ông Phạm Thái Hanh cũng thừa nhận mặc dù ngành du lịch 6 tỉnh đã ký kết chương trình phát triển được 6 năm nhưng các tỉnh vẫn "mạnh ai nấy làm", chưa xây dựng được sản phẩm du lịch đặc trưng của 6 tỉnh; công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch chung cũng chưa được thực hiện thường xuyên, cụ thể chưa có một trang web về du lịch chung cho cả 6 tỉnh. Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Cục Di sản văn hóa, vùng Việt Bắc nên sáng tạo những sản phẩm du lịch trên cơ sở các tài nguyên văn hóa bản địa, tổ chức các hoạt động mang bản sắc, tính độc đáo của địa phương, theo mô hình các lễ hội mới như Festival Huế (Thừa Thiên Huế), Hội hoa Đà Lạt (Lâm Đồng), Hội pháo hoa quốc tế (Đà Nẵng)...; có như vậy mới thúc đẩy được du lịch phát triển.

Lâm Vũ